Sức sống bất diệt của ca khúc 'Chúng con bên giấc ngủ của Người'

Cứ đến dịp tháng Năm, toàn thể dân tộc Việt Nam lại hướng đến Quảng trường Ba Đình lịch sử - nơi vị cha già kính yêu của dân tộc đang yên giấc ngủ ngàn thu. Để bày tỏ tình cảm của mình, nhạc sĩ Nguyễn Đăng Nước khi ấy mới 23 tuổi đã viết lên ca khúc 'Chúng con bên giấc ngủ của Người'. Đã 41 năm kể từ ngày ca khúc ra đời, âm hưởng của nó vẫn còn sống mãi với thời gian và được đánh giá là một trong những ca khúc hay viết về Bác Hồ.

Nhạc sĩ Nguyễn Đăng Nước say sưa với những nốt nhạc. Ảnh: Ngô Khiêm

Cậu bé Nguyễn Đăng Nước sinh năm 1953 trong một gia đình có truyền thống hiếu học ở huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Dòng họ Nguyễn Đăng có nhiều người trước đây là nhà nho uyên bác nên từ bé, Đăng Nước đã được dạy dỗ học hành tử tế. Ngoài giờ học trên lớp, Đăng Nước thường say đắm trong những cuốn sách văn học, lịch sử. Cùng với đó, may mắn được cha dạy hát những bài ca cách mạng, ca ngợi Đảng và Bác Hồ, vì thế Đăng Nước đã sớm thần tượng vị lãnh tụ Hồ Chí Minh. Đặc biệt, Đăng Nước có thói quen khó bỏ là thường xuyên nghe chương trình dạy hát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam rồi hát lại cho đến thuộc mới thôi. Khác với bạn bè cùng trang lứa, Đăng Nước còn sáng tạo ra những câu hát vu vơ, mặc dù chưa hề biết một nốt nhạc nào.

Cứ thế, nguồn âm nhạc được nuôi dưỡng đã đưa Đăng Nước trở thành sinh viên Khoa Thanh nhạc, Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Tuy nhiên, năm 1972, khi học được 3 tháng, chàng sinh viên Nguyễn Đăng Nước nhận được giấy báo lên đường nhập ngũ. Gác lại chuyện học hành, Đăng Nước trở thành chiến sĩ của Trung đoàn Công binh Hải quân đóng quân tại Quảng Nam. Đồng hành cùng chàng lính trẻ nơi chiến trường hiểm nguy là những cuốn giáo trình âm nhạc được cất đầy trong ba lô.

Thấm thoắt 4 năm trôi qua, cũng vào một ngày như lời bài hát “Sáng tháng Năm trời trong xanh quá”, Trung sĩ Nguyễn Đăng Nước được nghỉ phép về thăm nhà. Ghé qua Hà Nội thăm nơi làm việc của cha khi ấy là cán bộ Cục Bảo vệ an ninh kinh tế (A17) - Tổng cục An ninh, Bộ Công an, có nhiệm vụ bảo vệ xây lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Được tận mắt chứng kiến công việc thiêng liêng mà cha đang làm cùng với những tình cảm được dồn nén trong tim bấy lâu nay về Bác Hồ nên nhạc sĩ Đăng Nước đã chắp bút viết lời 1 cho ca khúc “Chúng con bên giấc ngủ của Người” ngay tại khu tập thể của Bộ Công an ở ngõ Chiến Thắng, đường Khâm Thiên (Hà Nội).

Sáng hôm sau, Đăng Nước về quê và cũng vẫn với nguồn cảm xúc ấy chàng lính trẻ đã bắt tay viết tiếp lời 2 cho hoàn chỉnh. Khi trở lại Hà Nội, Đăng Nước đã đem bài hát đến báo Công an nhân dân và hát cho cán bộ trong phòng nghe. Ai cũng khen bài hát rất hay và xúc động, nhưng mọi người đều chung cảm nhận là hình như nó vẫn thiếu một cái gì đó. Vậy là đêm đó, Đăng Nước suy nghĩ rất lâu và cuối cùng đoạn kết bài hát đã vút lên: “Cháu con đời đời bên Bác/ Bác ơi Bác ngủ ngon lành”, như lời khẳng định Bác mất đi nhưng sự nghiệp của Người sẽ còn mãi. Báo Công an nhân dân là nơi đăng bản nhạc này đầu tiên. Được sự động viên của mọi người, chàng trai 23 tuổi mang đến Đài Tiếng nói Việt Nam nhờ thu thanh. Khi nghe Đăng Nước hát, 3 cán bộ ở Phòng Ca nhạc, Đài Tiếng nói Việt Nam gồm nhạc sĩ Lê Lôi, Văn An, Trần Trung đã vô cùng ngạc nhiên, thán phục”.

Sau vài ngày dàn dựng, cuối cùng ca khúc “Chúng con bên giấc ngủ của Người” đã vang lên trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam qua 2 giọng hát rất nổi tiếng thời bấy giờ là ca sĩ Hữu Nội và Trần Thụ. Trong chiến trường, nghe được bài hát của mình, Đăng Nước đã xúc động xen lẫn tự hào vô cùng. Sau đó, nhiều hội thi đơn ca văn nghệ, các nghệ sĩ chuyên nghiệp lấy bài hát đó để biểu diễn. Sự nổi tiếng và lan rộng nhanh chóng của bài hát đã khiến lãnh đạo Bộ Công an quyết tâm tìm và đưa Đăng Nước về làm việc ở Phòng Văn nghệ, Cục Công tác chính trị, Tổng cục 3, Bộ Công an.

Khi được hỏi về việc tại sao bài hát xuất hiện với 2 cái tên khác nhau, nhạc sĩ ở tuổi 65 tâm sự, ban đầu bài hát lấy tên là “Chúng con canh giấc ngủ cho Người” nhưng sau đó nhà văn Lê Tri Kỷ (Trưởng phòng Văn nghệ nơi Đăng Nước công tác) đã góp ý để đổi tên bài hát thành “Chúng con bên giấc ngủ của Người”. Vì theo lý giải của ông Kỷ thì “canh” chỉ dành cho vua với lính, còn “bên” thì gần gũi hơn như cha với con. Và cũng nhờ sự tiếp thu ý kiến từ nhạc sĩ Văn Dung (Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội) mà Đăng Nước đã sửa “Bác đang trọn giấc mơ” thành “Bác chưa chọn giấc mơ” vì “giấc mơ” của Bác dành cho dân tộc còn rất lớn lao.

“Viết về chủ đề Bác Hồ thì có rất nhiều, riêng tôi cảm thấy ấn tượng với bài hát “Người là niềm tin tất thắng” của nhạc sĩ Chu Minh và “Bên lăng Bác Hồ” của nhạc sĩ Dân Huyền. Chính những ca từ xúc động từ 2 bài hát đó đã truyền cảm hứng cho tôi sáng tác được các khúc đi sâu vào tâm trí người nghe và sống mãi cùng thời gian”, nhạc sĩ Đăng Nước bộc bạch.

Hiện nay, bản phối khí của ca khúc này do chính nhạc sĩ Đăng Nước soạn thảo trên giấy đang được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, đó là niềm vinh dự lớn mà người nhạc sĩ tài hoa này có được. Trải qua thời gian, vào mỗi dịp sinh nhật Bác, triệu trái tim Việt Nam lại hướng về Quảng trường Ba Đình lịch sử, vang vọng trong tim giai điệu thiết tha, xúc động của bài hát để tưởng nhớ vị Cha già kính yêu ngàn đời của dân tộc Việt Nam.

Ngô Khiêm

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/suc-song-bat-diet-cua-ca-khuc-chung-con-ben-giac-ngu-cua-nguoi/