Sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế

Ngày 12-12-2018, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Hà Nội tổ chức Hội thảo quốc tế 'Sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế'.

Quang cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo có nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan; Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, TS. Đặng Xuân Thanh; Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, ông Michael Croft; đại diện các bộ, ban, ngành, các nhà hoạch định và thực thi chính sách, các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu đến từ các viện nghiên cứu, các trường đại học trong và ngoài nước ở lĩnh vực văn hóa, truyền thông, ngoại giao, cùng các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS, TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Giám đốc Trung tâm Công nghiệp văn hóa, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, nhấn mạnh, thời gian qua, giới nghiên cứu và các nhà hoạch định chính sách nhắc nhiều đến sức mạnh mềm văn hóa như một bộ phận của sức mạnh mềm (soft power) dựa trên học thuyết của Joseph S.Nye (Mỹ). Về cơ bản sức mạnh mềm được hiểu là sức hấp dẫn, thu phục, khả năng ảnh hưởng, lôi cuốn của một quốc gia đối với các quốc gia khác thông qua các phương thức mang tính phi cưỡng chế trong quan hệ quốc tế; trong đó, sức mạnh mềm văn hóa chính là nguồn lực quan trọng có sức hấp dẫn, có khả năng ảnh hưởng, lôi cuốn của một quốc gia đối với các quốc gia khác bằng các giá trị văn hóa, tinh thần, hệ tư tưởng thông qua các hình thức giao lưu văn hóa, các kênh đối ngoại văn hóa, giáo dục, phim ảnh, truyền thông,... Trên thực tế, sức mạnh mềm văn hóa là một hệ thống lý thuyết đã được triển khai tại nhiều quốc gia ở các mức độ khác nhau như một phương thức gia tăng sức hấp dẫn, khả năng lan tỏa, cạnh tranh sức sản xuất, sức lan tỏa của văn hóa ra thế giới, từ đó gia tăng tích cực khả năng hội nhập quốc tế của văn hóa cũng như sức mạnh tổng hợp ảnh hưởng quốc tế và nâng cao vị thế của quốc gia đó trên thế giới.

Việt Nam là một quốc gia có nhiều điều kiện, cơ hội để gia tăng sức mạnh mềm văn hóa như một phương thức hiệu quả nhằm tăng cường sức cạnh tranh và khả năng hội nhập quốc tế của văn hóa. Với lợi thế là một quốc gia có khả năng chủ động tiếp nhận, hấp thu, tiếp biến có chọn lọc những tinh hoa văn hóa từ bên ngoài, việc gia tăng sức mạnh mềm văn hóa còn tạo dựng các điều kiện thuận lợi để Việt Nam thể hiện năng lực chống đỡ, hóa giải được những tác động nguy hại, gây xói mòn các giá trị nền tảng, làm giảm đi bản sắc văn hóa dân tộc và gây tổn hại tới chủ quyền văn hóa quốc gia. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, với một đất nước có truyền thống văn hóa hàng nghìn năm như Việt Nam thì việc phát huy được sức mạnh mềm văn hóa có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc tạo nên động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo nên sức mạnh nội sinh cho dân tộc. Chính vì vậy, Hội thảo được tổ chức nhằm bàn bạc các vấn đề lý luận và thực tiễn có liên quan tới vấn đề phát huy sức mạnh mềm văn hóa, nhằm tìm ra các hướng đi đúng đắn, cơ chế phù hợp để chuyển hóa thành công nguồn lực mềm văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa thông qua 3 giai đoạn (lựa chọn sử dụng các nguồn lực mềm văn hóa phù hợp với mục tiêu phát huy sức mạnh mềm văn hóa; quá trình nhận thức của đối tượng tiếp nhận; tạo ra sức mạnh mềm văn hóa theo cơ chế nhất định).

Với 40 tham luận và 17 ý kiến phát biểu, trao đổi, thảo luận của các học giả trong và ngoài nước, Hội thảo tập trung làm rõ 3 nội dung là:

Thứ nhất, một số vấn đề về cơ sở lý luận và thực thiễn về sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam. Vấn đề lựa chọn và sử dụng nguồn lực mềm văn hóa trên cơ sở những hiểu biết về chúng ở các cấp độ ưu tiên khác nhau tùy thuộc vào tình hình thực tiễn (bản sắc văn hóa, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể,…) để thực hiện mục tiêu cụ thể và mục tiêu dài hạn phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam.

Thứ hai, kinh nghiệm quốc tế trong việc áp dụng các kênh tác động phù hợp nhằm tạo nên sự chuyển hóa nguồn lực mềm văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa của Việt Nam (truyền thông, ngoại giao văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa, các tiến bộ khoa học - công nghệ…)

Thứ ba, vấn đề lựa chọn và xây dựng trọng điểm thương hiệu sức mạnh mềm văn hóa, thương hiệu quốc gia, thương hiệu thành phố (có thể lựa chọn Hà Nội - thủ đô, thành phố sáng tạo trong bản đồ thương hiệu thành phố sáng tạo ở khu vực) và các giải pháp để xây dựng thành công thương hiệu thành phố sáng tạo mang sức hấp dẫn, lôi cuốn và thuyết phục trên bản đồ sức mạnh mềm văn hóa./.

Tin, ảnh: Đinh Giang

Nguồn Tạp chí cộng sản: http://www.tapchicongsan.org.vn/home/thoi_su/2018/53463/suc-manh-mem-van-hoa-viet-nam-trong-boi-canh-toan-cau.aspx