Sức mạnh mềm K-pop nâng vị thế quốc gia

Hàn Quốc đương đầu và vượt qua bão dịch Covid-19 không chỉ bằng những con số bệnh nhân đơn thuần.

 Các thành viên BTS trình diễn “Dynamite” trong lễ trao giải MTV. Ảnh: AP.

Các thành viên BTS trình diễn “Dynamite” trong lễ trao giải MTV. Ảnh: AP.

K-pop, sức mạnh mềm của nước này vẫn làm mưa làm gió giữa thời điểm khó khăn xứng đáng với nhận xét đã giúp “nâng vị thế quốc gia”, vừa bằng giá trị văn hóa, vừa là những thành tích kinh tế kinh ngạc.

Tháng 6/2013, ban nhạc 7 thành viên nam phát hành album đầu tiên “No More Dream” - Không mơ ước nữa dù chưa mấy thành công nhưng cũng vọt lên vị trí 84 trong bảng xếp hạng âm nhạc Gaon do chính phủ tài trợ.

Chỉ 6 năm sau, BTS đi vào lịch sử âm nhạc thế giới khi trở thành nhóm nhạc thứ ba trên thế giới trong vòng 50 năm có được 3 album xếp đầu bảng xếp hạng Billboard 200 trong vòng 12 tháng.

Còn mới đây thôi, đĩa nhạc đơn “Dynamite” giữ ngôi vị quán quân của thể loại cũng do Billboard xếp hạng. Ngôi vị số 1 quả khó có ca sĩ hay ban nhạc Hàn Quốc tiệm cận được đến thời điểm này.

Còn những con số khác củng cố vị thế này của BTS. Thành công giữa mùa dịch Covid-19 được chính cơ quan của chính phủ Hàn Quốc công nhận, không chỉ củng cố niềm tự hào cho quốc gia này về văn hóa mà còn về mô hình phát triển hài hòa.

Một dự án thống kê của chính phủ về kinh tế cho thấy, nhờ đĩa đơn“Dynamite”, BTS đạt doanh thu 1.700 tỷ won, tức khoảng 1,43 tỷ USD. Nó còn tạo thêm gần 8.000 việc làm mới cho xã hội. Thật đáng nể!

Ngược thời gian chút nữa, năm 2019, chuỗi 3 buổi hòa nhạc cùng tên “Love Yourself” - Yêu lấy bản thân thu hút 130.000 người đến xem và đóng góp cho nền kinh tế 1 tỷ USD.

Đại dịch đã nhấn cú phanh mạnh mẽ đối với các chuyến lưu diễn, tụ hội của người hâm mộ. Nhưng sự chuyển đổi mau lẹ sang nền tảng số không cản được sự lan tỏa của Hallyu - Làn sóng Hàn, cũng là sức mạnh mềm của nước này.

Hồi tháng 5, SM Entertainment, một trong ba hãng giải trí lớn nhất Hàn Quốc đã hợp nhất với hãng viên thông SK về mảng giải trí trực tuyến, đưa văn hóa Hàn đến từng gia đình mạnh mẽ hơn nữa.

“Covid-19 hóa ra lại mở nhiều cơ hội mới cho Hallyu, sự phát triển cũng đáng nể”, nhà phê bình âm nhạc Kim Hun-sik ở Seoul thừa nhận. Sử dụng kỹ xảo 3D kết hợp thực tế, các sản phẩm âm nhạc Hàn Quốc vẫn đạt đến độ nhuần nhuyễn vượt qua trở ngại giãn cách xã hội. KCON - lễ hội âm nhạc vốn được lập ra năm 2012 để công phá thị trường Mỹ, năm nay đã thiết kế chương trình kết hợp ảo - thực tế quy tụ 33 nghệ sĩ hàng đầu K-pop đạt được lượng xem 4 triệu người trong 7 ngày.

Tiếp nối thành công, tháng 10 tới người hâm mộ ở Mỹ sẽ lại được thưởng thức KCON trong 10 ngày liền. Đó là chỉ dấu tăng trưởng không thể chối cãi.

“Một năm khó khăn cho lĩnh vực giải trí, nhưng nhờ các ý tưởng mới và sự sáng tạo không ngừng để kết nối người hâm mộ với nghệ sĩ tương tác qua môi trường áo đã giúp K-pop nối tiếp thành công”, John Han - Trưởng dự án CJ ENM là công ty quản lý KCON đánh giá.

Bộ Tài chính Hàn Quốc có lẽ đã nhìn ra cơ hội kép giữa văn hóa - kinh tế nên đã quyết định đầu tư 585 triệu USD trong năm tài khóa tới để phát triển Hallyu, tăng tới 43% so với năm 2020.

Bên cạnh âm nhạc, điện ảnh Hàn Quốc cũng mở rộng thị trường nhờ dịch Covid-19. Cơ quan phụ trách vấn đề Hallyu tổ chức điều tra tại Indonesia nhận thấy mức tăng trưởng 73% người xem phim Hàn Quốc từ tháng 3 đến nay. Tỷ lệ người xem trực tuyến tại Ấn Độ cũng tăng.

“Trước dịch, phim Hàn thường được chiếu xong trong nước mới đem đi xuất khẩu, Nay nhờ có nền tảng mạng, đặc biệt Netflix, ngày càng có nhiều phim hoặc được phát hành đồng thời toàn thế giới, hoặc thị trường trong nước chỉ sớm hơn vài ngày”, Kim Hun-sik - nhà phê bình K-pop nói.

Đức Huy

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/suc-manh-mem-nang-vi-the-quoc-gia-d272972.html