Sức nóng từ Amazon

Các vụ cháy rừng ngày càng lan rộng tại Amazon trở thành chủ đề 'nóng' của truyền thông và chiếm trọn chương trình nghị sự của nhiều diễn đàn trên thế giới trong suốt thời gian qua. Cộng đồng quốc tế không chỉ quan ngại về những tác động nghiêm trọng của các vụ cháy rừng, mà cả việc tìm sự đồng thuận để xử lý các thách thức chung mang tính toàn cầu.

Bao phủ diện tích khoảng 5,5 triệu ki-lô-mét vuông ở khu vực Nam Mỹ, Amazon là khu rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới và có vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, khi cung cấp khoảng 20% lượng ô-xy trên Trái đất. Bắt nguồn từ những đám cháy nhỏ đầu tháng 8-2019, tại khu vực rừng ở Brazil, các đám cháy ngày một lan rộng và bùng phát mạnh trong những tuần gần đây. Các vụ cháy gia tăng một cách đáng báo động, tàn phá gần hai triệu héc-ta rừng nhiệt đới ở Brazil, Bolivia, Paraguay và Peru, ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường và hệ động thực vật ở vùng Amazon. Khói mù từ các vụ cháy rừng phủ kín thành phố Sal Paulo và một số thành phố khác của Brazil, dù cách các vụ cháy hàng nghìn ki-lô-mét.

Ðể dập lửa, Brazil huy động khoảng 44.000 binh sĩ và máy bay vận tải quân sự Hercules C-130; và Bolivia thuê cả máy bay Boeing 747 Supertanker, máy bay chữa cháy lớn nhất của Mỹ. Trong khi đó, Paraguay cung cấp hàng chục nghìn lít nhiên liệu giúp người dân dựng hàng rào ngăn lửa... Nỗ lực là vậy, song vẫn không ngăn nổi hàng nghìn đám cháy mới bùng phát.

Không phủ nhận, một phần nguyên nhân là từ các yếu tố tự nhiên, khi mùa khô là thời điểm thường xuyên bùng phát các vụ cháy rừng, lại thêm tác động ngày càng khắc nghiệt của tình trạng biến đổi khí hậu gây thời tiết khô nóng, hạn hán... Song, theo Tổ chức Gỗ nhiệt đới quốc tế, nguyên nhân chủ yếu lại là xuất phát từ sự bất cẩn của người dân trong quá trình canh tác nông nghiệp. Nắm giữ tới 60% diện tích rừng Amazon, Brazil đang ở giữa tâm điểm bị chỉ trích, vì các quy định lỏng lẻo về bảo vệ môi trường và vì sự bùng nổ các hoạt động khai thác gỗ, phá rừng làm rẫy.

Theo Viện Nghiên cứu không gian quốc gia Brazil (INPE), từ đầu năm 2019 đến nay, gần 80.000 đám cháy được ghi nhận ở các khu rừng rộng lớn của nước này, trong đó hơn một nửa là ở rừng Amazon, tăng 85% so cùng kỳ năm ngoái và là con số cao nhất kể từ năm 2013. Riêng tháng 7 vừa qua, diện tích rừng Amazon bị chặt phá tại Brazil cao gấp bốn lần so cùng thời điểm năm 2018. Tuy nhiên, những con số nêu trên đã bị Tổng thống Brazil J.Bolsonaro bác bỏ.

Vượt khuôn khổ một thảm họa tự nhiên, các vụ cháy rừng tại Amazon trở thành "cái cớ" để các bên đổ trách nhiệm lẫn nhau trong việc đối phó thách thức chung. Tại Hội nghị cấp cao Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) vừa qua tại Pháp, các thành viên G7 nhất trí chi 20 triệu ơ-rô cho rừng Amazon, chủ yếu là để điều máy bay tới khống chế đám cháy và tái trồng rừng trong trung hạn. Tổng thống Pháp E.Macron nhấn mạnh, các vụ cháy rừng Amazon là "cuộc khủng hoảng quốc tế" và đe dọa chặn thỏa thuận thương mại mới giữa Liên hiệp châu Âu (EU) và Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), nếu Tổng thống Brazil J.Bolsonaro không có những hành động thích đáng để bảo vệ rừng Amazon.

Tổng thống Brazil J.Bolsonaro đáp trả, không có lý gì khi "chuyện ở Amazon" lại do những người ở cách xa nửa vòng Trái đất quyết định. Ðây là vấn đề nội bộ của Brazil và các nước trong khu vực. Tổng thống Brazil nhấn mạnh, cháy rừng Amazon là do hạn hán gia tăng, trong khi đó các nhóm hoạt động và các tổ chức phi chính phủ "khuấy động mối quan tâm về môi trường" làm dư luận hoang mang, ảnh hưởng lợi ích kinh tế Brazil. Chính phủ Brazil khẳng định sẽ chỉ chấp thuận viện trợ nước ngoài để "cứu" Amazon, nếu được chủ động kiểm soát cách thức sử dụng các gói cứu trợ.

Không dừng lại là thảm họa tự nhiên ở khu vực Nam Mỹ, sức nóng từ Amazon còn phát đi lời cảnh báo về tình trạng nguy cấp của môi trường, cần đến sự phối hợp hành động. Các vụ cháy rừng đang bùng phát tại châu Phi, và nhiều nơi trên thế giới, có thể còn nghiêm trọng hơn ở Amazon. Bởi thế, để chung tay xử lý khủng hoảng môi trường, cùng việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, các quốc gia còn cần giải bài toán "thiếu hụt niềm tin".

ĐINH TRƯỜNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/41410102-suc-nong-tu-a-ma-don.html