Sức mạnh lòng dân

Thời gian tham gia đội võ trang tuyên truyền, bà Hoàng Thị Khánh, Trưởng Ban Liên lạc cựu tù chính trị - tù binh TP HCM, càng thấm thía sức mạnh của lòng dân

Là nhân chứng trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân, bà Hoàng Thị Khánh đã trải qua những thời khắc sinh tử nhưng đều vượt qua nhờ sự che chở, đùm bọc của dân. Nói như lời bà: "Không có dân là mình làm không được".

Đặc biệt, trong thời gian tham gia đội võ trang tuyên truyền, bà Khánh càng thấm thía sức mạnh của lòng dân, càng hiểu được thế nào là dựa vào dân để đánh giặc. Bà nhớ có lần đội được giao nhiệm vụ diệt một tên ác ôn, khét tiếng khu Bảy Hiền. Bà Khánh cùng 2 đồng đội nữ khác nhận nhiệm vụ khó nhằn nhưng không hề nao núng. Để lên phương án tiêu diệt, đội bà Khánh xin vào làm thợ dệt trong khu Bảy Hiền, vừa học dệt vừa điều tra, nghiên cứu đường đi nước bước của tên ác ôn, lên phương án tiêu diệt và tẩu thoát.

Bà Khánh nói đây là một nhiệm vụ rất nguy hiểm, để tiêu diệt được tên ác ôn không phải là dễ vì lúc nào hắn cũng có lính đi theo. Hơn nữa, nếu tiêu diệt được thì khả năng thoát thân là rất nhỏ. Thế nhưng, nhờ sự giúp đỡ và che chở của người dân Bảy Hiền, bà Khánh cùng đồng đội đã hoàn thành nhiệm vụ, thoát thân an toàn mà không bị địch bắt. "Nếu không có quần chúng nhân dân, chúng ta khó mà làm được gì" - bà Khánh đúc kết.

Khi nhắc về cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, bà Trương Mỹ Lệ - cựu biệt động thành, nguyên quyền Bí thư Thành Đoàn TP HCM - cũng không quên những ngày tháng mình và đồng đội được người dân cưu mang, che giấu giữa lòng địch để hoạt động cách mạng.

Cuối năm 1967, sau những ngày tháng chịu đòn roi tra tấn dã man nhưng vẫn nhất quyết không khai, bà Lệ được địch thả. Đây là lần thứ 2 bà ra tù. Ra tù, bà Lệ tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng, lúc này bí danh của bà là Tư Liêm.

Bà Trương Mỹ Lệ vẫn nhớ như in, đó là vào khuya mùng 1, rạng sáng mùng 2 Tết Mậu Thân, bà theo xe đò từ Sài Gòn - Gia Định để rút về hoạt động ở Bến Tre, lúc này cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 đã nổ ra những phát súng đầu tiên. Khi xe tới khu vực Phú Lâm thì bị địch chặn lại và buộc tất cả phải quay ngược trở về trung tâm thành phố.

Lúc này, bà Lệ mất liên lạc hoàn toàn với tổ chức. Bà đành phải đến xin ẩn nấp ở nhà vợ chồng ông Phạm Đăng Hưng và bà Tôn Nữ Thị Diệu Tiên ở đường Bùi Chu (nay là đường Tôn Thất Tùng, quận 1, TP HCM), là bạn của ba mẹ bà, cho đến khi kết thúc giai đoạn 1 của cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. "Lúc ấy gia đình chú Hưng mà không giúp thì chắc chắn tôi sẽ bị địch bắt. Nếu bị bắt vào thời điểm đó thì tôi khó mà sống sót quay trở về được. Vì tôi đã bị địch bắt 2 lần, thông tin của tôi cũng đã bị lộ ở bên trong các nhà tù của địch" - bà Lệ nhớ lại.

PHAN ANH - LÊ VĨNH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/suc-manh-long-dan-20230117195003232.htm