Sức mạnh động đất Indonesia vượt ngoài sức tưởng tượng cùa giới khoa học

Trận động đất-sóng thần tại thành phố Palu, Indonesia cuối tuần qua thực sự vượt ngoài sức tưởng tượng của các nhà khoa học.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đau lòng khi tận mắt chứng kiến cảnh hiện trường đổ nát vì động đất

Tính đến sáng 1/10, theo cập nhật mới nhất từ hãng tin Telegraph, số người thiệt mạng vì động đất-sóng thần tại Palu lên đến con số 844, tàn phá cơ sở hạ tầng, nhà cửa tại thành phố Palu.

Chứng kiến hậu quả đó, rất nhiều nhà khoa học trên thế giới đã ngạc nhiên vì một trận động đất mạnh 7,5 độ richter như thảm họa này thường không gây ra sóng thần cao tới 6 mét với mức độ tàn phá ghê gớm đến vậy.

Ông Jason Patton, nhà địa vật lý làm việc cho công ty tư vấn Temblor, giảng viên tại Đại học Humbodlt, California nói: “Chúng tôi đã dự đoán động đất có thể gây ra sóng thần, nhưng không đến mức lớn như vậy”.

Các chuyên gia phân tích, thông thường, sóng thần mạnh như vậy là kết quả của một trận siêu động đất, khi các lớp vỏ Trái đất biến dạng, di chuyển dọc theo một đứt gãy.

Nó bất ngờ chiếm chỗ của một lượng nước lớn, tạo ra sóng có thể di chuyển với tốc độ cao trên khắp lòng chảo đại dương và phá hủy cấu tạo nguyên bản trái đất trên quy mô hàng nghìn dặm.

Nhưng tình trạng đứt gãy gây động đất mạnh cuối tuần qua được gọi là đứt gãy trượt ngang, trong đó, chuyển động của Trái đất gần như theo chiều ngang và theo thông lệ sẽ không tạo ra sóng thần. Song, trong một số hoàn cảnh thì nó hoàn toàn có thể - Tiến sĩ Patton chia sẻ.

Khả năng khác có thể do sóng thần được tạo ra một cách gián tiếp. Sự rung lắc mạnh của động đất gây ra sạt lở ngầm dưới biển, chiếm chỗ của nước và tạo ra sóng thần. Thực tế cho thấy những sự cố như vậy không phải là hiếm.

Dù nguồn gốc sinh ra sóng thần thế nào đã rõ nhưng không ai dự đoán nó thể tạo ra một thảm họa tầm cỡ đại dương như vậy. Sóng thần nổi lên quá gần Palu nên rất ít có thời gian cho mọi người sơ tán.

Janine Krippner, chuyên gia nghiên cứu núi lửa tại Đại học Concord cũng thừa nhận, vẫn còn nhiều điểm chưa thể giải thích xung quanh thảm họa này.

Mặt khác, theo các chuyên gia về sóng thần, con số thương vong về người cao phản ánh việc Indonesia thiếu hệ thống tiên tiến để phát hiện và cảnh báo. Hơn nữa, Indonesia hiện chỉ sử dụng địa chấn kế, hệ thống định vị toàn cầu và máy đo thủy triều để phát hiện sóng thần nên hiệu quả khá hạn chế - cô Louise Comfort, giáo sư tại Đại học Pittsburgh nhận định và nói thêm: “Đối với tôi, đây là thảm họa đối với khoa học”.

Đáng lẽ, tin nhắn phải được gửi tới người dân tại Palu để cảnh báo khả năng xảy ra sóng thần nhưng nó lại không hoạt động như dự kiến bởi vì hệ thống liên lạc đã bị sập ngay sau khi xảy ra động đất.

Trang Trần (Theo NyTimes)

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/suc-manh-dong-dat-indonesia-vuot-ngoai-suc-tuong-tuong-cua-gioi-khoa-hoc-d273863.html