Sức quyến rũ từ một vùng đất

Không phải đến khi có buổi tọa đàm mini 'Sài Gòn trong tạp văn' do nhóm Văn học Sài Gòn và NXB Hội Nhà văn - Chi nhánh phía Nam tổ chức, độc giả mới biết rằng, Sài Gòn - TPHCM lại đầy quyến rũ đến thế.

Bằng chứng là đã và đang có rất nhiều tác phẩm, đặc biệt là tạp văn về vùng đất này lần lượt đến với bạn đọc. Nói như nhà văn Trần Nhã Thụy, dường như ai đến Sài Gòn - TPHCM cũng muốn viết một cái gì đó về nơi này, thậm chí có biết bao điều buồn bực như kẹt xe, khói bụi này kia… nhưng những chuyện đó không phải là chuyện lớn, phải nề hà.

Theo nhà văn Trần Nhã Thụy, các cây bút viết tạp văn không phải là ít, ở vùng đất nào, tỉnh thành nào cũng có những cây bút chuyên viết tạp văn, nhưng để hình thành nên tạp văn của vùng đất đó, thì chỉ có Hà Nội và Sài Gòn - TPHCM là rõ nét nhất.

Theo dòng chảy của văn chương, tạp văn Sài Gòn đã xuất hiện từ lâu và trong khoảng năm mười năm trở lại đây, thể loại này đã hình thành nên một dòng sách, ít nhiều có chỗ đứng riêng trên thị trường xuất bản, cũng như trong lòng độc giả. Trong đó, có những tác giả đã tạo nên thương hiệu cho mình từ chính thể loại này. Chẳng hạn, nhắc đến nhà văn, nhà báo Lê Văn Nghĩa, độc giả không thể không nhớ đến bộ tạp văn chất chứa những ký ức sinh động, gồm: Sài Gòn dòng sông tuổi thơ; Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian và Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ. Hay nhắc đến nhà báo Phạm Công Luận là nhắc đến bộ sách Chuyện đời của phố.

Ngoài ra, không thể không nhắc tới các tác giả như Trần Nhật Vy, Nguyễn Đức Hiệp, Hạ Dung, Lê Hoàng Hựu… Các tác giả này đã có tuổi, có một quá trình trải nghiệm dài lâu với Sài Gòn, nhờ đó những cuốn sách của họ vừa có hơi thở đương đại, vừa chất chứa trong đó hồn cũ, dấu xưa. Theo sự phát triển của xã hội, với sự bao dung, nghĩa tình của mình, Sài Gòn - TPHCM đón thêm những người con từ tứ xứ về đây sinh sống và làm việc. Từ đó, lại được bổ sung thêm lứa tác giả trẻ viết về Sài Gòn từ những cảm nhận của mình, tạo nên hai mặt tưởng như đối lập nhưng lại gắn kết, làm ra một Sài Gòn - TPHCM tương đối khác biệt: bề ngoài sôi nổi, có vẻ xô bồ và không có bản sắc, nhưng qua thời gian, giống như lớp phù sa đã được lắng đọng, đủ khiến độc giả vẫn nhớ đấy là Sài Gòn, chứ không phải một nơi nào khác.

Không thể phủ nhận sức hấp dẫn với những nét đặc trưng riêng - là chất liệu đặc sắc cho các tác giả viết về TPHCM, nhưng cũng cần phải cảnh báo tình trạng “no dồn đói góp” đối với dòng sách này. Bởi một lẽ, bất cứ cái gì mà nhiều quá cũng dễ gây nhàm chán.

HỒ SƠN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/suc-quyen-ru-tu-mot-vung-dat-666477.html