Sức mạnh vượt trội của 2 tàu sân bay Mỹ 'nắn gân' TQ ở Biển Đông

Nimitz là lớp siêu tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân hàng đầu thế giới, trong khi Liêu Ninh và Sơn Đông có thiết kế đường bằng kiểu nhảy cầu với nhiều hạn chế.

Hai tàu sân bay Mỹ đã tổ chức cuộc tập trận trên Biển Đông. Đây là cuộc tập trận lớn nhất của Hải quân Mỹ ở khu vực này kể từ năm 2014. Tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan mang theo hơn 100 máy bay các loại được hộ tống bởi 4 tàu khu trục và tuần dương hạm đã thực hiện hàng loạt bài tập chiến thuật cường độ cao trên Biển Đông.

Cuộc tập trận của 2 tàu sân bay Mỹ diễn ra ngay sau khi Hải quân Trung Quốc vừa kết thúc cuộc tập trận xung quanh vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng bị Bắc Kinh chiếm đóng trái phép từ năm 1974.

Khi Hải quân Mỹ phô diễn sức mạnh trên biển, tờ China Daily lập tức đăng bức ảnh tiêm kích trên hạm J-15 cất cánh từ tàu sân bay Sơn Đông, một sự ám chỉ rằng Mỹ có tàu sân bay, Trung Quốc cũng có.

Vậy sức mạnh tàu sân bay Trung Quốc ở đâu so với Mỹ?

Thiết kế

Hải quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAN) đang vận hành 2 tàu sân bay, trong đó tàu sân bay Liêu Ninh hoạt động đầy đủ chức năng, còn Sơn Đông vẫn đang thử nghiệm thêm để hoàn thiện tính năng.

Liêu Ninh vốn là tàu sân bay lớp Kuznetsov chưa hoàn thành của Liên Xô mà Trung Quốc mua lại từ Ukraine, sau đó tân trang lại để đưa vào hoạt động từ năm 2012. Trong khi đó, Sơn Đông là tàu sân bay đầu tiên được đóng mới tại Trung Quốc. Tàu được bàn giao cho PLAN từ tháng 12/2019.

Tàu sân bay lớp Nimitz (trước) và Liêu Ninh có sự khác biệt rất lớn về thiết kế. Ảnh: Hải quân Mỹ/Reuters.

Tàu sân bay lớp Nimitz (trước) và Liêu Ninh có sự khác biệt rất lớn về thiết kế. Ảnh: Hải quân Mỹ/Reuters.

Sơn Đông được thiết kế dựa trên Liêu Ninh cùng một số cải tiến để mang nhiều máy bay hơn. Giống như tàu sân bay Kuznetsov của Nga, Sơn Đông và Liêu Ninh có thiết kế đường băng kiểu “nhảy cầu” với đoạn đường dốc ở mũi tàu để máy bay cất cánh. Thiết kế này được gọi là “cất cánh ngắn và hạ cánh bằng thiết bị bắt giữ (STOBAR).

STOBAR có ưu điểm là dễ phát triển và ít tốn kém hơn, không cần quá nhiều người và hệ thống liên quan để vận hành. Khung máy bay cũng không cần phải gia cố để chịu tác động do lực giật của máy phóng gây ra. Yêu cầu bảo trì với boong tàu sau mỗi lần máy bay cất cánh cũng ít hơn.

Nhược điểm lớn của STOBAR đòi hỏi máy bay triển khai trên tàu sân bay phải có động cơ mạnh mẽ với tỷ lệ lực đẩy/trọng lượng lớn hơn 1 như Su-33 hay MiG-29K của Nga. Các tiêm kích hoạt động trên tàu sân bay sử dụng STOBAR bị giới hạn về tải trọng nhiên liệu và vũ khí.

Tốc độ cất cánh của máy bay chậm hơn và chỉ có thể lần lượt từng chiếc một và không thể triển khai hoạt động máy bay cánh cố định tải trọng lớn, như máy bay cảnh báo sớm hay vận tải.

Tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ được thiết kế theo kiểu “hệ thống hỗ trợ cất cánh và phục hồi bằng thiết bị bắt giữ” (CATOBAR). Hệ thống này sử dụng máy phóng hơi nước hoặc điện từ để hỗ trợ máy bay cất cánh.

Ưu điểm của CATOBAR là mang lại sự linh hoạt cao trong hoạt động cất cánh trên tàu sân bay. Mỗi tàu sân bay lớp Nimitz được trang bị 4 máy phóng cho phép nhiều máy bay cất cánh cùng lúc, giúp phi đội chiến đấu bay lên trời nhanh hơn để đáp ứng các tình huống khẩn cấp.

Tiêm kích hoạt động trên tàu sân bay trang bị CATOBAR có thể mang theo tối đa nhiên liệu và vũ khí, có thể triển khai hoạt động các máy bay trọng lượng lớn như máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không E-2C/D Hawkeyes, máy bay vận tải C-2 Greyhound.

Nhược điểm của CATOBAR là đắt đỏ và phức tạp trong chế tạo cũng như vận hành. Hiện tại trên thế giới chỉ có tàu sân bay lớp Nimitz và Ford của Mỹ và Charles De Gaulle của Pháp được trang bị CATOBAR.

Sức mạnh hàng không

Theo Naval Technology, tàu sân bay Liêu Ninh có chiều dài 304 m, rộng lớn nhất 72 m, lượng choán nước tiêu chuẩn 53.000 tấn. Tàu Sơn Đông lớn hơn một chút với chiều dài 315 m, rộng 75 m, lượng choán nước tiêu chuẩn 55.000 tấn, tối đa khoảng 70.000 tấn.

Liêu Ninh và Sơn Đông được trang bị động cơ tuabin hơi nước với tổng công suất khoảng 200.000 mã lực, truyền động cho chân vịt 4 trục, tốc độ tối đa ở mức khoảng 29-30 hải lý/giờ.

Tiêm kích F/A-18 (trước) cất cánh bằng máy phóng nhanh và linh hoạt hơn so với J-15 trên tàu sân bay Liêu Ninh. Ảnh: Hải quân Mỹ/Tân Hoa Xã.

Tàu sân bay Liêu Ninh có thể mang 40 máy bay các loại, trong đó gồm 26 tiêm kích trên hạm J-15, 14 trực thăng các loại. Tàu Sơn Đông do có kích thước lớn hơn một chút, cùng một số cải tiến về nhà chứa máy bay nên có thể mang theo khoảng 50 máy bay các loại, trong đó gồm 36 tiêm kích J-15, 14 trực thăng.

Do không thể mang theo máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không tải trọng lớn nên năng lực cảnh báo sớm cho hạm đội của tàu sân bay Trung Quốc gặp nhiều bất lợi. Trung Quốc đang sử dụng trực thăng Z-18J cho vai trò cảnh báo sớm, nhưng trực thăng có trần bay và phạm vi hoạt động ngắn hơn so với máy bay cánh cố định.

Tàu sân bay lớp Nimitz có chiều tài 332 m, rộng lớn nhất 76 m, lượng choán nước tiêu chuẩn 100.000 tấn. Nimitz được lắp 2 lò phản ứng hạt nhân A4W, cung cấp năng lượng cho 4 tuabin hơi nước để truyền động cho chân vịt 4 trục, tổng công suất khoảng 260.000 mã lực.

Hệ thống động lực mạnh mẽ này có thể giúp cỗ máy chiến tranh nặng 100.000 tấn di chuyển với tốc độ tối đa 30 hải lý/giờ, thời gian hoạt động chỉ giới hạn bởi nhu yếu phẩm cho thủy thủ đoàn.

Mỗi tàu sân bay Nimitz gắn liền với một trong 10 không đoàn tàu sân bay (CVW). Mỗi tàu có thể mang theo 90 máy bay các loại, nhưng với các nhiệm vụ trong thời bình, mỗi tàu thường mang theo 65 máy bay.

Một CVW điển hình gồm 24-36 tiêm kích trên hạm F/A-18E/F Super Hornet đóng vai trò là lực lượng tấn công chính, 10-12 tiêm kích trên hạm F/A-18C trong vai trò chiếm ưu thế trên không (thường thuộc biên chế Thủy quân lục chiến), 4-6 máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler (chỉ Hải quân Mỹ mới có loại tiêm kích đặc biệt này).

4-6 máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không E-2C/D Hawkeyes, 2-4 máy bay vận tải C-2 Greyhound, một số tàu được thay bằng MV-22 Osprey. 6-8 trực thăng SH-60 hoặc HH-60 Seahawk tạo thành một phi đội tấn công và một phi đội hỗ trợ.

Kinh nghiệm hoạt động

Tàu sân bay Nimitz đầu tiên là USS Nimitz được đưa vào hoạt động từ năm 1975, tàu thứ 10 và cuối cùng của lớp được đưa vào hoạt động từ tháng 1/2009. Các tàu sân bay đầu tiên là USS Nimitz (CVN-68), USS Dwight D. Eisenhower (CVN-69), USS Carl Vinson (CVN-70) và USS Theodore Roosevelt (CVN-71) đã tham gia chiến dịch Bão táp Sa mạc trong Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất.

2 tàu sân bay Mỹ trong cuộc tập trận trên Biển Đông. Ảnh: Hải quân Mỹ.

10 tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ đều đã thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu thực tế trong các môi trường xung đột khác nhau, từ chiến đấu chống lại lực lượng quân đội của một quốc gia cho đến các nhiệm vụ chống khủng bố.

Hải quân Mỹ rất dày dạn kinh nghiệm trong việc chiến đấu và vận hành tàu sân bay trong môi trường xung đột và cũng là lực lượng hải quân duy nhất trên thế giới tham gia nhiều cuộc xung đột nhất.

Trong khi đó, tàu sân bay Liêu Ninh mới được đưa vào sử dụng từ năm 2012 và tàu Sơn Đông từ năm 2019 và không có kinh nghiệm chiến đấu thực tế.

Đánh giá tổng thể, tàu sân bay Mỹ vượt trội tàu sân bay Trung Quốc trong tất cả chỉ số, từ kích thước, khả năng chuyên chở đến kinh nghiệm chiến đấu.

"Quy mô khác nhau về sức mạnh chiến đấu được thể hiện giữa các cuộc tập trận của Hải quân Quân đội Nhân dân Trung Quốc và Hải quân Mỹ sẽ rất đáng chú ý. Điều đó gửi cả tín hiệu quân sự và địa chính trị tới Trung Quốc và khu vực", chuyên gia phân tích Carl Schuster, cựu giám đốc chiến dịch ở Trung tâm Tình báo Chung thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, nhận định. "Cuộc tập trận của Hải quân Mỹ chứng tỏ ai có sức mạnh tiềm tàng lớn hơn".

Hải quân Mỹ công bố video tập trận trên Biển Đông Các hoạt động tập trận của nhóm tàu sân bay Mỹ trên Biển Đông xuất hiện trong video mừng quốc khánh do Hải quân Mỹ công bố ngày 4/7.

Trung Hiếu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/suc-manh-vuot-troi-cua-2-tau-san-bay-my-nan-gan-tq-o-bien-dong-post1103950.html