Sức mạnh vũ khí giá rẻ S-400 trước THAAD

Dù hệ thống THAAD của Mỹ đắt đỏ hơn S-400 rất nhiều nhưng điều đó không làm nên sức mạnh của vũ khí Mỹ khi so với vũ khí Nga.

Nhận định trên được Kênh CNBC đưa ra trong phóng sự phát sóng hôm 19/11: "Các hệ thống tên lửa phòng không di động chiến lược tầm cao chống khí cụ bay của Nga có giá khoảng 500 triệu USD, trong khi chỉ riêng bộ pin Patriot Pac-2 đã ngốn cả tỷ USD và pin THAAD khi xuất xưởng cũng vào khoảng 3 tỷ USD".

Tình đến thời điểm hiện tại, có khoảng 13 quốc gia đã bày tỏ quan tâm đến việc mua lại các hệ thống phòng không của Nga. Đặc biệt, vũ khí của Nga càng thêm hưởng lợi về giá trị do thực tế không cần cung cấp hệ thống hỗ trợ kỹ thuật phức tạp.

Hệ thống S-400.

Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký hợp đồng mua hệ thống tên lửa phòng không của Nga. Đàm phán về việc cung cấp vũ khí này cũng được tiến hành với Saudi Arabia và Ấn Độ. Kênh này gợi nhớ rằng các khách hàng tiềm năng của S-400 có nguy cơ bị Mỹ cấm vận theo Đạo luật Chống Đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA).

CNBC cho biết thêm, dù S-400 có giá thành rẻ hơn rất nhiều lần so với THAAD nhưng khả năng chiến đấu của vũ khí do Nga sản xuất không hề thua kém, thậm chí còn nhỉnh hơn cả THAAD của Mỹ. Vậy thực tế sức mạnh của S-400 và THAAD thế nào?

THAAD là hệ thống phòng thủ tầm cao được tạo ra nhằm mục đích tiêu diệt các mối đe dọa từ tên lửa tầm ngắn và tầm trung. Trong khi S-400 lại là một hệ thống đa năng được thiết kế cho mục đích tiêu diệt máy bay chiến đấu, trực thăng, và các phương tiện không người lái khác, tức là S-400 có khả năng tiêu diệt tên lửa đạn đạo nhưng không phải chuyên biệt cho lĩnh vực này.

Điều này giống như loại máy bay F-15 của Mỹ nếu như phiên bản F-15E Strike Eagle được định nghĩa là đa năng tức là có khả năng đối không lẫn đối đất nhưng nếu xét về khả năng không chiến nó không thể sánh được với đàn anh F-15C hay F-15A vốn được tạo ra để làm chủ bầu trời.

Về tầm bắn thì THAAD hoàn toàn thua S-400 với chỉ vẻn vẹn 200km so với 400km của đối thủ Nga. Nhưng tên lửa THAAD có thể tiêu diệt mục tiêu ở độ cao 150km (có tài liệu nói là 200km) trong khi loại tên lửa mạnh nhất của hệ thống S-400 là 40N6E không thể hoạt động trên độ cao vượt quá 30km.

S-400 có góc bắn 360 độ trong khi THAAD chỉ có 90 độ phương ngang và 60 độ phương thẳng đứng của THAAD, tức là hệ thống của Mỹ có những điểm mù nhất định mà nếu tên lửa đạn đạo của đối phương xuất hiện ở đó thì hoàn toàn bó tay. Bù lại radar cảnh giới AN / TPY-2 của THAAD có thể sục sạo mục tiêu từ khoảng cách 1.000km trong khi S-400 Triumph chỉ là 600km.

Hệ thống THAAD.

Cùng với sự khác biệt trên, cách diệt mục tiêu của 2 vũ khí này cũng khác nhau. Cụ thể, S-400 sử dụng phương thức hoạt động tương tự như tiền bối S-300 bằng cách nổ các mảnh văng. Tên lửa của S-400 tiếp cận mục tiêu rồi kích nổ đầu đạn, mảnh văng và sức ép sẽ phá hủy mục tiêu.

Ngược lại THAAD lại phá hủy mục tiêu bằng động năng của tên lửa. Tên lửa THAAD sẽ va chạm với mục tiêu để tiêu diệt nó. Để làm được điều này cần một hệ thống dẫn đường vô cùng chính xác cũng như tên lửa đánh chặn phải có tốc độ cao. Cách thức hoạt động tưởng như "rất giống phim khoa học viễn tưởng" này lại đạt kết quả thành công tới 90% trong các cuộc thử nghiệm của Mỹ.

Cách thức hoạt động của THAAD khiến cho nó chỉ cần các tên lửa có kích thước nhỏ đồng thời vận hành cũng an toàn vì không hề có chất nổ trong đầu đạn. Ngược lại tên lửa S-400 vẫn sử dụng đầu đạn nổ yêu cầu phương pháp bảo quản và sử dụng cần có các biện pháp bảo đảm an toàn nhất định. Nhưng đây cũng là lợi thế của S-400 bởi nó không cần các hệ thống dẫn đường quá phức tạp nhất là đối với các khách hàng có trình độ khoa học không cao.

Cả THAAD và S-400 đều chưa có một lần thực chiến tức là người ta chỉ có thể tính toán sự tin cậy của nó dựa trên các thông số và kết quả thử nghiệm. Vì vậy ở khía cạnh này có thể nói cả hai hệ thống gần như tương đương nhau.

Một điều đáng lưu ý là cả THAAD và S-400 đều chỉ là một thành phần trong hệ thống phòng thủ đa lớp mà Mỹ và Nga đang xây dựng. Điều đó có nghĩa cả hai hệ thống này tuy rất mạnh nhưng nếu chỉ có mình chúng sẽ không thể tạo ra một lá chắn tên lửa an toàn cho mục tiêu cần được bảo vệ.

Tuấn Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/suc-manh-vu-khi-gia-re-s-400-truoc-thaad-3369579/