Sức sống của đàn Tỳ bà trong âm nhạc đương đại Việt Nam

Là giảng viên trực tiếp giảng dạy bộ môn đàn Tỳ bà tại Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội, với tôi, đàn Tỳ bà có một sức sống riêng biệt, tạo sự hấp dẫn và làm rung động bao trái tim của những người yêu nghệ thuật không phải chỉ bằng dáng vẻ kiêu xa, lộng lẫy mà còn do chính những âm thanh kỳ diệu, tiếng trầm tiếng cao, tiếng vang, tiếng tĩnh, tiếng mềm, tiếng đanh.

Đàn Tỳ bà có lợi thế cả về hình thức lẫn âm thanh, với sự dịu dàng, trầm bổng, diễn tả được nhiều cảm xúc cũng như tâm tư, tình cảm của con người Việt Nam.

Trong công tác đào tạo âm nhạc, bên cạnh việc tiếp thu, đẩy mạnh các phương pháp giảng dạy hiện đại thông qua ngôn ngữ âm nhạc bằng chữ viết, bản phổ nốt nhạc, tư liệu băng đĩa, phương tiện dạy học thì cần phải bảo lưu và nêu cao vai trò của việc truyền ngón, truyền nghề từ các thế hệ nghệ nhân, gìn giữ những ngón đàn tinh túy, điêu luyện. Khi đất nước càng phát triển thì đòi hỏi chúng ta càng phải gìn giữ và phát triển vốn văn hóa cổ truyền, gìn giữ tinh hoa của dân tộc.

 Nghệ sĩ biểu diễn đàn Tỳ bà.

Nghệ sĩ biểu diễn đàn Tỳ bà.

Là một trong những đại diện cho nhạc cụ cổ truyền của dân tộc, từ khi ra đời đến khi hình thành và phát triển, đàn Tỳ bà luôn chiếm được ưu thế trong lòng khán giả. Đàn Tỳ bà tồn tại và phát triển qua mọi thời đại, vượt qua những biến cố lịch sử của đất nước cho tới đầu thế kỷ XX và đến ngày nay đã khẳng định được vị thế của mình trong lòng khán giả yêu mến nghệ thuật.

Hiện nay sự phát triển và lan tỏa của đàn Tỳ bà trong đời sống âm nhạc Việt Nam khá phong phú và mạnh mẽ. Rất nhiều gương mặt nghệ sĩ đã khẳng định tên tuổi của mình thông qua nhạc cụ này như NSND Mai Phương, Mai Huệ, Kim Hạnh, Diệu Thảo, Kim Thu... Hầu hết các nghệ sĩ đều khẳng định rằng, đàn Tỳ bà là một nhạc cụ dân tộc Việt Nam rất độc đáo với tính năng sử dụng cũng như biểu diễn rất phong phú, độc đáo và đa dạng. Trong các sự kiện giao lưu văn hóa trong nước và quốc tế đều có sự góp mặt của dàn nhạc dân tộc Việt Nam, trong đó có sự tham gia của cây đàn Tỳ bà với những đóng góp miệt mài cho sự phát triển của dàn nhạc dân tộc.

Nhiều tác phẩm viết cho cây đàn nhận được giải thưởng cao trong các hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc như tác phẩm "Ngẫu hứng dênh dênh" của tác giả Xuân Bắc; "Miền quê thương nhớ" của tác giả Triệu Tiến Vượng. Nhiều nghệ sĩ biểu diễn đàn truyền thống được nhận huy chương vàng, bạc, các nhà giáo, nghệ sĩ biểu diễn đã được vinh danh, phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT như NSND Vũ Thị Mai Phương, NSƯT Vũ Thị Kim Hạnh, Nghệ nhân dân gian Phạm Thị Huệ…

Cuộc sống ngày nay đã khoác lên vai nghệ sĩ chơi nhạc cụ truyền thống một trọng trách mới, đó là phải chuyển tải tới người nghe những thanh âm mang màu sắc dân tộc. Trong cuộc sống hiện nay, khi nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ này mà chỉ giới hạn trong những làn điệu cổ thì không thể đáp ứng được tính đa dạng của cuộc sống mới. Chính vì lẽ đó mà các nhạc sĩ, nghệ sĩ hiện nay đã sáng tạo ra những tác phẩm mang hơi thở thời đại, vừa đậm đà âm hưởng dân gian, vừa có sự nhiệt huyết của cuộc sống hiện đại. Như vậy, sự nghiệp bảo tồn, phát huy âm nhạc truyền thống Việt Nam nói chung, đàn Tỳ bà nói riêng mới có sự ảnh hưởng rộng rãi, các bản cổ, tác phẩm âm nhạc đương đại mới trường tồn và phát triển không ngừng.

Bài, ảnh : VŨ THỊ HƯỜNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/suc-song-cua-dan-ty-ba-trong-am-nhac-duong-dai-viet-nam-644490