Sức mạnh của sự dịu dàng

Có ai bán cái dịu dàng/ Anh mua một gánh tặng nàng làm duyên.Câu thơ này đọc lên sẽ khiến đa phần đàn ông gật gù. Thế dịu dàng có sức mạnh gì mà nó làm xiêu lòng cánh mày râu đến thế?

Khu tập thể nơi tôi ở có một gia đình vừa chuyển đến. Người phụ nữ mới xuất hiện không sắc nước hương trời nhưng được cái tươi tắn ưa nhìn, trong giao tiếp, lời ăn tiếng nói đoan trang, chừng mực. Hàng xóm láng giềng và cả những người bán hàng ở chợ cóc trong khu đều có cái nhìn thiện cảm với chị.

Gọi là khu tập thể, thực ra đó là cách gọi lâu rồi, khi nó được xây với mục đích phân cho các gia đình cùng công tác trong một cơ quan nhà nước. Sau này, khi chuyển giao quỹ nhà đất cho cơ quan tài nguyên môi trường quản lý, các hộ gia đình được phép nhượng quyền sở hữu, sang tên đổi chủ, khu tập thể giờ chỉ là một khu chung cư, vì thế thành phần các hộ gia đình cũng đa dạng và không “thuần” như trước nữa.

Đối diện lối lên cầu thang chung, có một chiếc xe ba bánh của một người đàn ông bị khuyết hai chân luôn “xí chỗ”, mặc dù khoảng trống trước nhà ông khá rộng. Người đàn ông này không bao giờ tiết lộ lai lịch bản thân. Ông dậy từ rất sớm, ngày ngày thường xuyên ngồi trên xe, gương mặt lầm lì, không trò chuyện với hàng xóm. Trừ vợ con ông, không mấy ai dám đến gần.

Chủ trước của ngôi nhà người phụ nữ vừa chuyển đến là một phụ nữ sống xa chồng. Sau khi bàn giao hoàn tất, mới ghé tai người phụ nữ mới và nói rằng: “Chị đừng vén cái mành treo cửa sổ nhé. Em sợ cái ông kia lắm. Suốt ngày ông ấy ngồi nhìn lên đây”.

Người phụ nữ mới bình thản vén mành nhìn xuống và bắt gặp đúng cảnh tượng ấy. Rất từ tốn, chị kiếm chiếc dây buộc chiếc mành sang một bên để ánh sáng ùa vào.

Mỗi sáng đưa con đi học, từ cầu thang chung cư đi xuống, hình ảnh đầu tiên chị bắt gặp là chiếc xe ba bánh và người đàn ông có bộ mặt dữ tợn, lầm lì. Chị nhìn vào mắt người đàn ông và chào một câu vừa đủ nghe: “Em chào anh ạ!”. Người đàn ông hơi bất ngờ, như một phản xạ, gật gật đầu, môi mấp máy. Chị quay sang nhắc con: “Lần sau con nhớ chào bác ấy nhé!”.

Từ đấy, mỗi buổi sáng, hai mẹ con đều chào bác, người đàn ông cũng cởi mở hơn, mỗi lần gặp hai mẹ con, ông hơi mỉm cười, gương mặt giãn ra một chút, một bên má trái hơi giật giật. Cùng với việc chào hỏi, chị gỡ tấm mành che cửa sổ mà chủ cũ để lại, cất nó vào góc nhà.

Tôi rất ngạc nhiên. Tôi nghĩ, với một tính cách như chị, lẽ ra chị phải sợ sệt, né tránh, đằng này không những không sợ, chị lại còn tươi cười chào hỏi rất tự nhiên, thân tình.

Ít lâu sau, đã có lần chị cùng vợ ông và mấy người hàng xóm đẩy hộ ông chiếc xe ba bánh ra tiệm sửa xe. Người đàn ông ngồi điều khiển tay lái, cười giãn nở khuôn mặt. Ông thừa nhận sự khiếm khuyết yếu đuối của mình bằng việc phụ thuộc vào cánh tay của mấy bà phụ nữ, và ông mở lòng ra đón nhận sự chia sẻ của mọi người. Cũng từ ấy, chiếc xe của ông nhiều khi là chỗ để trẻ con trèo lên nghịch ngợm, mấy bà mẹ trẻ thì dùng làm nơi đút cháo, sữa cho con. Ấy là lúc ông bỏ đôi chân giả, ngồi trong nhà xem ti vi, thi thoảng liếc ra xe tủm tỉm cười. Cảnh ấy thật bình thường ở nhiều nơi, nhưng ở đây, khu chung cư của tôi, lâu rồi mới có.

Chứng kiến câu chuyện của chị, tôi chợt nhớ một câu ngạn ngữ Ba Tư và rất lấy làm tâm đắc: “Bàn tay mềm dịu chỉ cần nắm sợi tóc cũng đủ dắt voi đi”.

VIỆT HẢI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/suc-manh-cua-su-diu-dang-641520