Sức nóng từ 'ngọn lửa nhỏ'

Nước Pháp đang 'dậy sóng' khi các cuộc biểu tình của phong trào 'Gilets jaunes' (Áo vàng) bùng lên từ một tháng qua để phản đối chính phủ của Thủ tướng Edouard Philippe tăng giá nhiên liệu. Các cuộc biểu tình trong 4 ngày thứ 7 liên tiếp đã leo thang thành bạo lực, khiến thủ đô Paris và nhiều thành phố lớn của Pháp trở nên hỗn loạn. Một cuộc khủng hoảng xã hội chưa từng có buộc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và chính phủ nhanh chóng phải có cuộc đối thoại với người biểu tình.

Nhìn vào lịch sử nước Pháp thì thấy rõ, xứ Lục lăng không hề xa lạ với những cuộc biểu tình đường phố. Từ khi Tổng thống E.Macron lên nắm quyền tới nay, người dân Pháp thường xuyên xuống đường bày tỏ thái độ trước những kế hoạch cải cách của ông, song hầu hết các hoạt động này diễn ra hòa bình. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình lần này thì khác hẳn.

Người biểu tình đã chọn những chiếc áo gilet vàng, vốn là chiếc áo để mặc khẩn cấp mỗi khi buộc phải dừng đỗ xe trên đường vì sự cố. Với thông điệp phát đi rất rõ ràng: “Chúng tôi đang gặp nguy. Hãy giúp đỡ chúng tôi”, người biểu tình ban đầu yêu cầu chính phủ phải ngừng tăng giá nhiên liệu. Trong vòng một tháng qua, “sức nóng” của phong trào "Áo vàng" lan rộng ra ngoài Paris, tới các thành phố khác của nước Pháp, đồng thời bổ sung thêm nhiều điều kiện, như: Yêu cầu tăng lương tối thiểu, giảm thuế thu nhập, tăng trợ cấp thất nghiệp, tăng lương hưu, thậm chí còn yêu cầu giải tán Thượng viện hay Tổng thống E.Macron phải từ chức… Paris, từ một thủ đô hoa lệ, bỗng chốc trở thành bãi chiến trường trước làn sóng biểu tình bạo loạn của phong trào "Áo vàng" suốt một tháng qua. Khải Hoàn Môn-biểu tượng chiến thắng của nước Pháp, nơi đặt “Ngọn lửa chiến sĩ vô danh” bị đập phá và bôi bẩn. Bức tượng nàng Marianne tượng trưng cho nền Cộng hòa Pháp bị đập vỡ đầu. Những biểu tượng lớn nhất của Paris và nước Pháp đã bị ô uế, theo đúng nghĩa đen của từ này!

Xung đột giữa cảnh sát và người biểu tình "áo vàng " quá khích trong cuộc tuần hành trên Đại lộ Champs Elysees tại thủ đô Paris. Ảnh: TTXVN.

Nhưng những gì xảy ra quanh các con phố ở quận 8, quận 16, quận 1 của Paris mới thực sự gây sốc. Trụ sở ngân hàng, các cửa hiệu đồ xa xỉ, siêu thị bị đập phá, đốt cháy, hôi của. Gạch đá lát đường bị cậy lên để ném vào cảnh sát. Các thùng rác được huy động làm rào chắn và bị đốt cháy. “Paris bốc cháy”, “Chiến trường Paris”, “Chiến tranh ở Khải Hoàn Môn”… Tất cả những từ ngữ mà báo chí châu Âu mô tả Paris hôm thứ bảy, ngày 8-12, đều không cường điệu. Sau ngày thứ 7 giận dữ đó, gần 2.000 người đã bị truy xét và 1.700 người bị tạm giữ, trong đó riêng tại thủ đô Paris là hơn 900 người.

Ngay từ ngày đầu khởi xướng, không mấy ai tưởng tượng được là “ngọn lửa nhỏ” của cuộc phản đối giá xăng dầu lại làm bùng cả một cuộc khủng hoảng xã hội và chính trị lớn, có thể so sánh với cuộc nổi dậy tháng 5-1968 hay cuộc tổng bãi công mùa thu năm 1995. “Áo vàng” hay “Gilets jaunes” trở thành biểu tượng sự phản kháng của một bộ phận người dân xuất thân từ tầng lớp lao động là như vậy.

Ẩn đằng sau phong trào phản kháng rộng lớn, muôn hình muôn vẻ và khó hiểu này là một xã hội Pháp đang bị phân hóa, giữa một bên là giới tinh hoa chính trị và một bên là những người đang có cảm giác bị bỏ rơi, cảm thấy uất ức, phẫn nộ vì bất công xã hội. Những người “Áo vàng” nhận ra rằng, suốt bao năm qua, thuế liên tục tăng, trợ cấp xã hội cắt giảm, sức mua ngày càng kém đi và tiếng nói của họ thì ngày càng bị phớt lờ. Giữa nước Pháp thành thị và nông thôn, bất công lớn nhất đang tồn tại là về “mobilité-tính lưu động”, từ giao thông cho đến cơ hội học tập, việc làm. Sau nhiều thập kỷ phát triển không đồng đều, sự giàu có kinh tế tích tụ về các vùng đô thị lớn quanh Paris, Lyon, Toulouse… và để lại phía sau một nước Pháp nông thôn rộng lớn về lãnh thổ nhưng trống rỗng về của cải.

Tất cả những mặc cảm, bức xúc, giận dữ đó không phải do Tổng thống E.Macron tạo ra mà là tích cóp từ nhiều năm trước đó. Kể từ khi lên nắm quyền cách đây hơn một năm, Tổng thống E.Macron đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm định hình lại nền kinh tế và cải cách các cơ quan công quyền của Pháp. Nhưng những cải cách của ông E.Macron không mang lại hiệu quả như kỳ vọng, thậm chí nó còn bị cáo buộc chỉ làm lợi cho những người giàu. Đây là một trong những nguồn cơn tạo nên sự giận dữ của những người biểu tình “Áo vàng”.

Khi đưa ra chính sách tăng thuế đánh vào xăng dầu, mà mục đích là để có thêm tiền tài trợ cho chiến lược dài hơi về chuyển đổi sang các ngành năng lượng xanh, người đứng đầu nước Pháp cũng không ngờ rằng chỉ vài chục cent (đơn vị tiền tệ Pháp) tăng lên trên mỗi lít nhiên liệu lại đủ để làm “tràn ly nước” giận dữ. Cho dù Chính phủ Pháp sau đó đã có động thái nhượng bộ bằng thông báo sẽ tạm ngưng thuế nhiên liệu trong 6 tháng, song vẫn không kiềm chế được những chiếc đầu “nóng”. Với nước Pháp, giờ đây không còn là câu chuyện giá xăng, sức mua kém hay bất công xã hội gì đó… mà là ở việc phải chấm dứt ngay lập tức làn sóng bạo lực.

Nhưng giải quyết như thế nào đang là vấn đề đau đầu của người đứng đầu nhà nước và Chính phủ Pháp. Phong trào "Áo vàng" không chịu sự chỉ đạo của bất kỳ một đảng phái chính trị hay tổ chức công đoàn nào, cũng như không có thủ lĩnh, không có phương châm hành động. Họ tự lôi kéo kích động và sử dụng mạng xã hội làm phương tiện liên lạc và truyền thông. Điều này gây khó khăn cho Chính phủ Pháp khi không tìm được người để đối thoại nhằm giải tỏa những bức xúc của dư luận.

Thêm vào đó, nếu tiếp tục nhượng bộ người biểu tình trong việc ngừng tăng thuế nhiên liệu, rõ ràng chính phủ sẽ đi ngược với những điều khoản trong Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu (COP 21) mà Pháp là nước đi tiên phong nhằm giảm thiểu khí carbon.

Thế nên, việc Tổng thống E.Macron ngày 10-12 tiến hành cuộc gặp gỡ đại diện của các nhóm dân biểu, các công đoàn cũng như nghiệp đoàn giới chủ mà không né tránh như trước đây được xem là bước đi cần thiết để tìm được tiếng nói chung trong việc đưa ra các giải pháp chính trị cho tình hình hiện nay tại nước Pháp. Một điều chắc chắn rằng, Tổng thống E.Macron cần phải có sự nhượng bộ chứ không đơn giản chỉ đưa ra các biện pháp chữa cháy tạm thời, nếu như ông không muốn “ngọn lửa nhỏ” "Áo vàng" đốt cháy nước Pháp.

LINH OANH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/suc-nong-tu-ngon-lua-nho-557739