Sức mạnh Quân đội Mỹ và Nga năm 2020. Không quân

Xin giới thiệu tiếp cùng bạn đọc loạt bài báo so sánh sức mạnh quân sự Mỹ- Nga của chuyên gia quân sự Nga Yuferev Sergey.

Bài này về không quân hai nước và đăng trên“Bình luận quân sự” (Nga) ngày15/12/2020. Tất cả các ảnh trong bài là của tác giả.

Máy bay tiêm kích F-22 Raptor của Mỹ đang bay bám máy bay ném bom chiến lược Tu-95 của Nga trên eo biển Bering.

Máy bay tiêm kích F-22 Raptor của Mỹ đang bay bám máy bay ném bom chiến lược Tu-95 của Nga trên eo biển Bering.

Theo truyền thống, không quân luônđược coi là một trong những quân chủng công nghệ tiên tiến nhất và có hiệu quả nhất của lực lượng vũ trang các nước. Các cuộc xung đột quân sự trong những năm gần đây đã chứng minh rằng chiếm được ưu thế trên không sẽ cho phép giải quyết các nhiệm vụ khác nhau trên chiến trường, đảm bảo đạt được các mục tiêu chiến thuật, chiến dịch và chiến lược.

Một ví dụ về việc sử dụng thành công lực lượng không quân là cuộc xung đột tại Syria. Tại quốc gia này, Bộ đội Đường không- Vũ trụ Nga đã (và đang) tích lũy kinh nghiệm thực chiến, thực hành, thử nghiệm các chiến thuật sử dụng không quân tấn công để không kích các mục tiêu trên mặt đất, thử nghiệm các mẫu vũ khí mới và dĩ nhiên, tiến hành các hoạt động trinh sát.

Cùng với đó, Nga đã thực hiện thành công nhiệm vụ triển khai một cụm không quân cách xa lãnh thổ và sử dụng hiệu quả cụm quân này, làm nghiêng cán cân trong cuộc xung đột về phía có lợi cho chính phủ hợp pháp Syria do Tổng thống Bashar al-Assad đứng đầu và Quân đội Ả Rập Syria được Nga hậu thuẫn.

Đối với nước Nga, đây là kinh nghiệm hiện đại đầu tiên trong việc sử dụng ồ ạt lực lượng không quân trong một cuộc xung đột quân sự. Trước đó, chỉ có Không quân Mỹ mới tiến hành các chiến dịch như vậy ở những khu vực cách xa đường biên giới quốc gia của Mỹ. Hiện nay, các phi công Nga đang tiếp tục tích lũy nhiều kinh nghiệm chiến đấu quý giá ở Syria, - những kinh nghiệm mà trước đây chỉ có phi công Không quân Mỹ và không quân các nước NATO mới có.

Đồng thời, nếu tính về mặt số lượng, Không quân Mỹ, dĩ nhiên, vượt trội so với Không quân Nga, và vẫn là lực lượng không quân mạnh nhất thế giới, vượt xa các đối thủ chính, trong đó có Trung Quốc, cả về số lượng (máy bay) và cả về thành phầnvà số lượng vũ khí- trang bị kỹ thuật quân sự.

Để đối phó một cách phi đối xứng, Nga áp dụng biện pháp truyền thống là thiết kế, sản xuất và bán (rất chạy) nhiều tổ hợp phòng không,- những tổ hợp này được nhiều chuyên gia đánh giá là tốt nhất trên thế giới.

Xét về thành phần và chất lượng của các tổ hợp phòng không, Nga không có đối thủ cạnh tranh, thêm nữa, hệ thống phòng không và hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Nga được bố trí theo tuyến chiều sâu và gồm hàng trăm tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa (S-400, S-300), tầm trung (Buk) và tầm ngắn (“Tor "," Pantsir-S1 ").

Su-34 của Không quân Nga tại một căn cứ không quân ở Syria. Ảnh: Bộ Quốc phòng Liên bang Nga

Xét về số lượng máy bay chiến đấu, Không quân Mỹ không quá vượt trội so với Không quân Nga (1.522 chiếc so với 1.183 chiếc). Nhưng có một điểm khác biệt rất quan trọng ở đây.

Với Mỹ thì các máy bay quân sự nhiều chức năng khác nhau, trong đó có cả các máy bay trực tiếp chiến đấu, cũng còn có trong biên chế của Không quân Vệ binh Quốc gia,trong biên chế của Không quân Hải quân Mỹ và Không quân của Quân đoàn Lính thủy Đánh bộ.

Theo các số liệu mới được công bố của The Military Balance 2020 (các số liệu về Nga và Mỹ đều dẫn từ nguồn này), thì tổng số máy bay chiến đấu có trong trang bị của Các Lực lượng Vũ trang Hoa Kỳ là: 1.522 chiếc của Không quân + 981 chiếc của Không quân Hải quân Mỹ + 432 chiếc của Không quân Quân đoàn LínhThủy quân Đánh bộ + 576 chiếc của Không quân Vệ binh Quốc gia.

Tổng cộng có tất cả 3.511 máy bay chiến đấu: máy bay tiêm kích, máy bay ném bom, máy bay cường kích và máy bay chống ngầm. Trong biên chế của Các Lực lượng Vũ trang Nga, tính cả các máy bay của Không quân và Không quân của Hải quân Nga (+217 máy bay chiến đấu), có tổng cộng 1.400 máy bay chiến đấu.

Như vậy, nếu tính tổng số máy bay chiến đấu, Các Lực lượng Vũ trang Mỹ vượt Các Lực lượng Vũ trang Nga 2,5 lần.

Còn có thể thấy một sự khác biệt lớn hơn nữa khi so sánh không quân vận tải, máy bay AWACS và các máy bay tiếp dầu.

Tính theo số lượng máy bay tiếp nhiên liệu hiện có, Không quân Mỹ vượt tất cả các nước trên thế giới hàng chục lần. Lý do dẫn đến sự khác biệt này là những đặc thù trong sử dụng Không quân Mỹ trên toàn thế giới, là sự hiện diện của rất nhiều căn cứ quân sự và các khu vực phô trương lực lượng của Mỹ trên thế giới. Về mặt này, cụm Không quân Nga thể hiện tính chất phòng thủ, trong khi đó thì Không quân Mỹ- bản chất tấn công cũng thể hiện rất rõ.

Một ưu thế nữa rất quan trong của Các Lực lượng Vũ trang Mỹ- đó là có rất nhiều máy bay không người lái (UAV) tấn công và các thiết bị bay không người lái chiến lược cỡ lớn. Các Lực lượng Vũ trang Nga vào thời điểm hiện tại không có các UAV tấn công được sản xuất hàng loạt và các máy bay không người lái trinh sát cỡ lớn có thể hoạt động ở khoảng cách rất xa các sân bay đóng quân.

Sự khác biệt về tổ chức giữa Không quân Nga và Không quân Mỹ

Về mặt tổ chức, Không quân Nga là một trong ba binh chủng cấu thành quân chủng Bộ đội Đường không - Vũ trụ Thống nhất (tức quân chủng Bộ đội Đường không- Vũ trụ của Các Lực lượng Vũ trang LB Nga- viết tắt VKS), - ngoài (binh chủng)không quân này, VKS Nga còn có (binh chủng) Phòng không - Phòng thủ chống Tên lửa và (binh chủng) Vũ trụ.

Còn tại Mỹ, cũng có một hệ thống tương tự nhưng với những đặc thù riêng, như trong thành phần lực lượng Không quân cũng có các binh chủng độc lập, trong đó có (binh chủng) Lực lượng Vũ trụ và Bộ Tư lệnh các Chiến dịch Đặc biệt của Không quân.

Điểm khác biệt chính so với Bộ đội Đường không- Vũ trụ Nga là Bộ đội Tên lửa chiến lược Mỹ (có nghĩa là tất cả các ICBM của nước này) cũng chịu quyền chỉ huy trực tiếp của Bộ Tư lệnh Không quân và không quân Mỹ không có các đơn vị phòng không và phòng thủ chống tên lửa.

Ngoài ra, Không quân Mỹ chỉ có trong trang bị một số lượng rất hạn chế máy bay lên thẳng các kiểu. Đại bộ phận các máy bay lên thẳng được trang bị cho Lục quân và có thể được sử dụng cho các đơn vị và phân đội cụ thể của Lục quân.

Về phía Nga thì ngược lại, ở Nga, lực lượng máy bay lên thẳng nằm trong biên chế của Không quân (khoảng 800 chiếc, trong đó có 390 chiếc là máy bay lên thẳng tấn công). Lục quân Mỹ được trang bị hơn 3.700 máy bay lên thẳng, trong đó hơn 700 chiếc- máy bay lên thẳng tấn công.

Các tổ hợp S-400 của Bộ đội phòng không- phòng chống tên lửa thuộc VKS Nga.Ảnh: Bộ Quốc phòng Liên bang Nga

Các lực lượng phòng không và phòng thủ chống tên lửa của Mỹ chuộc quyền chỉ huy của Lục quân và Hải quân, trong khi đó phương tiện phòng không duy nhất có trong biên chế của Không quân Mỹ là các tổ hợp tên lửa phòng không vác vai “Stinger”.

Cùng với đó, khả năng của các tổ hợp tên lửa phòng không và phòng thủ chống tên lửa của Nga vượt xa khả năng của các tổ hợp tương tự trong thành phần Các Lực lượng Vũ trang Mỹ cả về những tính năng kỹ - chiến thuật đã được công bố (ví dụ, về cự ly tiêu diệt các mục tiêu trên không), và cà về tổng số các tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa.

Trong trang bị của Lục quân Mỹ, theo bản tin hàng năm "Cán cân quân sự" (The Military Balance 2020), do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) công bố, có 480 tổ hợp MIM-104D / E / F Patriot được trang bị nhiều kiểu tên lửa khác nhau.

Hiện vẫn không có con số chính xác về các tổ hợp S-400 có trong trang bị của Bộ đội phòng không- phòng thủ chống tên lửa Nga. Nhưng, chắc chắn, chỉ riêng số lượng các tổ hợp này đã vượt quá số lượng các tổ hợp Patriot trong Các Lực lượng Vũ trang Mỹ. Theo các số liệu được công bố trên các phương tiện truyền thông đại chúng Nga, Nga đang có hơn 60 tiểu đoàn trang bị tổ hợp này (S-400) (thường mỗi tiểu đoàn có 8 bệ phóng), trong khi việc mua sắm các tổ hợp này vẫn đang được tiếp tục.

Đến năm 2023, VKS Nga sẽ tiếp nhận thêm 3 trung đoàn S-400, 4 tổ hợp S-350 "Vityaz". Đây là thông tin được Hãng RIA Novosti công bố vào tháng 6 năm 2020. Ngoài các tổ hợp S-400, trong trang bị của Bộ đội Phòng không - Phòng thủ chống tên lửa Nga còn có hàng trăm tổ hợp S-300V / PS / PM-1 / PM-2 với số lượng tương đương với S-400 hoặc nhiều hơn, cùng với nhiều tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung và tầm ngắn khác.

Quân số của Không quân của Nga và Mỹ

Tổng quân số theo biên chế của Không quân Mỹ là 332.650 người (không tính các nhân viên dân sự). Ngoài ra, Không quân của Vệ binh Quốc gia có 106.750 quân nhân, Không quân Hải quân - 98.600 người, Không quân của Quân đoàn Lính thủy Đánh bộ - 34.700 người.

Trong biên chế của VKS Nga có khoảng 165.000 quân nhân, kể cả lính nghĩa vụ. Đồng thời, trong thành phần biên chế tổ chức của VKS có ba binh chủng, số lượng quân nhân của từng binh chủng cụ thể là bao nhiêu- không có số liệu. Số lượng quân nhân của Không quân Hải quân Nga có khoảng 31.000 người.

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch- còn tiếp )

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/suc-manh-quan-doi-my-va-nga-nam-2020-khong-quan-3424488/