Sức sống A Lưới

Nếu ai muốn nghiên cứu về đi-ô-xin, hãy đến A Lưới. Có thể coi nơi đây là 'phòng thí nghiệm' về chất độc da cam của nhân loại. Cữ thu còn hườm nắng, gió bóc từng mảng không gian khô khỏng, chúng tôi ngược miền Tây Thừa Thiên - Huế, lên xứ sở trầm tích rêu phong này.

Địa điểm chứng tích chiến tranh hóa học tại sân bay A So, xã Đông Sơn.

Địa điểm chứng tích chiến tranh hóa học tại sân bay A So, xã Đông Sơn.

Ở đó, rẻo đất chon von trên dãy Trường Sơn ngàn năm mây trắng, hàng chục nghìn người dân Tà Ôi, Pa Cô, Vân Kiều… vẫn đang sống những năm tháng hào hùng, đau khổ và trang nghiêm nhất của cuộc đời.

Di họa nơi đại ngàn

Trời về chiều, nắng đong từng vạt cuối ngày vàng ệch lên mái nhà văn hóa thôn Rơ Môm, xã Đông Sơn. Già trẻ ríu rít nói cười, phong thanh dung dị, loang vào đại ngàn dần sẫm lại. Cách đó độ trăm bước chân là nhà Quỳnh Ngân. Quỳnh Ngân họ Hồ, ở huyện A Lưới hầu như ai cũng họ Hồ. Giống như người Cơ Tu, thường gọi chữ Kon (ông) đứng trước, thì đồng bào Tà Ôi, Pa Cô gọi là Quỳnh.

Quỳnh Ngân hơn 50 tuổi, nước da nâu bóng, quầng mắt thâm sì, vợ là Hồ Thị Liềng, kém chồng chín tuổi, tạng người nhỏ thó, dựa lưng vào cột nhà, mắt mở to, nghe chồng tiếp khách. Quỳnh Ngân được Ban Dân tộc miền núi tỉnh tặng giấy khen người có uy tín xã Đông Sơn, là hộ nghèo bậc nhất, nhì ở địa phương, thuộc diện nhiễm chất độc da cam.

Gia đình ông Hồ Giang Ngân ở xã Đông Sơn và “bảng” thành tích học tập xuất sắc của những người con bị nhiễm đi-ô-xin.

Trong cái hiu hắt của cảnh túng bấn, cái tang tóc đớn đau quằn quại vì đi-ô-xin, nhưng câu chuyện của người Pa Cô không chất chứa sự bần cùng, u ám mà ngời lên nghị lực phi thường. Quỳnh Ngân bảo, người có uy tín là không nghe kẻ xấu, chấp hành chính sách của Nhà nước, một lòng theo Đảng. Vợ chồng Quỳnh Ngân có ba con gái, trừ đi 11 người đã mất, đứa nào chào đời cũng bệnh tật, không rõ hình người, có đứa chưa kịp đặt tên.

“Đau thắt ruột, nhưng người có uy tín thì phải vững vàng, làm gương cho đồng bào”, Quỳnh Ngân nói, nhẹ nhàng, nhưng tôi hiểu, với người dân Đông Sơn, những mất mát quá sức chịu đựng đến lúc phải chấp nhận như một quy luật tự nhiên, bởi từ lâu, sự tồn tại của chất độc da cam là điều “bình thường” trong cuộc sống nơi đây.

Theo kết quả nghiên cứu của Ban Khắc phục hậu quả chất độc hóa học sử dụng trong chiến tranh (UB10-80): Từ năm 1961 đến 1971, huyện A Lưới hứng chịu hơn 432.000 lít thuốc diệt cỏ, tương đương 11kg đi-ô-xin.

Thứ đáng giá nhất trong nhà Quỳnh Ngân là con lợn giống và mấy bao ngô. Nhưng đó cũng không phải là tài sản của gia đình, Quỳnh Ngân nuôi thuê, được trả công một con khi lợn đẻ. Bà con xã Đông Sơn vẫn giúp nhau bằng cách đó. Bóng núi phủ xuống căn nhà gỗ lưa thưa gió, lờ nhờ tranh tối tranh sáng, Quỳnh Ngân vẫn chưa bật điện. Giữa khoảng không cơ man hun hút là bức vách dán kín giấy khen của cô con gái, điều kỳ tích trong nhà người uy tín.

“Dù cực vẫn cho con học, học mới đổi đời được”, Quỳnh Ngân tâm sự. Con gái đầu Ngọc Thủy, vừa tốt nghiệp lớp 12, nhiều năm liền là học sinh tiên tiến. “Em còn đủ hình hài”, với cô bé người Pa Cô nhà nghèo, nhiễm đi-ô-xin, ngày ngày bị chứng đau đầu, nôn mửa hành hạ thì câu nói giản đơn ấy lại tiềm ẩn sức mạnh kiên cường của thế hệ trẻ A Lưới hôm nay.

Em gái Ngọc Linh, năm nay vào lớp 10, chín năm liền là học sinh tiên tiến, xuất sắc, cũng bị chứng bệnh như chị, ước mơ ngày nào sẽ được đứng trên giảng đường đại học. Không may mắn như chị và em, Ngọc Thư, 18 tuổi, sinh ra đã mù, bại não, đầu dị tật, dù vẫn nhận thức, nhưng mỗi lúc lên cơn đau lại gào khóc, la hét. Ngọc Thư là một trong hai nhân chứng tham gia vụ kiện chất độc da cam đối với các công ty hóa chất Mỹ.

Tối, bà Liềng lên cơn đau đầu, nằm sụp xó nhà. Ngọc Thủy tất tả chạy đi mua thuốc cho mẹ. Quỳnh Ngân bảo, ngày nào cũng rứa, cả nhà năm người đều nhiễm đi-ô-xin. Ở A Lưới có hàng ngàn người như rứa!

Sức sống A Lưới

Lúa nương của gia đình Quỳnh Thia ở thôn Rơ Môm luôn cho thu hoạch cao.

Hơn 40 năm trôi qua, đất nước đã dần hàn gắn vết thương của chiến tranh, nhưng ở A Lưới, có vết thương không thể hàn gắn được và còn âm ỉ, dai dẳng khi hàng trăm con em thế hệ thứ ba phải đầu thai với nỗi đau da cam. Ròng rã hai thập kỷ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, A Lưới có gần 700 liệt sĩ, nhưng chỉ gần bảy năm, từ cuối 2012 đến nay, khoảng 100 người đã mất vì nhiễm đi-ô-xin, đó là theo diện chính sách, còn hàng trăm trường hợp không hưởng chế độ chết do phơi nhiễm khi định cư tại sân bay A So, thì chưa thể thống kê. Toàn huyện có hơn 4.300 người nhiễm chất độc da cam, bằng số dân của hai xã trên địa bàn gộp lại.

…Ngày thứ hai ở A Lưới. Ban mai chộn rộn nắng, bà con lục tục lên nương. Men triền sông A Sáp vào làng A Sam, nơi đế quốc Mỹ xây dựng sân bay A So năm 1961, reo rắc thảm kịch di họa đi-ô-xin trong 10 năm lên toàn vùng. Đầu thập niên 90 thế kỷ trước, người dân lũ lượt từ Hồng Thủy về định cư trên đất sân bay bằng phẳng, hơn một thập niên sau, các nhà khoa học công bố khu vực này nhiễm nặng đi-ô-xin, vượt 26 lần mức cho phép.

Mọi chuyện đều đã quá muộn! Đi-ô-xin không chỉ ngự trị trong huyết quản người mà len lỏi vào máu, mỡ động vật, gia cầm, trong nguồn nước, cỏ cây. Giờ, quanh sân bay A So được ví như “rốn” da cam hoang tàn, chết chóc, đồng bào Tà Ôi, Pa Cô gọi đó là thung lũng patang.

Chúng tôi đã vào thung lũng đó, chính quyền khoanh vùng nguy hiểm trong diện tích 500ha, hàng rào bồ kết - phương pháp ngăn ngừa đi-ô-xin của GS Phùng Tửu Bôi, miên man xanh kéo dài hơn ba cây số. Lác đác nền móng bê-tông, tường nhà xiêu vẹo, đổ nát - tàn tích sau những cuộc di dân. Từng đàn trâu nhởn nhơ gặm cỏ bên hố bom ăm ắp nước, lầy nhầy váng cặn.

Trong bộn bề khó khăn và đau thương chồng chất ấy, A Lưới đã đứng lên...

“Thời cả huyện chỉ có mẹ Kăm Nót ở Hồng Quảng biết trồng lúa nước qua lâu rồi, giờ bà con đều làm giỏi, cả lúa nước lẫn lúa khô (lúa nương)”, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Mạnh Hùng phấn khởi “khoe”. Ông bảo, vụ đông xuân sáu tháng đầu năm gieo trồng gần 3.400 ha, sản lượng lương thực có hạt đạt hơn 9.400 tấn; còn phát triển hơn 1.300 ha cao su, 467 ha chuối hàng hóa.

Nhà nào cũng có ruộng, kết hợp chăn nuôi gia cầm, gia súc, đào ao thả cá. Kể tắp lự một hồi, vị Chủ tịch chốt cái rột, chỉ tiêu hộ nghèo đã giảm, nhưng còn nhiều nỗi lo. Đương nhiên rồi, nghe đồng bào nói, xem đồng bào làm và cứ ngó cái thổ nhưỡng bạc màu, cằn cỗi xác xơ thì không lo mới lạ, “làm lãnh đạo ở mô, chứ ở A Lưới thì chắc chắn phải trăn trở gấp bội phần”.

Quá ngọ, gió ngồm ngộp hơi nóng, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Trần Anh Vinh dẫn chúng tôi thăm nhà Quỳnh Nhi, người dân tộc Tà Ôi. Quỳnh Nhi được tặng giấy khen có công trong phát triển cộng đồng, từng 10 năm tham gia chiến tranh chống Mỹ, làm xã đội trưởng Hồng Thái và Đông Sơn. “Huyện có dự án hỗ trợ hộ nghèo, chính sách, nhưng ưu tiên bà con trước, mình còn khỏe, còn sản xuất được”, Quỳnh Nhi bảo vậy. Quỳnh Nhi có bảy người con, bốn cháu sinh ra dị dạng, đã mất; ba con trai đều đi học.

“Người Tà Ôi, Pa Cô thay đổi nhận thức, cách nhìn rồi”, Phó Chủ tịch Vinh đằng hắng. Lâu lắm, tôi mới gặp bếp lửa trong nhà người Tà Ôi, lấp lóa giữa khung cửa đen bóng, ánh lửa chờn vờn đại ngàn khiến khuôn mặt vị Phó Chủ tịch Hội như sạm lại. Người cán bộ ấy đã cống hiến tuổi xuân cho kháng chiến trường kỳ giữa mênh mông núi rừng Trường Sơn, nay xấp xỉ mốc nhân sinh thất thập, ông cũng đau đáu nỗi lòng khi có người con bị di chứng đi-ô-xin.

Nhà của Quỳnh Nhi cách nhà Quỳnh Thia khoảnh ruộng con con, ngó sang chạm mặt. Gia đình Quỳnh Thia có ao cá nước trong veo gần bốn chục mét vuông, kế bên lúa nương xanh rì lúp xúp, đồi rộng thênh thang lô nhô ngô, sắn. Quỳnh Thia sinh năm 1942, nặng tai, nghe câu được câu chăng, vợ là Kăn Thia chưa rành tiếng phổ thông, may, con dâu Hồ Thị Thiêm của Quỳnh Thia làm cán bộ văn hóa xã. Hồ Thiêm là “của hiếm” ở Đông Sơn, được tỉnh “cử” ra Hà Nội học Đại học Văn hóa, về phục vụ địa phương. “Chồng Thiêm làm gì, học lớp mấy?”, tôi hỏi. “Làm công an thôn đó, lớp 8 chứ mấy, bén duyên thương nhau thì lấy thôi”, Thiêm nói.

Hồ Văn Thia là con trai độc nhất của Quỳnh Thia, trên Thia có một chị, còn lại bốn em. Kăn Thia sinh được 12 người con, chết một nửa vì nhiễm đi-ô-xin. Xưa, vợ chồng họ đều là Bộ đội Cụ Hồ. Thiêm kể về cô em chồng thứ 5, tên Hồ Thị Thưi, từ nhỏ đã mù, nhưng ham học, nên đi học chữ Braille, học văn hóa ở TP Huế. Gia đình phải thuê xe máy chở bé ra thị trấn, rồi tự bắt xe đò mày mò đến lớp.

Biết cái chữ, Thưi tiếp tục học nghề mát-xa do Trung tâm Y tế tỉnh đào tạo. Tại đây, cuộc đời đã mỉm cười với Thưi khi gặp chàng trai Cao Như Ý, quê Bình Định, cũng bị mù và cùng nghị lực vượt khó như Thưi. Họ kết hôn, về Bình Định mở tiệm mát-xa người mù và có một cháu trai kháu khỉnh. Tôi chỉ nghe kể về Thưi, nhìn ảnh Thưi hồi nhỏ trên một tạp chí nước ngoài, nhưng tôi biết, nơi phương xa ấy, cô bé Hồ Thị Thưi ngày nào đen đúa loắt choắt, tự mình vượt núi rừng hơn 80 cây số về thành phố, đã tìm được hạnh phúc cho mình.

Tà dương gác non Tây, về tỉnh qua cung đường 49 vực sâu chót vót, A Lưới lòa nhòa ánh điện, loáng thoáng sau những vạt rừng tím thẫm. Đâu đó, tôi từng đọc, mấy câu thơ rày: Phố mỏng chưa thành dáng phố/ Cờ-ho cùng với Vân Kiều/ Ngược xuôi đan cài mới cũ/ Lơ lớ giọng Kinh đáng yêu.

Thuốc diệt cỏ được sản xuất theo một quy trình công nghệ nghiêm ngặt để loại tạp chất đi-ô-xin, thời gian phản ứng hóa học từ 12 đến 13 giờ. Vì muốn có nhiều sản phẩm bán ra, các công ty hóa chất Mỹ đã tăng nhiệt độ lên 277,7 độ C, rút ngắn thời gian phản ứng xuống còn tám phút, khiến hàm lượng đi-ô-xin cao hơn hàng chục lần so với ngưỡng an toàn. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, các công ty này đã bán một lượng hóa chất chứa 170 kg đi-ô-xin để sử dụng trong cuộc chiến tranh hóa học ở miền Nam Việt Nam. Về mặt lý thuyết, chỉ cần một thìa cà-phê đi-ô-xin có thể gây chết chóc cho một thành phố có tám triệu dân.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/suc-song-a-luoi-4037257-b.html