Sức mạnh hạm đội tàu ngầm hạt nhân Mỹ

Dàn tàu ngầm hạt nhân là một bộ phận quan trọng tạo nên sức mạnh của lực lượng hạt nhân chiến lược Mỹ.

Hơn 50% trong tổng số 1.744 vũ khí hạt nhân của Mỹ đang được lắp đặt trên các tàu ngầm tên lửa. Đây là các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo, chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) lớp Ohio do công ty General Dynamics Electric Boat sản xuất.

Được chế tạo trong giai đoạn 1976 – 1997 và đưa vào hoạt động trong suốt những năm 1980 và 1990, 14 chiếc SSBN lớp Ohio của Hải quân là toàn bộ thành phần trên biển trong lực lượng răn đe hạt nhân của Mỹ. Mỗi chiếc SSBN được trang bị tới 24 tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) Trident II, với mỗi tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân sử dụng công nghệ đa đầu đạn phân hướng tấn công nhiều mục tiêu độc lập (MIRV).

Những MIRV này mang đầu đạn hạt nhân có sức công phá từ 5 – 7 kiloton (tương đương 5 – 7 tấn thuốc nổ TNT) đến 475 kiloton, đủ để san phẳng một khu vực đô thị lớn.

Mỗi tên lửa Trident mang từ 1 - 14 đầu đạn, đồng nghĩa, một tàu ngầm lớp Ohio có thể chứa tới 336 quả bom hạt nhân, đủ sức tàn phá bất kỳ quốc gia nào trên Trái đất.

Một tàu ngầm lớp Ohio đang được đóng tại xưởng Puget Sound. Ảnh: US Defense News

Một tàu ngầm lớp Ohio đang được đóng tại xưởng Puget Sound. Ảnh: US Defense News

Số lượng tàu ngầm mang tên lửa hành trình

Hải quân Mỹ đang vận hành 4 tàu ngầm mang tên lửa hành trình (SSGN). Đây là các tàu SSBN lớp Ohio được chuyển đổi thành SSGN vào những năm 2000, sử dụng hệ thống phóng thẳng đứng cho phép chúng mang theo hàng chục tên lửa hành trình Tomahawk.

Mỗi ống phóng trong số 22 ống phóng của mỗi tàu ngầm hoán cải chứa tới 7 quả Tomahawk, tức tổng cộng 154 tên lửa hành trình. Trong đó, các tên lửa Tomahawk có thể được trang bị cả đầu đạn thông thường và đầu đạn hạt nhân với sức công phá từ 5 – 150 kiloton.

SSGN cũng có thể chuyên chở các quân nhân tham gia những sứ mệnh đặc biệt, bí mật ở các bờ biển xa.

Tàu ngầm tấn công hạt nhân USS Tucson của Hải quân Mỹ. Ảnh: Reuters

Dàn tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân

Theo Sputnik, Mỹ hiện sở hữu hơn 50 tàu ngầm tấn công nhanh, đều vận hành nhờ các lò phản ứng hạt nhân. Chúng bao gồm 29 tàu ngầm lớp Los Angeles, chế tạo từ đầu những năm 1970 - 1996, được trang bị ngư lôi Mk 48, tên lửa chống hạm Harpoon và tên lửa tấn công mặt đất Tomahawk; 22 tàu ngầm lớp Virginia mới hơn, bắt đầu biên chế hoạt động giữa những năm 2000 và 3 tàu thuộc lớp Seawolf, trị giá 3 tỷ USD cũng được trang bị cùng loại vũ khí.

Kế hoạch phát triển

Bộ Quốc phòng Mỹ được phân bổ gần 100 triệu USD trong ngân sách năm 2022 cho việc nghiên cứu – phát triển tàu ngầm tấn công hạt nhân thế hệ tiếp theo. Lầu Năm Góc đã yêu cầu bổ sung 237 triệu USD cho chương trình SSN(X) này trong năm tài khóa 2023.

Cho đến nay, nhà chức trách rất kín tiếng về hình dáng hoặc các tính năng của tàu ngầm mới, ngoại trừ hứa hẹn nó sẽ cải thiện tốc độ và các đặc tính tàng hình, “đồng thời mang theo một kho vũ khí lớn hơn cùng tải trọng đa dạng” so với các tàu ngầm trước đó.

Việc đóng các tàu thuộc dự án SSN(X) dự kiến bắt đầu vào đầu những năm 2030, với những chiếc đầu tiên sẽ đi vào hoạt động trong năm 2043.

Với các tàu ngầm mang tên lửa, việc chế tạo lớp Columbia thay thế lớp Ohio đã được xúc tiến. Mỗi tàu ngầm mới trị giá 9,15 tỷ USD, mang theo 16 tên lửa Trident II sẽ bắt đầu thay thế các tàu lớp Ohio vào cuối những năm 2020.

Mỹ dự kiến sẽ trang bị tổng cộng 12 tàu ngầm lớp Columbia cho lực lượng hải quân nước này.

Tuấn Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/suc-manh-ham-doi-tau-ngam-hat-nhan-my-2092590.html