Sức nóng của Bắc Cực

Bắc Cực đang được xem là điểm nóng về cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Không chỉ Nga, Mỹ mà Trung Quốc trong những năm qua cũng đẩy mạnh triển khai các hoạt động nghiên cứu, khảo sát thăm dò tài nguyên và từng bước tăng cường sự hiện diện quân sự nhằm củng cố ảnh hưởng tại khu vực giàu tài nguyên này.

Trong bài viết mới đây với tựa đề: “Sự tồn tại của loại gấu Bắc Cực có là gì đâu so với các mục tiêu tranh giành địa chính trị”, tờ Libération (Pháp) đã nêu bật thực tế: Vùng Bắc Cực, nơi phải hứng chịu hiện tượng nóng lên cao hơn gấp 3 lần phần còn lại của hành tinh, đang biến thành “đối tượng ngày càng bị các tham vọng kinh tế và quân sự dòm ngó”.

Theo tờ Libération, Hội đồng Bắc Cực, bao gồm 8 quốc gia trong vùng là Canada, Mỹ, Nga, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy và Thụy Điển, trên nguyên tắc có nhiệm vụ thúc đẩy sự bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của khu vực, tức là của toàn hành tinh. Thế nhưng, chủ đề thực sự của cuộc họp hội đồng ngày 20-5 tại Reykjavik, thủ đô Iceland lại là chính trị, quân sự và nhất là kinh tế. Nghịch lý này đã cho thấy rõ sức hấp dẫn khó cưỡng lại của khu vực có lượng tài nguyên khoáng sản khổng lồ này.

 Căn cứ quân sự mới của Nga tại Bắc Cực. Nguồn: AP

Căn cứ quân sự mới của Nga tại Bắc Cực. Nguồn: AP

Cần biết rằng ẩn chứa dưới lớp băng dày ở Bắc Cực là nguồn tài nguyên vô cùng dồi dào chưa được khám phá. Bắc Cực tuy là khu vực có khí hậu vô cùng khắc nghiệt nhưng lại chiếm tới gần 30% trữ lượng khí đốt tự nhiên và 13% trữ lượng dầu mỏ mà thế giới chưa khai thác. Cùng với dầu mỏ và khí đốt, Bắc Cực cũng rất giàu khoáng sản, đặc biệt là kim loại hiếm-nguồn nguyên liệu chính để chế tạo linh kiện điện tử và các hệ thống điều khiển vũ khí. Trữ lượng khai thác cá cũng là nguồn tài nguyên hết sức dồi dào ở Bắc Cực và được đánh giá sẽ ngày càng lớn hơn khi nhiều diện tích mặt nước hé lộ.

Có thể ví Bắc Cực giống như chiếc bánh, càng ngon thì càng lắm đối thủ tranh giành. Nga được cho là đang đi đầu trong cuộc đua giành miếng bánh ở Bắc Cực. Với lợi thế về địa lý, Nga đã đầu tư hàng tỷ USD cho tham vọng tăng cường sự hiện diện của mình ở khu vực này. Vừa qua, Bộ Quốc phòng Nga thông báo đã xây dựng một căn cứ quân sự khổng lồ tại vùng cực Bắc của Bắc Cực. Căn cứ này không chỉ trang bị hệ thống tên lửa, radar mà đường băng mở rộng của nó có thể tiếp nhận mọi loại máy bay, trong đó có cả máy bay ném bom chiến lược có khả năng mang tên lửa hạt nhân Tu-95. Đây được xem là những công cụ giúp củng cố sức mạnh và gia tăng ảnh hưởng của Nga trên khắp vùng Bắc Cực trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ở khu vực giàu tài nguyên này đang nóng lên từng ngày.

Trong khi đó, dù không phải là một quốc gia vùng Bắc Cực, nhưng Trung Quốc cũng đang tăng cường hoạt động trong khu vực này. Nước này từng công bố Sách trắng mang tên "Chính sách Bắc Cực của Trung Quốc". Trong đó, Trung Quốc tự nhận mình là quốc gia gần Bắc Cực và công bố chiến lược xây dựng "con đường tơ lụa Bắc Cực" với tham vọng mở tuyến hàng hải xuyên qua vùng rìa phía Bắc của Canada sang châu Âu.

Về phần Mỹ, quốc gia này luôn xem Bắc Cực là khu vực có vai trò chiến lược quan trọng trong việc bảo vệ an ninh quốc gia và thực hiện các lợi ích kinh tế cũng như quân sự của nước này. Bên cạnh đó, có thể nói Bắc Cực là một hành lang tiềm tàng cho cuộc cạnh tranh chiến lược đang mở rộng giữa các cường quốc, nhất là Nga, Trung Quốc và Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương và châu Âu. Do vậy, Bộ Quốc phòng Mỹ từng khẳng định sẽ tập trung vào việc cạnh tranh với Nga và Trung Quốc ở khu vực này, coi đây là thách thức chính đối với sự thịnh vượng và an ninh lâu dài của Mỹ. Gần đây, mối quan hệ không mấy êm đẹp với Nga và Trung Quốc lại càng thúc đẩy Mỹ cần phải đi trước ở những ván cờ cạnh tranh như Bắc Cực. Chiến lược có tên “Giành lại quyền thống trị Bắc Cực”, nhằm bảo đảm ưu thế quân sự của Washington, được quân đội Mỹ công bố hồi tháng trước là một minh chứng cho thấy điều này.

Hơn 20 năm tới, khu vực Bắc Cực được dự báo sẽ không còn băng vào mùa hè và thực trạng lớp băng ở Bắc Cực mỏng đi nhiều trong những năm qua là lời cảnh báo hiện hữu đối với những tác động của biến đổi khí hậu. Thế nhưng, ngoài những tác động tiêu cực của hiện tượng nóng lên, có lẽ điều mà chúng ta cần lo ngại hơn là sức nóng của cuộc chạy đua vũ trang, thậm chí là xung đột quân sự ở khu vực Bắc Cực có thể xảy ra giữa các cường quốc. Với tốc độ của cuộc đua tranh giành ảnh hưởng đang diễn ra, không quá ngạc nhiên khi nhiều chuyên gia cho rằng, Bắc Cực có thể sẽ là khu vực bắt đầu một cuộc “Chiến tranh lạnh mới” trong tương lai.

NGỌC HÂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/suc-nong-cua-bac-cuc-661233