Sức mạnh quân sự và chính trị Lục quân Thổ Nhĩ Kỳ

Xin giới thiệu một số thông tin về Lục quân Thổ Nhĩ Kỳ qua bài viết với tiêu đề trên của chuyên gia quân sự Nga quen thuộc Ilia Polonski.

Bài đăng trên “Bình luận quân sự” ngày 5/7/2019. Tất cả các ảnh trong bài là của tác giả

Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ quyết định mua các tổ hợp tên lửa phòng không S-400 của Nga và hoạt động chuyển giao đang được gấp rút thực hiện, chính sách quân sự và các khả năng phòng thủ của Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành tâm điểm chú ý của mọi phương tiện truyền thông trên thế giới.

Một số chuyên gia thậm chí còn đưa ra dự báo là quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ- Mỹ sẽ xấu đi nghiêm trọng. Nhưng trên thực tế, cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã và vẫn đang là một trong những thành viên chủ chốt của Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO). Cho dù niềm tin của Washington đối với Ankara đã suy giảm rất đáng kể.

Lục quân- sức mạnh quân sự chủ chốt

Các Lực lượng Vũ trang (CLLVT) Thổ Nhĩ Kỳ là CLLVT có quân số đông thứ hai trong NATO, sau CLLVT Mỹ. Và hoàn toàn không loại trừ một khả năng đó cũng là CLLVT có khả năng tác chiến tốt nhất trong NATO.

Khác với quân đội của các quốc gia châu Âu, CLLVT Thổ Nhĩ Kỳ đến bây giờ vẫn tuyển quân theo chế độ nghĩa vụ, và điều đó có nghĩa là CLLVT luôn có một nguồn lực dự bị động viên khổng lồ gồm toàn những người đàn ông Thổ Nhĩ Kỳ đã từng phục vụ trong quân đội và đã qua huấn luyện chiến đấu bài bản.

Thành phần nòng cốt của CLLVT Thổ Nhĩ Kỳ- đó là Lục quân. Trong khối NATO, Thổ Nhĩ Kỳ là nước có Lục quân với quân sô đông nhất, cũng chỉ sau Mỹ. Lục quân Thổ Nhĩ Kỳ được trang bị tốt, được huấn luyện chiến đấu tốt và sở hữu những kinh nghiệm tác chiến thực tế tích lũy được trong rất nhiều chiến dịch quân sự chống lại quân nổi dậy người Kurd.

Lục quân Thổ Nhĩ Kỳ (tiếng Thổ- Türk Kara Kuvvetleri-TG) có quân số khoảng 360.000 người và là quân chủng có quân số lớn nhất trong CLLVT nước này (chiếm 75% tổng quân số).

Theo Luật pháp Thổ Nhĩ Kỳ thì, trước hết, Lục quân Thổ Nhĩ Kỳ có nhiệm vụ đảm bảo an ninh nội bộ và an ninh đối ngoại của đất nước, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, tham gia vào các sứ mệnh nhân đạo, và thứ hai – có nhiệm vụ bảo vệ lợi ích quốc gia, có thể hoạt động độc lập, hoặc phối hợp với Không quân và Hải quân nước này tiến hành các chiến dịch ở quy mô chiến lược hoặc ở quy mô chiến thuật trên các hướng Kavkaz, Balkan và Trung Đông.

Giới lãnh đạo chính trị - quân sự Thổ Nhĩ Kỳ xác định chính Lục quân là sức mạnh tấn công chủ yếu của CLLVT, và trong trường hợp phải tiến hành bất kỳ một chiến dịch quân sự nào, thì các phân đội (đơn vị) Lục quân vẫn sẽ là lực lượng chiến đấu quan trọng nhất.

Lục quân Thổ Nhĩ Kỳ được đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tư lệnh Lục quân (thường mang quân hàm tướng lục quân) và Bộ Tham mưu Lục quân,- còn Tham mưu trưởng Lục quân là người chịu trách nhiệm lập kế hoạch các chiến dịch tác chiến, huấn luyện chiến đấu, phối hợp với các quân chủng khác trong CLLVT, với các bộ sức mạnh và các bộ ngành dân sự khác của Thổ Nhĩ Kỳ.

Thành phần và cơ cấu Lục quân Thổ Nhĩ Kỳ

Trong thành phần (biên chế tổ chức) của (quân chủng) Lục quân Thổ Nhĩ Kỳ có các binh chủng và các cơ quan (ngành). Các binh chủng tác chiến của Lục quân có- (các binh chủng) Bộ binh, Bộ đội Tăng- thiết giáp, Bộ đội Pháo binh dã chiến, Bộ đội Phòng không lục quân và Không quân lục quân.

Các binh chủng bảo đảm có- Tình báo quân sự, Lực lượng Đặc nhiệm, Bộ đội Công binh, Bộ đội Thông tin- liên lạc, Bộ đội Hóa học, Quân cảnh.

Còn các cơ quan (ngành), cũng tương tự như trong quân đội Nga, chuyên thực hiện các nhiệm vụ (chức năng) hành chính và giải quyết các vấn đề đảm bảo vật chất-kỹ thuật cho các đơn vị.

Các cơ quan chủ yếu của Lục quân Thổ Nhĩ Kỳ bao gồm các ngành: Pháo binh-kỹ thuật, Vận tải, Tài chính, Doanh trại, Hành chính, còn các cơ quan chuyên ngành là - Y tế, Kiểm sát quân sự và một số cơ quan chức năng khác.

Lục quân Thổ Nhĩ Kỳ có một thành phần (lực lượng chiến đấu) rất ấn tượng. Trước hết, đó là 4 tập đoàn quân dã chiến, 1(một) cụm quân tác chiến đóng chân trên phía Bắc đảo Síp, và thứ hai, có 9 quân đoàn bộ binh, 7 trong số này nằm trong biên chế (trực thuộc) các tập đoàn quân dã chiến, và 3 bộ tư lệnh, là – Bộ Tư lệnh Không quân lục quân, Bộ Tư lệnh Huấn luyện tác chiến và Bộ Tư lệnh Hậu cần.

Trong biên chế của các tập đoàn quân dã chiến và các quân đoàn có nhiều đơn vị và binh đoàn (binh đoàn - sư đoàn-ND) chiến đấu, cụ thể: 3 sư đoàn cơ giới (1 trong số đó là thuộc lực lượng chung NATO), 2 sư đoàn bộ binh (đóng quân tại Cộng hòa Bắc Síp Thổ Nhĩ Kỳ); 39 lữ đoàn độc lập: 14 lữ đoàn cơ giới, 10 lữ đoàn bộ binh cơ giới, 8 lữ đoàn tăng- thiết giáp, 5 lữ đoàn đặc nhiệm và 2 lữ đoàn pháo binh; 5 trung đoàn biên phòng và 2 trung đoàn đặc nhiệm.

Trong biên chế tổ chức của Bộ Tư lệnh Huấn luyện có một sư đoàn huấn luyện tăng- thiết giáp, 4 lữ đoàn huấn luyện bộ binh và 2 lữ đoàn huấn luyện pháo binh, nhiều cơ sở đào tạo quân sự và các trung tâm huấn luyện. Ngoài ra, trong cơ cấu của Lục quân còn có nhiều đơn vị đảm bảo vật chất – kỹ thuật và hậu cần.

Cần đặc biệt chú ý đến Không quân lục quân Thổ Nhĩ Kỳ với biên chế 3 trung đoàn máy bay lên thẳng đa năng , 1 trung đoàn máy bay lên thẳng tấn công và 1 cụm (tương đương trung đoàn) máy bay lên thẳng vận tải.

Không quân lục quân Thổ Nhĩ Kỳ giải quyết các nhiệm vụ hỗ trợ hoạt động cho các chiến dịch của lực lượng trên mặt đất và đảm bảo vận tải cho các đơn vị bộ binh tham gia chiến đấu.

Và cuối cùng, không thể không nhắc tới lực lượng dự bị động viên rất hùng hậu đã qua huấn luyện tác chiến bài bản,- ước tính có khoảng 2,7 triệu quân nhân dự bị động viên. Đây là lực lượng dự bị đã qua huấn luyện như đã nói ở trên và đặc biệt là rất nhiều người trong số họ đã có kinh nghiệm chiến đấu thực tế.

Lục quân Thổ Nhĩ Kỳ được trang bị khá hiện đại. Có hơn 3.500 xe tăng, trong đó có “Leopard 1” (400 chiếc) và “Leopard 2” (300 chiếc) của Đức, M60 (1.000 chiếc), M47 và M48 (1.800 chiếc) do Mỹ sản xuất; hơn 5.000 xe bọc thép các kiểu khác nhau;

khoảng 6.000 khẩu pháo, cối, hệ thống pháo phản lực phóng dàn; có tới 30 tổ hợp phóng tên lửa chiến dịch- chiến thuật, hơn 3.800 phương tiện vũ khí chống tăng (1.400 tổ hợp tên lửa chống tăng vác vai và 2.400 pháo chống tăng), các tổ hợp tên lửa phòng không vác vai;

gần 400 máy bay lên thẳng trong trang bị của Không quân lục quân, gồm các máy bay lên thẳng chiến đấu AH-1 “Cobra”, máy bay lên thẳng chiến đấu đa năng S-70 “Black-Hawk”, AS.532, UH-1, AB.204 / 206.

Công tác huấn luyện tác chiến và đào tạo quân sự

Thành phần chỉ huy sơ cấp (trung sĩ- tức hạ sỹ quan) của Lục quân Thổ Nhĩ Kỳ được đào tạo trong các trung tâm huấn luyện đặc biệt trực thuộc Tập đoàn quân dã chiến số 4. Ngoài ra, còn có các trường đào tạo sỹ quan đặc biệt chuyên tiếp nhận và đào tạo học viên là các thiếu niên tuổi từ 14-15 có trình độ trung học.

Các hạ sĩ quan chỉ huy được đào tạo tại các khoa đặc biệt của các trường cao đẳng quân sự, nhưng thời gian đào tạo rút ngắn (so với đào tạo sỹ quan)- chỉ từ 2 đến 3 năm (tùy theo chuyên ngành đào tạo).

Các sĩ quan được đào tạo trong các học viện- nhà trường ở một số cấp độ. Trước hết, đó là những cơ sở giáo dục dự bị- hay còn gọi là các trường trung cấp quân sự,- những trường này có nhiều điểm tương đồng với hệ thống các trường Suvorov và Nakhimov ở Nga (đào tạo thiếu sinh quân-ND).

Thứ hai, đó là các trường cao đẳng quân sự (như các trưởng đào tạo sỹ quan ở ta-ND), gồm các trường cao đẳng sau- (các trường) Cao đẳng Bộ binh, Cao đẳng Tăng- thiết giáp, Cao đẳng Tên lửa, Cao đẳng pháo binh, Cao đẳng Thông tin- liên lạc, Cao đẳng Kỹ thuật, Cao đẳng Đặc nhiệm, Cao đẳng Trinh sát, Cao đẳng Ngoại ngữ quân sự. Các trưởng cao đẳng này đào tạo cán bộ chỉ huy cấp trung đội, đại đội và cấp tiểu đoàn.

Trường đào tạo cơ bản trong số các trường là trường “Kara Kharp Okulu”,- tại trường này các sĩ quan tương lai được đào tạo cơ bản trong thời gian 4 năm, sau đó họ được phân về các trường của các quân chủng học tiếp trong 1-2 năm nữa theo các chương trình đào tạo chuyên ngành.

Thứ ba, ở cấp cao hơn- đó là Học viện quân sự của Lục quân (Học viện lục quân-ND) – đây là nơi tiếp nhận đào tạo các sĩ quan đang có quân hàm từ thượng úy đến thiếu tá,- các học viên này trước đó phải có thời gian phục vụ ít nhất là 3 năm tại các đơn vị sau khi tốt nghiệp trường quân sự.

Cuối cùng, cấp cao nhất- đó là Học viện CLLVT,- học viện này tiếp nhận các học viên tốt nghiệp Học viện quân sự Lục quân và được đào tạo để sau này nhận công tác tại các ban tham mưu sư đoàn và tập đoàn quân, tại Bộ Tổng tham mưu và Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài ra, Lục quân Thổ Nhĩ Kỳ còn tổ chức rất nhiều các khóa học đa dạng trong nước, cũng như cử một số học viên quân sự đi đào tạo tại nước ngoài.

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (còn tiếp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/luc-luong-vu-trang/suc-manh-quan-su-va-chinh-tri-luc-quan-tho-nhi-ky-3385596/