Sức mạnh dân tộc từ 'Bài ca kết đoàn'

Sáng 8-1, tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò diễn ra lễ khai mạc trưng bày chuyên đề 'Bài ca kết đoàn'. Đây là sự kiện thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2021).

Cắt băng khai mạc trưng bày chuyên đề "Bài ca kết đoàn".

Trưng bày được tổ chức thành 2 phần nội dung: Dấu ấn nơi miền quê và Dưới cờ Đảng vẻ vang.

Trong đó, nội dung Dấu ấn nơi miền quê kể câu chuyện về những chiến sĩ quyết đi theo con đường cách mạng, kiên cường đấu tranh để góp phần giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Đó là miền quê vang mãi bài ca Tháng Tám Đông Mỹ (huyện Thanh Trì, Hà Nội); xã Nghĩa Trụ (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) - Tỏa sáng bản hùng ca; xã Địch Lễ, huyện Mỹ Lộc (nay là xã Nam Vân, thành phố Nam Định) - quê hương của những nhà chiến lược tài ba; xã Võ Liệt (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) - quê hương của những người con ưu tú.

Phần nội dung thứ hai - Dưới cờ Đảng vẻ vang - khái quát lại chặng đường dân tộc Việt Nam cùng chung sức, đồng lòng vượt qua những chặng đường khó khăn sau chiến tranh, để xây dựng nước "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn". Trong đó, mỗi kỳ Đại hội Đảng đánh dấu mốc lịch sử quan trọng: "Đại hội sẽ làm cho Đảng ta đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa, tư tưởng và hành động đã nhất trí, càng nhất trí hơn nữa" (Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Đặc biệt, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra vào thời điểm đất nước trải qua hành trình 35 năm đổi mới (kể từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, tháng 12-1986), là dấu mốc có ý nghĩa định hướng tương lai, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục đi lên, xây dựng đất nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Du khách tham quan trưng bày chuyên đề "Bài ca kết đoàn"

Trong không gian trưng bày "Bài ca Kết đoàn", công chúng và du khách được sống lại không khí buổi dạ hội của nhân dân Hà Nội chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III tại Công viên Bách Thảo 55 năm về trước. Khoảnh khắc Bác đứng trên bục chỉ huy, bắt nhịp "Bài ca kết đoàn" được nhiếp ảnh gia Lâm Hồng Long chụp lại, sau này đã trở thành một trong những biểu tượng của tinh thần đoàn kết toàn dân tộc.

Miên Hạo

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/988168/suc-manh-dan-toc-tu-bai-ca-ket-doan