Sức mạnh Trung Quốc - Iran đưa Bắc Kinh thành trọng tài Trung Đông?

Nếu Tổng thống Obama thành công trong việc đưa Israel và người Ả Rập vùng Vịnh xích lại gần nhau hơn khi đối mặt với kẻ thù chung Iran, thì Tổng thống Trump đang đứng trước bờ vực thành công đưa Trung Quốc và Iran đến với nhau để đối phó với đối thủ chung của chính họ là Mỹ.

Như đã được thông tin rộng khắp, quốc hội Iran đang xem xét thỏa thuận 25 năm giữa Tehran và Bắc Kinh. Nếu được phê duyệt, thỏa thuận này sẽ mang tới 400 tỷ USD đầu tư của Trung Quốc, giao dịch dầu cho Iran và hợp tác công nghệ, quân sự chung. Đây sẽ là những gì hai nước này đang gọi là quan hệ đối tác chiến lược.

Sức nặng liên kết Trung Quốc - Iran

Nếu thỏa thuận này được hoàn tất, động thái này sẽ đưa Trung Quốc trở thành bên đối thoại quan trọng giữa hai kẻ thù cay đắng là Israel và Iran. Mặc dù có sự hiện diện quân sự lớn của Mỹ trong khu vực, nhưng trên thực tế, Trung Quốc sẽ là trung gian giữa Tehran và Jerusalem để đảm bảo rằng các nguồn dầu, khí đốt và công nghệ của Bắc Kinh ở những nước này vẫn ổn định và an toàn.

Thỏa thuận của Trung Quốc với Iran tương đương với những thỏa thuận mà Bắc Kinh đã ký với Nga vào năm 2013 và 2014. Thỏa thuận năm 2013 mang đến cơ hội cho Nga cung cấp 360 triệu tấn dầu thô trong 25 năm, với trị giá 270 tỷ USD cho Bắc Kinh.

Trung Quốc và Iran đứng trước cơ hội đạt được điều đã có với Nga. Ảnh: Getty Images.

Trung Quốc và Iran đứng trước cơ hội đạt được điều đã có với Nga. Ảnh: Getty Images.

Năm 2019, Nga đã giao 900 triệu thùng, tương đương khoảng 125 tấn dầu thô cho Trung Quốc. Dựa trên mức giao hàng đến hết tháng 3 năm nay, ước tính Nga sẽ cung cấp 1,5 tỷ thùng dầu thô, hoặc ít nhất 165 triệu tấn vào năm 2020. Với tốc độ đó, Nga sẽ vượt mục tiêu 360 triệu tấn của thỏa thuận trên vào năm 2021. Tương tự, Moscow có thể sẽ đáp ứng nhu cầu của Trung Quốc về khí đốt tự nhiên như được nêu trong thỏa thuận năm 2014 của họ. Nước Nga gần đây đã hoàn thành Đường ống Power of Siberia 55 tỷ USD, bắt đầu cung cấp khí đốt tự nhiên cho Trung Quốc vào tháng 12/ 2019.

Do nhu cầu vô tận của Trung Quốc đối với các nguồn cung cấp năng lượng nhằm thúc đẩy nền kinh tế của nước này, đặc biệt là khi họ phục hồi từ tác động kinh tế của virus corona, không có lý do gì để hy vọng rằng thỏa thuận đầu tư dầu mỏ tương lai với Iran sẽ ít thành công hơn so với những gì họ có với Nga.

Về phần mình, Trung Quốc sẽ rót vốn đầu tư vào các lĩnh vực ngân hàng, viễn thông và cơ sở hạ tầng của Iran. Sự phát triển cảng và sân bay của Trung Quốc có thể được kỳ vọng sẽ thúc đẩy chuỗi ngọc trai hàng hải của họ, hiện đang trải dài từ Hambantota ở Sri Lanka qua Gwadar ở Pakistan và đến căn cứ của họ ở Djibouti, tại vùng Sừng châu Phi. Mặc dù các cam kết trên danh nghĩa này là về thương mại, sự phát triển cảng Trung Quốc rõ ràng có ý nghĩa là hoạt động quân sự sẽ được tăng cường hơn nữa bằng các cuộc diễn tập và tập trận chung, nghiên cứu và phát triển quân sự chung, và hợp tác tình báo mà Iran cũng hỗ trợ.

Cơ hội chuyển mình thành trọng tài Trung Đông

Tuy nhiên, ngay cả khi Trung Quốc dấn sâu vào nền kinh tế và cấu trúc quân sự của Iran, Trung Quốc vẫn tiếp tục là nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực công nghệ cao của Israel, đối thủ của Tehran và đồng minh của Mỹ. Đối mặt với áp lực của Washington, Israel đã từ bỏ việc trao cho công ty Hutchinson của Trung Quốc một hợp đồng xây dựng nhà máy khử mặn lớn nhất thế giới. Nhưng trong khi đó, một công ty Trung Quốc, Tập đoàn cảng quốc tế Thượng Hải, đang xây dựng một cảng container ở Haifa. Và một công ty cảng Trung Quốc đang xây dựng một cảng ở Ashdod. Cả hai cảng này đều nằm bên cạnh các căn cứ hải quân lớn của Israel. Vì lý do này, Hải quân Hoa Kỳ đã dự tính chấm dứt tất cả các chuyến thăm cảng đến Haifa.

Các nhà phân tích của Israel lo ngại rằng Trung Quốc có thể sử dụng đòn bẩy kinh tế để gây sức ép Jerusalem phải từ bỏ mọi cuộc tấn công theo kế hoạch vào các cơ sở hạt nhân của Iran, hoặc sử dụng đòn bẩy chính trị nhằm vào Jerusalem tại Liên Hợp Quốc hoặc các tổ chức khác. Israel đã thấy mình bị buộc phải phối hợp hoạt động tại Syria với Moscow. Bây giờ họ sẽ phải làm điều tương tự với Trung Quốc về Iran. Điều đáng chú ý là, những người phản đối về thỏa thuận được đề xuất giữa Iran với Trung Quốc cũng lo ngại rằng bàn tay nặng nề của Bắc Kinh sẽ kiềm chế sự tự do hành động của Tehran trong khu vực. Nỗi sợ hãi của cả người Israel và người Iran có lẽ không bị đặt nhầm chỗ.

Một điều nữa là , mối quan hệ quân sự và kinh tế ngày càng chặt chẽ giữa Bắc Kinh với Nga, giống như Iran và Trung Quốc đều là mục tiêu của các lệnh trừng phạt của Mỹ, sẽ tiếp tục củng cố bàn tay Trung Quốc tại Trung Đông. Trừ khi Washington có thể phát triển một chiến lược mạch lạc cho phép họ bằng cách nào đó thu hút tất cả những thế lực trong khu vực bằng một điều gì đó ngoài các biện pháp trừng phạt, thì nhiều khả năng Washington sẽ bị loại ra bên lề, giống như một người ngoài cuộc trong khi Trung Quốc nổi lên thành trọng tài của tranh chấp khu vực.

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/suc-manh-trung-quoc-iran-dua-bac-kinh-thanh-trong-tai-trung-dong-20200728160943828.htm