Sức mạnh ghê gớm của Không quân Israel khiến Syria, Iran 'ngán'

Thực tế, không hẳn Syria, Iran mà cả khu vực Trung Đông phải 'ngán, sợ' sức mạnh ghê gớm của Không quân Israel.

Không quân Israel được coi là một trong những lực lượng chiến đấu trên không hiện đại nhất khu vực Trung Đông và cũng là lực lượng thiện chiến nhất với nhiều chiến công danh giá kể từ khi được thành lập vào ngày 28/5/1948.

Thật vậy, ngay từ những ngày đầu thành lập, Không quân Israel "non trẻ, lạc hậu" đã tham chiến đấu và gây thiệt hại ngay lập tức cho Quân đội Ai Cập. Những chiến tích xuất sắc của Không lực Israel tiếp tục kéo dài trong những cuộc chiến tranh sau đó. Ví dụ như trong cuộc chiến 6 ngày 1967, Không quân Israel đã hủy diệt 452 máy bay của liên minh Ả Rập, giành 49 chiến thắng trên không; chiến tranh Yom Kippur 1973, họ đã không chiến tiêu diệt đến 172 máy bay Ai Cập... Nói chung, hiện nay nếu nói về kinh nghiệm chiến đấu thì không có quốc gia Ả Rập nào đối chọi được với không quân Israel.

Không quân Israel hiện nay được biến chế tổng cộng 684 máy bay các loại, tổ chức thành 5 không đoàn, 6 căn cứ không quân biên chế hàng chục liên đội hàng không...

Không quân tiêm kích Israel chỉ có 2 loại máy bay chiến đấu nhưng đều rất hiện đại, vượt trội nhiều mẫu máy bay chiến đấu của Iran và Syria. Trong đó, chiếm số lượng lớn nhất là các máy bay tiêm kích đa nhiệm F-16 với tổng cộng 343 chiếc gồm ba phiên bản chính: F-16A/B Netz; F-16C/D Barak-2020 và F-16I Sufa.

Các máy bay F-16 bắt đầu trang bị cho Không quân Israel từ những năm 1980, giành chiến thắng đầu tiên bắn hạ chiếc trực thăng Mi-8 của Syria vào ngày 28/4/1981. Tổng cộng, F-16 của Israel đã giành được 44 chiến thắng trên không trong các cuộc xung đột...

F-16I Sufa là phiên bản tiêm kích F-16 hiện đại nhất của Không quân Israel - đây vốn là phiên bản nâng cấp của mẫu F-16D Block 52 với hai chỗ ngồi. F-16I trang bị 50% hệ thống điện tử hàng không do Israel chế tạo, có khả năng triển khai tên lửa không đối không Python 5, sử dụng radar AN/APG-68(V)9, bổ sung thêm hai thùng nhiên liệu hòa nhập khí động học CFT tăng tầm bay.

Loại máy bay còn lại là các tiêm kích chiếm ưu thế trên không F-15A/B/C/D Bar (khoảng 58 chiếc) và tiêm kích đa năng hạng nặng F-15I Ra'am (25 chiếc).

F-15 bắt đầu đưa vào phục vụ trong Không quân Israel cuối những năm 1970 với chiến công đầu tiên lập được vào ngày 27/7/1979 bởi phi công Ace Moshe Melnik bắn hạ chiếc tiêm kích MiG-21 của Syria. Trong giai đoạn 1979-1981, tiêm kích F-15A của Không quân Israel đã bắn hạ 13 MiG-21 và hai MiG-25 của Syria. Cuộc chiến Lebanon 1982, F-15 Israel bắn hạ 41 máy bay Syria (gồm 23 MiG-21, 17 MiG-23 và một trực thăng).

Trong số 5 phiên bản F-15 thì F-15I Ra'am là mẫu hiện đại nhất, đây là phiên bản cải tiến trên cơ sở mẫu F-15E Strike Eagle với tính năng tác chiến đa nhiệm. Nó được trang bị nhiều thành phần hệ thống điện tử của Israel sản xuất, lắp đặt radar AN/APG-70I có thể phát hiện mục tiêu máy bay dân dụng cách 280km, máy bay tiêm kích cách 104km; hệ thống tác chiến điện tử chuẩn Israel...

Lực lượng không quân trực thăng của Israel có trong trang bị khoảng 120-130 máy bay các loại do Mỹ và Pháp sản xuất. Trong đó, đóng vai trò chủ lực là các trực thăng đa năng S-70A Yanshuf.

Lực lượng trực thăng tấn công có AH-64A Peten (27 chiếc) và 64D Saraph (18 chiếc). Thế cũng là đủ để yểm trợ cho lục quân Israel trong các chiến dịch trên bộ, dòng AH-64 đương nhiên vượt xa những mẫu Mi-24/25 lỗi thời của Syria hay Iran.

Không quân vận tải biên chế khoảng 70 chiếc máy bay hầu hết do Mỹ cung cấp. Các máy bay này ngoài vai trò không vận còn có các phiên bản làm nhiệm vụ tiếp nhiên liệu trên không, chữa cháy rừng, tác chiến điện tử, tuần tra hải quân...

Nòng cốt lực lượng vận tải chủ yếu là 18 chiếc máy bay hạng trung C-130E/H và C-130J-30.

Không quân Israel chỉ có trong tay 7-9 máy bay tiếp nhiên liệu trên không Boeing KC-707 Saknai.

Lực lượng máy bay cảnh báo sớm chỉ có 2 chiếc Eitam CAEW do Israel phát triển sử dụng khung gầm máy bay thương mại Gulfstream G550. Loại máy bay này sử dụng hệ thống radar EL/W-2085 với cách bố trí đặc biệt, dọc bên thân thay vì trên lưng máy bay.

Lực lượng Không quân Israel tương lai sẽ mạnh hơn nữa khi họ đã mua thêm 33 chiếc tiêm kích tàng hình F-35I và đang thỏa thuận cũng như có kế hoạch trang bị thêm 2 máy bay tiếp dầu KC-46, 6 máy bay V-22 Osprey, 8 trực thăng săn ngầm SH-60 Seahawk và 16 trực thăng vận tải, huấn luyện CH-53K, AW119...

Hoàng Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/vu-khi/suc-manh-ghe-gom-cua-khong-quan-israel-khien-syria-iran-ngan-742257.html