Sức mạnh của trực giác

Albert Einstein từng nói: 'Tôi tin vào trực giác và cảm hứng. Tri thức đóng vai trò thứ yếu trên con đường khám phá. Có một bước nhảy vọt trong ý thức, được gọi là trực giác'.

Steve Jobs

Steve Jobs

Trong bài phát biểu tại Trường Đại học Stanford năm 2005, Steve Jobs cho biết: Trực giác đã giúp ông đưa ra nhiều sự lựa chọn đúng đắn trong cuộc đời. Ông kể: Trong quãng thời gian lang thang khắp Ấn Độ vào những năm 70 của thế kỷ 20 nhằm tìm kiếm một "hướng đạo tinh thần" trước khi sáng lập Apple, ông dần nhận ra sự khác biệt trong cách tư duy và hành động của người Ấn Độ. Những người dân sống ở nông thôn Ấn Độ không sử dụng trí tuệ, thay vào đó, họ sử dụng trực giác.

"Trực giác là một thứ vô cùng mạnh mẽ, thậm chí mạnh mẽ hơn cả trí tuệ. Nó đã ảnh hưởng rất lớn tới sự nghiệp của tôi" - Jobs nói.

Làm thế nào để nuôi dưỡng trực giác, đặc biệt với doanh nhân- người quyết định số phận của doanh nghiệp và của chính mình? Các nhà khoa học đưa ra lời khuyên: Hãy lắng nghe tiếng gọi của bản thân. Khi cảm giác về một điều gì đó đến một cách mãnh liệt, đừng phớt lờ nó, hãy lắng nghe và đưa ra phán đoán, quyết định kịp thời! Rèn luyện chuyên tâm thông qua thiền để lắng nghe bản thân, thấu hiểu nội tâm, hiểu rõ suy nghĩ của chính mình, khai phá được tư tưởng lẫn sức mạnh nội tại!

Quan trọng nhất, hãy rèn luyện trực giác thông qua việc quan sát, học hỏi và trải nghiệm hàng ngày! Trong kinh doanh, các doanh nhân giỏi luôn quan sát, học hỏi, lưu giữ được các mô thức lặp đi lặp lại ở nhiều quy mô khác nhau. Do vậy, khi những vấn đề tương tự phát sinh, họ ngay lập tức đưa ra được một phương án giải quyết tối ưu, hiệu quả nhất.

Trực giác không phải là tâm linh, vô căn cứ. Trực giác nhạy bén của doanh nhân phải do nuôi dưỡng, trải nghiệm mà thành.

Minh Hạnh

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/suc-manh-cua-truc-giac-107973.html