Sức mạnh mới trong cạnh tranh

Trong dịp kỷ niệm 40 năm thành lập đặc khu kinh tế Thẩm Quyến, Chính phủ Trung Quốc lại đưa ra một 'gói quà' là dành quyền tự trị để thành phố này có thể tự quyết định hàng loạt chính sách.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Tất cả nhằm dành cho thành phố này vai trò lớn trong cuộc cạnh tranh kinh tế và công nghệ với Mỹ.

Tham vọng đó thể hiện rõ trong bài phát biểu dài 50 phút ngày 14/10 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập đặc khu Thẩm Quyến. Ông cam kết tiếp tục chính sách cải cách mở cửa như một chiến lược nhằm dành lợi thế kinh tế.

“Chúng ta phải thực hiện một chiến lược phát triển dựa trên đổi mới để thúc đẩy các động cơ mới và xu hướng mới, để xây dựng một nền tảng đổi mới công nghệ và công nghiệp có ảnh hưởng toàn cầu” - ông Tập nói. Ông không đề cập đến những xung đột với Mỹ gần đây, mà chỉ nhắc tới “những thách thức chưa từng có” từ nước ngoài.

Bài phát biểu của ông Tập thể hiện sự ủng hộ quan trọng với các công ty và các nhà lãnh đạo ở Thẩm Quyến, hay còn gọi là Vùng Vịnh Lớn. Ông kêu gọi phát triển nhanh hơn các vùng đặc khu kinh tế.

Ông nói, thành phố này cần được trao quyền tự trị nhiều hơn để cải cách, từ sử dụng đất tới thuê chuyên gia nước ngoài, đồng thời phải nỗ lực giải quyết các vấn đề của tăng trưởng nóng. Lợi ích của nhà đầu tư nước ngoài phải được quan tâm hơn.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng thế giới đã bước vào thời kỳ biến đổi hỗn loạn, với sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa song phương do vỡ mộng với chính sách nước Mỹ trên hết của Tổng thống Donald Trump. Do vậy, đổi mới và cải cách tiếp tục là cần thiết.

Những thông điệp của ông Tập được giới phân tích nhìn nhận tích cực ở khía cạnh thu hút các nhà đầu tư, còn trong quan hệ với Mỹ họ có phần thận trọng hơn.

Wang Huiyao, cố vấn Chính phủ Trung Quốc, người sáng lập Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa ở Bắc Kinh, nói với Bloomberg rằng, những cam kết của ông Tập “là sự khẳng định cấp cao về việc tiếp tục mở cửa Trung Quốc và cũng nhấn mạnh rằng thành công của Trung Quốc được xây nên từ Thẩm Quyến, đó là một mô hình lai tạo giữa phương Đông và phương Tây, phần nào vay mượn mô hình phát triển của Hồng Kông.

Trong quan hệ với Mỹ, rõ ràng nhà lãnh đạo Trung Quốc hiểu rất rõ việc Mỹ đang nhằm tới Trung Quốc như một đối thủ chiến lược trong thương mại, công nghệ, địa chính trị và hệ tư tưởng. Thẩm Quyến đã trở thành một trong những thành phố hứng chịu nhiều nhất sự thù địch của Mỹ, do vậy Thẩm Quyến càng phải trở thành một “mũi nhọn” phát triển.

Tại Washington, cả hai đảng của Mỹ đồng lòng ủng hộ nhằm ngăn cản Trung Quốc tiếp cận các công nghệ chiến lược mà họ cần để soán ngôi vị số 1 của Mỹ trong lĩnh vực đổi mới. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã tiến hành hàng loạt biện pháp chống lại các công ty Trung Quốc, còn ông Joe Biden có thể sẽ đối mặt với sức ép phải tiếp tục chiến lược đó nếu ông thắng cử sắp tới.

Fraser Howie, tác giả cuốn “Tư bản đỏ: Nền tảng tài chính mong manh trong sự nổi lên phi thường của Trung Quốc”, nhận xét: “Đây là thời khắc rất khó khăn với Trung Quốc. Họ phụ thuộc lớn vào Mỹ trong mọi thứ và giờ họ không thể dựa vào đó nữa. Đó là một nguy cơ cao với Trung Quốc và ông Tập Cận Bình”.

Song Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc sẽ không bị nhụt chí bởi gió ngược và sóng ngược. Điều đó như một cam kết về sức mạnh không gì cản nổi của nước này và báo hiệu rằng cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung sẽ còn gay cấn, dù là ai đắc cử tổng thống ở Mỹ.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/the-gioi/suc-manh-moi-trong-canh-tranh-I9smvU5GR.html