Sức mạnh của đồng thuận

Dư luận Thành phố Hồ Chí Minh không khỏi ngạc nhiên khi có nhiều hộ dân dọc theo trục đường Trường Chinh, Cách mạng Tháng Tám tự nguyện tháo dỡ công trình nhà ở, giải phóng mặt bằng, giúp chính quyền thành phố đẩy nhanh tiến độ dự án tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương.

Hiếm thấy ở đâu mà cùng lúc nhiều hộ gia đình tự nguyện bàn giao mặt bằng mau lẹ như vậy. Đây không chỉ đơn giản là giá cả đền bù giải phóng mặt bằng hợp lý, mà hơn thế là sự đồng thuận cao của nhân dân với chính quyền thành phố.

Một đoạn tuyến metro Bến Thành - Tham Lương.

Một đoạn tuyến metro Bến Thành - Tham Lương.

Lâu nay, khi triển khai thực hiện các dự án, bất kể là loại dự án nào, vấn đề đau đầu nhất đối với chủ đầu tư vẫn là công tác giải phóng mặt bằng. Do triển khai không đồng bộ, thiếu quyết liệt, thậm chí có nhấm nháy tiêu cực nên xảy ra xung đột về lợi ích giữa chủ đầu tư với người dân, giữa các hộ dân với nhau.

Nhằm tăng thêm nhiều lợi nhuận, chủ đầu tư dự án luôn muốn hạ giá đền bù giải phóng mặt bằng xuống đến mức thấp nhất có thể, trong khi người dân không chịu vì giá đền bù quá xa giá thị trường là không thỏa đáng.

Đó là còn chưa kể tới việc do công tác giải phóng mặt bằng triển khai kéo dài từ năm này qua năm khác, giá cả đền bù có sự chênh lệch giữa các hộ dân bàn giao mặt bằng trước và sau nên có sự ganh tị, dẫn đến khiếu kiện, chây ì không chịu di dời bàn giao mặt bằng. Người dân làm sao có thể không so bì, khi mà hộ gia đình chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương chính sách, bàn giao mặt bằng sớm thì được đền bù giá thấp, trong khi người chây ì lại nhận được số tiền đền bù giải phóng mặt bằng cao hơn nhiều?

Cái xảy này cái ung, từ việc bất bình đẳng trong đền bù giải phóng mặt bằng, ở một số nơi diễn ra tình hình căng thẳng, trở thành “điểm nóng” về đất đai tại địa phương. Chẳng phải trong số các đoàn khiếu kiện đông người lũ lượt kéo về Trung ương, hầu hết là có liên quan đến đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng đó sao?

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình từng nhiều lần nhấn mạnh rằng, nguyên nhân chính dẫn đến việc người dân kéo đông người về Hà Nội khiếu kiện lỗi từ chính quyền địa phương.

Lời khẳng định của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình là hoàn toàn có cơ sở, khi mà chính quyền địa phương hoặc là do năng lực yếu không làm tốt công tác dân vận trong khâu đền bù giải phóng mặt bằng, hoặc là có tham nhũng tiêu cực, lợi ích nhóm dẫn tới sự bức xúc của người dân bị thu hồi đất. Khi chưa tạo được sự đồng thuận của nhân dân, hầu hết chính quyền các địa phương lại không tích cực giải quyết, không chịu đối thoại dẫn đến người dân buộc phải kéo dốc về Thủ đô để “đòi lại công lý”.

Nói rông dài như vậy để chứng minh một điều rằng, khi mà cấp ủy, chính quyền, đoàn thể tại các địa phương làm tốt công tác dân vận, tuyên truyền thuyết phục, công khai minh bạch mọi chuyện thì sẽ tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Khi nhân dân đã đồng thuận thì việc dù khó mấy cũng sẽ suôn sẻ, dễ dàng triển khai thực hiện.

Chẳng phải Bác Hồ từng căn dặn “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” đó sao? Lời dạy vàng ngọc đó tại sao lãnh đạo nhiều địa phương không thấm?

Thực tiễn chỉ ra rằng, ở đâu tạo được sự đồng thuận của nhân dân, ở đó công tác giải phóng mặt bằng, triển khai dự án sẽ rất nhanh. Ngược lại, địa phương nào thiếu minh bạch, không coi trọng công tác dân vận, thiếu đi sâu đi sát quần chúng, thì dự án sẽ bị “treo” trong một thời gian dài, thậm chí là hàng chục năm không thể triển khai được.

Không những vậy, còn tạo ra những điểm nóng, tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp, kéo dài. Hệ lụy tất yếu là kinh tế - xã hội sẽ kém phát triển, tụt lùi so với địa phương khác.

Minh chứng sống động nhất cho điều đó là tại nhiều địa phương, không ít người dân tự nguyện hiến đất cho chính quyền thôn, xã, huyện, tỉnh... để mở rộng đường, làm đường mới, mà không tính toán thiệt hơn, không nhận một đồng cắc nào cả.

Người ta vẫn nói, đất là vàng, là tiền, người dân khi hiến đất có tiếc không? Tiếc chứ, song khi có sự đồng thuận với chính quyền, người dân vẫn sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì tập thể. Tất nhiên sẽ không bao giờ là ngẫu nhiên, cũng chẳng bao giờ tự nhiên có sự đồng thuận ấy.

Trở lại câu chuyện hàng loạt hộ dân quận 3, quận Tân Bình (TP HCM), dọc theo trục đường Trường Chinh và Cách mạng Tháng Tám tự nguyện phá dỡ công trình bàn giao mặt bằng cho thành phố.

Có nhiều nguyên nhân, song nối lên mấy nguyên nhân chính, trước hết là chính quyền từ phường, quận, đến thành phố đã làm tốt công tác tuyên truyền thuyết phục, vận động người dân chấp hành chủ trương chính sách.

Thứ nữa là người dân cũng mong chờ dự án metro số 2 sớm được triển khai và đi vào hoạt động, vừa tránh được quy hoạch treo, vừa an cư lạc nghiệp, đảm bảo phát triển nhanh kinh tế - xã hội thành phố. Sau cùng là giá cả đền bù giải phóng mặt bằng tương đối hợp lý, dù còn có sự chênh lệch so với giá thị trường.

Tất cả những điều đó tạo ra sự đồng thuận, hợp thành sức mạnh to lớn để đẩy nhanh tiến độ dự án metro số 2 Bến Thành - Tham Lương, vốn dậm chân tại chỗ lâu nay. Sức mạnh của sự đồng thuận là như thế đó!

Tinh Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/suc-manh-cua-dong-thuan-506067.html