Sức mạnh tiềm ẩn của Eurozone

Nhiều năm qua, Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) thường được nhìn nhận là một khu vực khủng hoảng, với chủ đề khả năng khối tiền tệ chung này tồn tại hay tan vỡ là trọng tâm của nhiều cuộc bàn luận.

Năm ngoái, việc cử tri Vương quốc Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) chủ yếu do họ cho rằng Eurozone là dự án có vấn đề về cơ chế hoạt động, và thậm chí khó có thể cứu vãn được nữa. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Eurozone đã trở thành một đề tài “được ưa thích” của thị trường tài chính nhờ một số nguyên do tích cực.

Những dấu hiệu tích cực

Thực tế, Eurozone đã gượng dậy sau cuộc khủng hoảng 2011-2012 và phục hồi trong vài năm qua. Tính trên cơ sở thu nhập bình quân đầu người, tăng trưởng kinh tế khu vực hiện vượt nhịp độ tăng trưởng của Mỹ. Tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực này cũng đang giảm dần tuy chậm hơn so với Mỹ, nhưng việc đó chủ yếu phản ánh sự khác biệt trong xu hướng các nhân công tham gia vào lực lượng lao động.

Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Trong lúc số người tham gia lực lượng lao động ở Mỹ lại suy giảm từ năm 2000 thì lực lượng lao động tại Eurozone đang gia tăng. Trong 5 năm qua, 2,5 triệu dân thuộc khu vực này gia nhập lực lượng lao động trên thực tế với 5 triệu việc làm được tạo ra, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống rõ rệt.

Hơn nữa, sự phục hồi của khu vực được duy trì ổn định ngoài mức trông đợi, ngay cả khi không có thêm các gói kích thích kinh tế mới. Mức thâm hụt ngân sách trung bình được điều chỉnh thường kỳ đã tương đối ổn định từ năm 2014, tương đương khoảng 1% GDP.

Tất nhiên, vẫn còn đó những khác biệt lớn về vị thế tài chính của từng quốc gia thành viên. Nhưng trong một liên minh tài chính đa dạng như Eurozone thì điều này đã được dự đoán. Có lẽ ta không nên đánh giá quá cao tăng trưởng kinh tế trong dài hạn của Eurozone. Trong khi tỷ lệ tăng trưởng bình quân có thể duy trì ở mức trên 2% trong vài năm tới, do tỷ lệ thất nghiệp hiện tại đang thu hẹp và xu hướng trong dài hạn người lao động lớn tuổi quay trở lại làm việc đang tiếp tục diễn ra.

“Điểm bước ngoặt Lewis”

Khi Eurozone đạt đến cái gọi là “điểm bước ngoặt Lewis” – thời điểm không còn lực lượng lao động dư thừa và mức lương bắt đầu tăng – mức tăng trưởng sẽ biểu hiện tốt hơn nguồn nhân khẩu và cơ cấu dân số.

Mặc dù vậy, kể cả sau thời điểm đó, tỷ lệ tăng trưởng tính theo đầu người của Eurozone có lẽ sẽ không thấp hơn nhiều so với Mỹ, do sự khác biệt tỷ lệ tăng trưởng năng suất của các nước này hiện đang thu hẹp. Theo hướng này, trong tương lai, tăng trưởng của Eurozone có lẽ sẽ tương tự như Nhật Bản hiện tại (với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm ở mức hơn 1% một chút và lạm phát thấp được duy trì, đồng thời tăng trưởng thu nhập theo đầu người tương tự như ở Mỹ hoặc châu Âu).

Eurozone sẽ bước vào thời kỳ có tỷ lệ thất nghiệp thấp và tăng trưởng chậm nhưng trên cơ sở vững chắc và ổn định. (Nguồn: Newsclip)

Điều may mắn là Eurozone sẽ bước vào thời kỳ có tỷ lệ thất nghiệp thấp và tăng trưởng chậm nhưng trên cơ sở vững chắc và ổn định – phần nào nhờ vào những chính sách khắc khổ kể trên. Ngược lại, cả Mỹ và Nhật Bản hiện đang phải đối mặt với việc “tỷ lệ thất nghiệp thấp” và mức thâm hụt ngân sách cao hơn 3% GDP (cao hơn khoảng 2-3 điểm phần trăm so với khu vực Eurozone).

Mỹ và Nhật Bản cũng đang phải gánh chịu các khoản nợ nặng hơn: tỷ lệ nợ trên GDP của Mỹ ở mức tương đương 107% GDP và cao trên 200% GDP ở Nhật Bản, so với 90% GDP tại khu vực Eurozone.

Kinh nghiệm của châu Âu cho thấy trong khi các chương trình kích thích kinh tế đồng bộ có thể tạo ra sự khác biệt trong các cuộc suy thoái trầm trọng, thì việc rút lại những chương trình đó khi không còn thực sự cần thiết nữa là phù hợp hơn việc duy trì một cách không xác định.

Với chính sách khắc khổ thì có thể sẽ phải cần nhiều thời gian hơn để sự phục hồi trở nên chắc chắn. Nhưng một khi điều này diễn ra, thành tựu kinh tế sẽ ổn định hơn do các lợi ích của chính phủ sẽ trong tình trạng ổn định và bền vững.

(theo TTXVN)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/suc-manh-tiem-an-cua-eurozone-50876.html