Sức mạnh tuần dương hạm bảo vệ máy bay Su-24 ở Syria

Với tên lửa S-300F, tuần dương hạm Moskva có thể bắn hạ mọi mục tiêu đe dọa tới sự an toàn của các phi đội máy bay ném bom và căn cứ ở Latakia.

Ngày 24/11, ngay sau vụ máy bay Su-24 bị bắn rơi, Phát ngôn viên Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Liên bang Nga, Trung tướng Sergei Rudskoi thông báo kế hoạch triển khai một tuần dương hạm Moskva tới bờ biển Syria gần Latakia để tăng cường phòng thủ của căn cứ không quân Nga ở đó.

Cũng theo quan chức Nga, "tuần dương hạm Moskva được trang bị hệ thống phòng thủ S-300F tương tự như S-300 trên đất liền sẽ đảm nhận vị trí tại khu vực ven biển Latakia. Chúng tôi cảnh báo rằng, bất cứ mục tiêu nào có khả năng là mối nguy hiểm đối với chúng tôi sẽ bị tiêu diệt..".

Tuần dương hạm tên lửa Moskva là một trong những chiến hạm có khả năng phòng không hiện đại nhất, mạnh nhất Hải quân Nga hiện tại. Con tàu được trang bị loạt hệ thống radar hiện đại gồm: Radar trinh sát đường không tầm xa MR-800 Voshkod, radar trinh sát đường không MR-700 Fregat hoặc MR-710 Fregat-MA.

Ngoài radar cực mạnh để cảnh giới, báo động sớm các mục tiêu trên không tiếp cận gần căn cứ Nga hoặc có ý gây mối đe dọa với máy bay Nga, tuần dương hạm Moskva còn được trang bị hệ thống vũ khí tấn công trên không tầm xa – S-300F được bố trí ở giữa thân tàu.

Cận cảnh bệ phóng tên lửa phòng không S-300F trên tuần dương hạm Moskva.

Tổ hợp tên lửa phòng không trên hạm S-300F Fort (NATO gọi là SA-N-6) được phát triển trên cơ sở mẫu tên lửa S-300P phiên bản Lục quân, trang bị cho tàu tuần dương Slava (lớp tàu của Moskva) và Kirov. Trên tàu tuần dương Moskva được trang bị tổng cộng 64 ống phóng chứa đạn tên lửa 5V55RM, ngoài ra còn tích hợp hệ thống radar dẫn bắn.

Đạn tên lửa 5V55RM có khả năng bắn hạ mục tiêu ở cự ly 7-90km, độ cao bắn hạ 25m đến 25km, sử dụng đầu tự dẫn radar bán chủ động. Ảnh: Tên lửa 5V55RM của tổ hợp S-300F rời bệ phóng.

Ngoài S-300F, tàu tuần dương Moskva còn được trang bị hai bệ phóng tổ hợp tên lửa phòng không 4K33 OSA-MA. Ảnh: Bệ phóng hai ray Zif-122 đang nạp đạn 9M33M tự động.

Tên lửa có khả năng bắn hạ mục tiêu ở cự ly tối đa 15km, độ cao 12km. Tổ hợp này đóng vai trò bảo vệ tàu nhiều hơn là phòng không tầm xa.

Bên cạnh khả năng phòng không mạnh bảo vệ căn cứ Nga ở Syria, tàu tuần dương Moskva còn làm nhiệm vụ cảnh giới trên biển, đối phó với mối hiểm họa tiềm tàng. Để làm nhiệm vụ đó, tàu này trang bị tổ hợp tên lửa hành trình chống hạm P-500 Bazalt (NATO gọi là SS-N-12 Sandbox) với 16 ống phóng bố trí thành từng cặp dọc sườn tàu.

Tên lửa P-500 Bazalt có trọng lượng tổng thể tới 4,8 tấn, dài 11,7m, trang bị đầu đạn nặng 1 tấn. Tên lửa phù hợp với nhiệm vụ tấn công tiêu diệt nhóm tàu sân bay, các tàu chiến cỡ lớn.

Tên lửa P-500 đạt tầm bắn tối đa 550km, trần bay 50-500m, tốc độ hành trình siêu âm.

Trong trường hợp đặc biệt, nếu phải tấn công các mục tiêu trên bờ biển, đặc biệt là ở bờ biển Latakia. Tuần dương hạm Moskva có thể sử dụng pháo hạm AK-130 nòng kép cỡ 130mm đạt tầm bắn 23km. Hoặc là sử dụng hệ thống phóng bom chống ngầm RBU-6000 để oanh tạc mục tiêu ven bờ như tổ hợp pháo phản lực phóng loạt. Đạn của RBU-6000 có thể đạt tầm bắn đến 6km.

Hoàng Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/vu-khi/suc-manh-tuan-duong-ham-bao-ve-may-bay-su-24-o-syria-577008.html