Sức mạnh của công lý

Theo giải trình của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí với Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, việc những vụ án liên quan tới kinh tế, chức vụ, tham nhũng có tỷ lệ trả hồ sơ để điều tra bổ sung chiếm tới 21,5% (178/826 vụ) là do thực hiện biện pháp nghiệp vụ, chứ không phải do các cơ quan tố tụng yếu kém.

Ông Trí so sánh quá trình đấu tranh án kinh tế, chức vụ, tham nhũng như một cuộc “so găng” giữa hai võ sĩ trên võ đài và ai giỏi hơn sẽ thắng, nếu không sẽ đấu đến hết giờ thì thôi.

Để lý giải cho việc có nhiều án kinh tế, chức vụ, tham nhũng bị tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung, Viện trưởng Viện KSND Tối cao cho rằng, những người phạm tội trong trường hợp này là những người có trình độ, có quan hệ, có tiền, có khả năng đối phó, thậm chí còn có những quan hệ tác động khác. Đặc biệt, trong một số trường hợp những người phạm tội tham nhũng, chức vụ lại ở chính trong cơ quan bảo vệ pháp luật nên đã dùng sự hiểu biết pháp luật để che giấu hành vi phạm tội...

Cũng theo lập luận của Viện trưởng Viện KSND Tối cao, trong khi luật pháp yêu cầu vừa phải bảo đảm xử lý nghiêm minh, nhưng cũng phải bảo đảm quyền con người, nên với những người đối phó giỏi thì phải có quá trình đấu tranh, chứ không thể kết thúc ngay được. Việc hồ sơ vụ án phải trả đi trả lại là chuyện đương nhiên, chỉ có không làm thì thôi chứ làm thì còn phải trả. “Hai đối thủ ngang ngửa nhau thì trận đấu kéo dài là chuyện bình thường. Lên võ đài hai võ sĩ ngang nhau thì đánh nhau đến cùng, thậm chí hết giờ thì thôi...” – ông Lê Minh Trí nêu ví dụ.

Trước cách đặt vấn đề của một số thành viên Ủy ban Tư pháp Quốc hội là vì sao một số vụ án phải trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần, ông Trí khẳng định đó là yếu tố kỹ thuật cần thiết, là “động tác” để làm rõ bản chất tội phạm. Thực tế một số vụ án để đưa ra xét xử là phải làm động tác này, động tác trả hồ sơ điều tra bổ sung là kỹ năng nghiệp vụ để giải quyết tiếp. Viện trưởng Viện KSND Tối cao cho rằng, khi xem xét vấn đề thì phải nhìn vào động cơ, mục đích cũng như kết quả cuối cùng, chứ đừng tính mấy lần điều tra bổ sung.

Chốt lại vấn đề, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí nhấn mạnh: Việc trả hồ sơ điều tra bổ sung là hợp pháp và pháp luật không ngăn cấm. Lập tức Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nêu quan điểm phản biện: Việc trả hồ sơ điều tra bổ sung luật pháp cho phép, nhưng không thể trả nhiều lần và trả thoải mái. Tất nhiên rồi, nếu một vụ án mà cứ trả hồ sơ qua lại nhiều lần giữa các cơ quan tố tụng thì biết đến bao giờ mới kết thúc, nếu sau đó nghi phạm được tuyên vô tội thì sẽ phát sinh thêm khá nhiều kinh phí từ ngân sách nhà nước để đền bù oan sai.

Từ rất lâu rồi trong xã hội đã truyền miệng nhau câu nói: Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại. Điều đó có nghĩa khi một ai đó vướng vòng lao lý thì một ngày bị giam giữ sẽ tương đương cả một quãng thời gian dài tự do bên ngoài. Bởi vậy, pháp luật hình sự mới đặt ra quy định cơ quan bảo vệ pháp luật được phép giam giữ nghi can bao lâu, quá trình điều tra có thời hạn thế nào... để đảm bảo các cơ quan tố tụng không “ngâm tôm” một vụ án quá lâu, ảnh hưởng tới quyền công dân, quyền con người của nghi phạm.

Đương nhiên là trong thực tế thì khi đưa một vụ án ra xét xử, nếu xét thấy phát sinh các tình tiết mới cần làm rõ, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm hay làm oan sai người vô tội thì tòa án cần tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung và điều này được pháp luật cho phép. Song, nếu không có sự tiết chế, kiểm soát sẽ dẫn đến hiện trạng cơ quan điều tra, cơ quan tố tụng chạy theo thành tích số lượng, làm ào ào rồi đẩy sang tòa án để rồi lại phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Trên thực tế chẳng phải đã có không ít trường hợp do trả hồ sơ nhiều lần mà có nghi can đã bị tạm giam tới hơn 10 năm đó sao?

Vẫn biết, những người phạm tội trong các vụ án có liên quan đến kinh tế, chức vụ, tham nhũng hầu hết là có trình độ, hiểu biết pháp luật, thậm chí có “anh này, anh kia” chống lưng nên sẽ rất khó để phanh phui ra sự thật. Song, thế mới đòi hỏi sự nhiệt tâm, chuyên môn giỏi của các điều tra viên, kiểm sát viên để đấu tranh, trấn áp tội phạm. Lực lượng bảo vệ pháp luật ngoài trình độ chuyên môn sâu, giỏi nghiệp vụ còn có trong tay sức mạnh của công lý, những kẻ phạm tội dù có giỏi ngụy biện, che giấu hành vi đến đâu cũng vẫn bị yếu thế bởi họ là người vi phạm.

Bởi thế nên không thể so sánh cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng giữa những người bảo vệ pháp luật với những kẻ phạm tội là một cuộc “đấu tay đôi” giữa hai võ sĩ trên võ đài. Cũng không thể lấy lý do những người phạm tội giỏi ngụy trang, giỏi đối phó để lý giải cho việc không thể lôi họ ra trừng trị nghiêm minh trước pháp luật. Cũng không thể có chuyện “đấu” đến “hết giờ” thì thôi, bởi trong cuộc chiến giữa đúng và sai, thiện và ác để bảo vệ công lý thì không thể có chuyện “hòa” nhau được. Nếu vậy há chẳng phải là thỏa hiệp với hành vi vi phạm pháp luật, thỏa hiệp với cái xấu hay sao?!

Lê Anh Đức

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/suc-manh-cua-cong-ly-tintuc414865