Sức mạnh quân đội Mỹ lại 'chông chênh' vì Covid-19

Dịch Covid-19 một lần nữa tấn công và gây ảnh hưởng tới sức mạnh của quân đội Mỹ, sau khi hơn 60 ca mới mắc bệnh được phát hiện tại vài căn cứ Mỹ ở Nhật Bản.

Các binh sĩ Mỹ hoạt động ở đảo Okinawa của Nhật Bản đang thực hiện lệnh phong tỏa, sau khi hàng chục ca mắc Covid-19 được phát hiện tại một số căn cứ của lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ ở địa phương.

Theo CNN, lệnh phong tỏa được ban hành vào sáng ngày 11/7 bao gồm quy định cấm hầu như toàn bộ hoạt động di chuyển ra khỏi căn cứ đối với hàng chục ngàn quân nhân Mỹ đang có mặt tại các căn cứ trên đảo Okinawa, nếu như không nhận được sự cho phép của cấp trên từ hàm Trung tá trở lên.

Căn cứ không quân Futenma của lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ ở Nhật Bản xuất hiện nhiều ca mắc Covid-19. (Ảnh: Reuters)

Căn cứ không quân Futenma của lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ ở Nhật Bản xuất hiện nhiều ca mắc Covid-19. (Ảnh: Reuters)

Mệnh lệnh này được áp dụng cả với căn cứ không quân Kadena, nơi được xem là trung tâm sức mạnh không quân của Mỹ ở Thái Bình Dương. Đáng nói, số ca mới mắc Covid-19 tăng nhanh tại một số căn cứ quân sự Mỹ ở Nhật Bản xuất hiện sau tuyên bố hồi tuần trước của một vài Đô đốc về việc áp dụng “những biện pháp chưa từng có” nhằm bảo vệ lực lượng hải quân Mỹ trước dịch Covid-19, cũng như khôi phục khả năng sẵn sàng hoạt động trong khu vực.

Trong tuyên bố từ Văn phòng Thị trưởng tỉnh Okinawa vào sáng 13/7, 62 trường hợp mắc Covid-19 đã được xác nhận trong số binh sĩ hoạt động tại căn cứ không quân Futenma của lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ cùng căn cứ Hansen và căn cứ Kinza tính tới ngày 12/7. Tuy nhiên, quân đội Mỹ không tiết lộ số ca nhiễm virus corona chủng mới do lo ngại về vấn đề an ninh.

Trước đó, vào ngày 10/7, Tướng không quân Mỹ Joel Carey, chỉ huy căn cứ không quân Kadena xác nhận, “nhiều trường hợp dương tính với virus” đã xuất hiện trong các cơ sở quân sự Mỹ ở đảo Okinawa cùng với 3 dân thường.

“Những trường hợp mắc bệnh ở căn cứ Mỹ chủ yếu là lính thủy đánh bộ hoạt động tại căn cứ MCAS Futenma và Hansen. Những ca bệnh này đều có liên quan tới lịch sử di chuyển và chưa thể xác định nguồn gốc mắc bệnh. Do đó, hoàn toàn có khả năng làm bùng phát lây lan trong cộng đồng”, tuyên bố của Tướng Carey được đăng trên trang web của căn cứ không quân Kadena.

Do đó, lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ đang áp dụng Điều kiện Bảo vệ Y tế Charlie. Theo đó, không chỉ có các binh sĩ thủy quân lục chiến bị cấm thực hiện mọi hoạt động ngoài căn cứ quân sự mà ngay cả các thành viên trong gia đình bao gồm cả các nhà thầu dân sự Mỹ cũng không được phép ghé thăm bất cứ cơ sở nào ngoài căn cứ, không được sử dụng dịch vụ giao thông công cộng, ngay cả tập thể dục ngoài trời. Bên cạnh đó, các binh sĩ sẽ không được rời khỏi căn cứ hoặc không có thời gian nghỉ phép.

Trên trang Facebook của căn cứ không quân Kadena cũng đã nhắc tới việc triển khai Điều kiện Bảo vệ Y tế Charlie. Song những quy định đối với lực lượng không quân được nới lỏng hơn so với lính thủy quân lục chiến ở căn cứ Kadena. Theo đó, các binh sĩ trong không quân Mỹ vẫn có thể tới các cửa hàng tạp hóa, hiệu thuốc và mua thực phẩm bên ngoài căn cứ.

Quân đội thêm một lần "chông chênh" vì Covid-19

Dù quân đội Mỹ đã nhanh chóng cho triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch Covid-19, nhưng giới chức tỉnh Okinawa vẫn bày tỏ sự tức giận.

Trong tuyên bố, Thị trưởng tỉnh Okinawa là ông Denny Tamak nhấn mạnh Mỹ đáng lẽ không nên để các binh sĩ từ căn cứ quân sự ở Mỹ hay bất cứ nơi nào khác trong giai đoạn dịch bệnh di chuyển tới Okinawa.

Văn phòng Thị trưởng Tamaki cũng cho biết các quân nhân Mỹ tới đảo Okinawa đã được đưa tới tập trung tại các khách sạn ở quận Chatan, khu vực gần với căn cứ không quân Kadena bởi những cơ sở trong căn cứ này cũng đang là nơi những quân nhân Mỹ mắc Covid-19 được cách ly.

Chia sẻ với NHK, Thị trưởng Tamaki nhấn mạnh số ca mới mắc Covid-19 tại căn cứ Mỹ xuất hiện sau khi người dân trên hòn đảo này đã làm rất tốt công tác ngăn chặn dịch bệnh.

“Tôi cảm thấy bị sốc. Điều này vô cùng đáng tiếc, khi số ca mới mắc Covid-19 xuất hiện chỉ một thời gian ngắn sau khi người dân tỉnh Okinawa làm rất tốt việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan”, ông Tamaki nói.

Trên thực tế, kể từ ngày 1/5 – 7/7, tỉnh Okinawa không ghi nhận bất cứ trường nào mới mắc Covid-19. Tổng số ca mắc Covid-19 tại tỉnh Okinawa tính tới ngày 10/7 là 145 bao gồm 7 trường hợp đã tử vong.

Còn theo thông tin được NHK công bố hôm 11/7, 3 du khách từ Tokyo tới đảo Okinawa có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona chủng mới từ ngày 2/7.

Trong khi đó, thủ đô Tokyo và toàn lãnh thổ Nhật vẫn ghi nhận số ca mới mắc Covid-19 gia tăng trong tuần qua. Vào ngày 12/7, 411 trường hợp mới mắc Covid-19 được xác nhận ở Nhật Bản bao gồm 206 ca ở Tokyo. Đây cũng là ngày thứ 4 liên tiếp thủ đô Nhật Bản có số ca mới mắc Covid-19 theo ngày trên 200 trường hợp.

Những binh sĩ Mỹ mới mắc Covid-19 tại một số căn cứ trên đảo Okinawa xuất hiện giữa lúc dịch bệnh vẫn đang lây lan nhanh chóng trên lãnh thổ Mỹ. Hơn một nửa trong số 50 bang nước Mỹ đang phải đối phó trước tỷ lệ mắc Covid-19 tăng cao hơn so với một tuần trước đó.

Cụ thể, chỉ riêng bang Florida đã có tới 15.299 ca mới mắc Covid-19 trong ngày 11/7. Đây là số ca mới mắc bệnh trong ngày cao nhất tại các bang kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Mỹ.

Còn tại khu vực Thái Bình Dương, quân đội Mỹ mới ra tuyên bố nhấn mạnh về sự thành công ngăn chặn dịch Covid-19, sau vụ việc tàu sân bay USS Theodore Roosevelt từng phải tiến hành cách ly nhiều tuần hồi đầu năm nay do hơn 1.000 thủy thủ bị nhiễm virus corona chủng mới.

Hồi tuần trước, hai tàu sân bay là USS Ronald Reagan và USS Nimitz cũng đã hoàn thành đợt tập trận chung trên Biển Đông. Các Đô đốc chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay đều nhấn mạnh hải quân Mỹ đã triển khai “những biện pháp chưa từng có” để giúp binh sĩ đạt mức độ sẵn sàng chiến đấu ở mức cao nhất bao gồm yêu cầu phải đeo khẩu trang.

Ngoài ra, hải quân Mỹ còn tiến hành giãn cách vị trí ngồi trong nhà ăn để đảm bảo quy định giãn cách xã hội cũng như đưa chuyên gia lên tàu, bao gồm các nhà vi trùng học và bổ sung thêm nhân viên y tế.

"Những biện pháp này đều phát huy hiệu quả và hiện chúng tôi chưa có ca nhiễm nào trên tàu", Chuẩn Đô đốc George Wikoff, chỉ huy Nhóm tác chiến tàu sân bay số 5 do tàu USS Ronald Reagan dẫn đầu trả lời phỏng vấn qua điện thoại hôm 8/7 từ Biển Đông với CNN.

Số lượng thủy thủ và phi công trên hai tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan tham gia cuộc tập trận ở Biển Đông là hơn 12.000 người. Đây là lần đầu tiên hai tàu sân bay khổng lồ của hải quân Mỹ tập trận trên vùng biển chiến lược trong 6 năm qua.

Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 diễn biến theo chiều hướng xấu ở đảo Okinawa có thể kéo tụt những nỗ lực gây dựng lại sức mạnh quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Điển hình là căn cứ không quân Kadena, nơi được xem là sức mạnh chủ chốt của Mỹ ở Thái Bình Dương với gần 18.000 quân nhân. Ngoài ra, căn cứ Kadena còn là nơi đồn trú của dàn chiến đấu cơ của không quân Mỹ, các máy bay trinh sát của hải quân Mỹ và là trung tâm cho mọi hoạt động di chuyển của máy bay Mỹ trong khu vực bao gồm các chuyến bay trên Biển Đông.

Minh Thu (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/the-gioi/suc-manh-quan-doi-my-lai-chong-chenh-vi-covid-19-258443.html