'Sức nóng' từ tham vọng địa chính trị khiến Bắc Cực 'tan băng'

Những chuyển động địa chính trị đang làm vùng Bắc Cực lạnh giá nóng lên, trong đó đặc biệt phải kể đến nỗ lực của Mỹ nhằm giảm bớt căng thẳng với Nga nhân cuộc họp của Hội đồng Bắc Cực mà hai nước đều là thành viên.

Bắc Cực đang tăng nhiệt bởi những tham vọng chính trị của các nước lớn. (Nguồn: SCMP)

Bắc Cực đang tăng nhiệt bởi những tham vọng chính trị của các nước lớn. (Nguồn: SCMP)

Bước hòa dịu rụt rè

Một trong những sự kiện rất được chú ý nhân cuộc họp của Hội đồng Bắc Cực lần này là cuộc tiếp xúc mặt đối mặt đầu tiên của hai ngoại trưởng Mỹ và Nga từ khi Nhà Trắng đổi chủ.

Theo nhật báo Công giáo La Croix, cuộc gặp giữa hai ông Blinken và Lavrov tại Iceland hôm 19/5 vừa qua thể hiện một “Bước hòa dịu rụt rè giữa Washington và Moscow”.

Tờ La Croix đặc biệt ghi nhận một số tín hiệu hòa dịu mà cả hai phía đã tung ra, như nhận xét của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov là các cuộc thảo luận đã “mang tính xây dựng”, trong khi người đồng nhiệm Mỹ Antony Blinken thì tỏ ý mong muốn “một quan hệ ổn định và dễ đoán định với Nga”.

Theo tờ báo Pháp, bầu không khí hòa hoãn có được là nhờ việc Washington chính thức loan báo trước cuộc gặp quyết định rằng sẽ không áp dụng các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào công ty chịu trách nhiệm xây dựng đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga, cũng như vị giám đốc điều hành người Đức của công ty.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho đây là “một tín hiệu tích cực”, vào lúc mà hai chính quyền chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin, dự kiến diễn ra vào giữa tháng 6 tới.

Cũng theo tờ La Croix, quyết định của Mỹ có thể cho phép Nga hoàn tất việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt Nga-Đức vốn đã đạt được gần 95%.

Giải thích lý do cho quyết định của Mỹ, chuyên gia Samuel Greene, Giám đốc Viện Nghiên cứu về Nga tại King's College ở London, cho rằng “đối với Washington, lợi ích thực sự mà Mỹ thu được từ việc cản trở công trình xây dựng đường ống không đáng với cái giá mà họ sẽ phải trả khi phá mối quan hệ với Berlin và các đồng minh châu Âu khác”.

Còn Marc-Antoine Eyl-Mazzega, chuyên gia năng lượng tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp IFRI, thì cho rằng “giá trị chiến lược của Dòng chảy phương Bắc 2 đã giảm sút”, vì “tiến trình chuyển đổi năng lượng ở châu Âu đồng nghĩa với việc vai trò của khí đốt sẽ bị suy giảm”.

Những tham vọng địa chính trị

Trong bài nhận định với tựa đề có phần mỉa mai: “Sự tồn tại của loại gấu Bắc Cực có là gì đâu so với các mục tiêu tranh giành địa chính trị”, tờ Libération nêu bật thực tế: Vùng Bắc Cực, nơi phải hứng chịu hiện tượng nóng lên cao hơn gấp 3 lần phần còn lại của hành tinh, đang biến thành “đối tượng ngày càng bị các tham vọng kinh tế và quân sự dòm ngó”.

Theo tờ Libération, Hội đồng Bắc Cực, bao gồm 8 quốc gia trong vùng là Canada, Mỹ, Nga, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy và Thụy Điển, trên nguyên tắc có nhiệm vụ thúc đẩy sự bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của khu vực, tức là của toàn hành tinh.

Thế nhưng, chủ đề thực sự của cuộc họp hội đồng ngày 20/5 tại Reykjavik, thủ đô Iceland lại là chính trị, quân sự và nhất là kinh tế.

Nghịch lý được thấy rõ là trong khi các nhà khí hậu học của hội đồng vừa công bố một báo cáo đặc biệt đáng lo ngại nhấn mạnh đến các thảm họa mà môi trường khu vực đang gánh chịu do hiện tượng băng tuyết trong vùng bị tan chảy, thì các nhà ngoại giao từ các nước thành viên lại nói về việc khai thác tài nguyên, đặt đường ống dẫn khí đốt, triển khai tên lửa và cơ sở hạ tầng hàng hải.

Tờ báo Pháp nhận định chua chát: “Sự tồn tại của loài gấu Bắc Cực- mà tên gọi tiếng Latinh là Articus, nghĩa là 'có liên quan đến xứ sở loài gấu', được dùng để đặt tên cho vùng- có là gì khi phải đối mặt với những vấn đề địa chính trị khôn lường đó?

Nhất là khi một thỏa thuận xung quanh dự án mới của Gazprom (đưa khí đốt của Nga từ Bắc Cực xuống thẳng Tây Âu mà không qua ngã Ukraine) sẽ mở đường cho một cuộc gặp hòa bình vào tháng tới giữa Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Joe Biden"?

Tờ báo nhấn mạnh, nhất là khi bên dưới lớp băng đang tan chảy là những kho báu khác, chẳng hạn như 13% dầu mỏ trên thế giới hoặc trữ lượng chưa kể xiết của các loại quặng như urani, vàng, coban và bạch kim.

Trong bài phân tích có tựa đề “Bắc Cực: Biển băng tan chảy khơi dậy lòng tham”, tờ Libération đã điểm qua mục tiêu mà các nước đang nhắm tới ở vùng cực Bắc Trái Đất, đặc biệt là của Nga và Mỹ, hai nước thực thụ thuộc vùng Bắc Cực và của Trung Quốc, một nước ngoài vùng, nhưng lại muốn chen chân vào khu vực.

Theo Libération, Nga là nước đang cho thấy tham vọng rõ nét nhất.

Là quốc gia sở hữu 53% diện tích khu vực bao quanh Bắc Cực, Nga xem vùng này là đất nhà của mình. Đối với Moscow, đây là một khu vực chiến lược có giá trị thiết yếu cả về địa chính trị lẫn kinh tế mà việc bảo vệ được ghi trong học thuyết quân sự của Nga.

Trong một nghiên cứu ngắn gần đây, chuyên gia Florian Vidal thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp IFRI đã cho rằng “mô hình phát triển kinh tế mà Moscow chủ trương ở Bắc Cực dựa trên 2 trụ cột phụ thuộc lẫn nhau: Tuyến đường hàng hải phía Bắc và nguồn khai thác tài nguyên thiên nhiên”.

Vào năm 2020, đã có đến 30 triệu tấn nguyên liệu thô của Nga được vận chuyển theo tuyến đường biển phía Bắc, tăng mạnh so với 7 triệu tấn vào năm 2016. Đến năm 2035, khối lượng này dự kiến đạt 130 triệu tấn.

Nga đồng thời có kế hoạch tăng gấp 10 lần lượng khí lỏng tự nhiên- rất dồi dào ở Bắc Cực- lên thành 91 triệu tấn. Moscow cũng đang đặt kỳ vọng vào việc khai thác trữ lượng dầu hỏa đáng kể, ước tính khoảng 6 tỷ tấn, và các mỏ than đá có thể cung cấp tới 10 triệu tấn mỗi năm. Hiện nay, dầu khí khai thác ở Bắc Cực đã chiếm đến 20% GDP của Nga.

Về phía Mỹ, nước chỉ có một mỏm của bang Alaska thuộc vùng Bắc Cực, mối quan tâm mới nằm trong tương quan với các hoạt động của Trung Quốc và Nga.

Đối với Washington, Bắc Cực dĩ nhiên là một địa bàn hợp tác và nghiên cứu khoa học, một điểm mốc cho chính sách khí hậu, nhưng trên hết là một khu vực chiến lược và quân sự.

Về phần Trung Quốc, nước này không có điểm tiếp xúc lãnh thổ với vùng Bắc Cực, nhưng Trung Quốc đã tự coi mình là một “quốc gia gần như là Bắc Cực”, và dù không đưa ra bất kỳ yêu sách lãnh thổ nào, nhưng lại tuyên bố có quyền tiến hành nghiên cứu khoa học ở đó, dòm ngó các nguồn lực kinh tế và tham gia vào việc quản trị khu vực.

Tuyến đường xuyên qua Bắc Cực còn được Bắc Kinh mệnh danh là “Con đường Tơ lụa Vùng Cực”.

(theo La Croix, Libération)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/suc-nong-tu-tham-vong-dia-chinh-tri-khien-bac-cuc-tan-bang-146206.html