Sức mạnh của các phong trào thi đua trong cuộc chiến chống dịch COVID-19

Năm 2020, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, gây ra những hậu quả nặng nề với tất cả các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Trước tình hình trên, các phong trào thi đua phòng, chống dịch COVID-19 được triển khai kịp thời, huy động sức mạnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân nhằm thực hiện quan điểm chỉ đạo xuyên suốt “bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân”.

Ngày 30/7, những người trở về từ Đà Nẵng được lấy mẫu test nhanh COVID-19 tại Trạm y tế phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội. Ảnh: Báo Tin tức/TTXVN

Ngày 30/7, những người trở về từ Đà Nẵng được lấy mẫu test nhanh COVID-19 tại Trạm y tế phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội. Ảnh: Báo Tin tức/TTXVN

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng, ra sức thi đua phấn đấu, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, hướng đến mục tiêu chiến thắng đại dịch COVID-19. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo lực lượng y tế, quân đội, công an và các lực lượng liên quan, khẩn trương vào cuộc, ngày đêm bám trụ ở tuyến đầu, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đội ngũ y, bác sĩ, quân đội, công an không quản ngại ngày đêm, trực tiếp đương đầu với dịch bệnh trong các bệnh viện, khu cách ly tập trung… để chữa trị cho bệnh nhân và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Nhiều chiến sĩ quân đội, cán bộ y tế gác lại việc riêng, “ăn lán, ngủ rừng”, bám địa bàn tiếp tục làm nhiệm vụ. Họ đã trở thành những “lá chắn thép nơi tuyến đầu”, nỗ lực không mệt mỏi vì sức khỏe và sự bình yên của nhân dân.

Với vai trò xung kích, đi đầu, Bộ Y tế phát động Phong trào thi đua đặc biệt “Ngành Y tế chung tay phòng, chống dịch COVID-19” nhằm kêu gọi mỗi cá nhân, tập thể trong ngành Y tế phát huy tinh thần yêu nước, cùng đồng lòng, đoàn kết, thể hiện ý chí của cả hệ thống chính trị trong cuộc chiến đấu và quyết tâm chiến thắng đại dịch.

Đồng hành cùng lực lượng y tế, những người lính bộ đội cụ Hồ làm tốt nhiệm vụ kiểm soát chặt chẽ nguồn bệnh từ bên ngoài, nhất là các sân bay, cửa khẩu, đường mòn, lối mở... Mỗi cán bộ, chiến sỹ nơi tuyến đầu chống dịch đều xác định, đây là nhiệm vụ thiêng liêng, không quản ngại gian khổ mà quyết tâm hoàn thành.

Cùng với đó, phương châm “bốn tại chỗ” đã huy động tính chủ động, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương; hệ thống chính trị cơ sở cùng vào cuộc làm tốt các nhiệm vụ chống “giặc COVID-19”. Các lượng lương chức năng đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để xác định nguy cơ dịch bệnh và thực hiện các biện pháp phòng chống kịp thời.

Điển hình, trong đợt cao điểm chống dịch COVID-19 của Việt Nam tại Đà Nẵng, tháng 7/2020, gần 15 nghìn mô hình “Tổ COVID-19 cộng đồng” tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị… đã trực tiếp tham gia vào công tác phòng chống dịch tại thực địa. Các tổ có nhiệm vụ giám sát và tuyên truyền phòng, chống dịch chủ động tại từng hộ gia đình; là cầu nối công tác phòng, chống dịch của chính quyền, ngành Y tế và nhân dân.

“Các Tổ phòng, chống dịch COVID-19 cộng đồng là sự sáng tạo, độc đáo của Việt Nam trong cuộc chiến mà ít nơi nào trên thế giới làm được. Đây là minh chứng sinh động nhất của việc phòng, chống dịch dựa vào nhân dân, huy động toàn dân tham gia phòng chống dịch”, Phó Giáo sư Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nhấn mạnh.

Cùng với đó, các cơ quan thông tin đại chúng đã thực hiện tốt công tác truyền thông; thông tin công khai, minh bạch, kịp thời tới mọi người dân, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, nâng cao nhận thức và chủ động của nhân dân trong phòng, chống dịch bệnh.

Cùng với các cơ quan báo chí trên cả nước, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) thành lập chuyên trang ncov.vnanet.vn cập nhật công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong nước cũng như tăng cường thông tin về các điểm nóng trên thế giới; tác động của dịch bệnh đối với đời sống kinh tế-xã hội; các sáng kiến mới trong công tác phòng, chống dịch của các nước; đồng thời, phổ biến thông tin trên các trang mạng xã hội để nâng cao ý thức phòng bệnh trong cộng đồng...

Trước tình hình đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, tác động sâu sắc, toàn diện tới mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội của đất nước và các quốc gia trên thế giới, nhằm phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc, sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong cuộc chiến đấu chống đại dịch COVID-19, tháng 3/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch COVID-19.

Thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, sự chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và nhân dân cả nước đồng tâm hiệp lực, tập trung đẩy mạnh các phong trào thi đua, huy động sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vận động các cấp, ngành, địa phương, nhân dân tích cực tham gia phòng, chống dịch. Cả nước đoàn kết, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn, góp phần sớm kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh.

Phong trào “Toàn dân ủng hộ phòng chống dịch bệnh COVID-19”, đã huy động được sự đóng góp, ủng hộ bằng tiền và hiện vật trị giá 2.105 tỷ đồng. Các tổ chức, đoàn thể, cá nhân đã có nhiều sáng kiến, hành động cụ thể, thiết thực, góp phần phòng, chống dịch bệnh. Nhiều tấm gương “người tốt, việc tốt” thể hiện trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng. Từ những cháu bé đến cụ già trên 100 tuổi đã mang những đồng tiền dành dụm được để ủng hộ chống dịch.

Tiêu biểu, Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Quýt (97 tuổi, Thành phố Hồ Chí Minh) tự may khẩu trang để tặng người nghèo; hai chị em Nguyễn Minh Anh (14 tuổi), Nguyễn Minh Quang (4 tuổi) ở Hòa Bình hay cậu bé Lê Minh Tuệ (7 tuổi, Hà Nội) dành toàn bộ tiền tiết kiệm để ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19… Bên cạnh đó, các mô hình “ATM gạo”, “ATM khẩu trang”, “Siêu thị 0 đồng”, “Quầy hàng thực phẩm 0 đồng”, “Chợ nhân đạo”... là những phong trào thiết thực, giúp đỡ cho những người nghèo trong giai đoạn khó khăn.

Nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, đồng bào ta ở nước ngoài và người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam đã tích cực đóng góp nguồn lực tài chính, thời gian, công sức, kinh nghiệm, tinh thần cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Các địa phương, doanh nghiệp nỗ lực duy trì sản xuất kinh doanh, thúc đẩy các hoạt động kinh tế, xã hội. Hàng triệu công nhân, nông dân vẫn miệt mài lao động sản xuất, các doanh nghiệp, hợp tác xã đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc bảo đảm cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ nhân dân. Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, trường học kịp thời đổi mới phương thức làm việc bảo đảm hoạt động bình thường, hiệu quả...

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết đồng lòng của nhân dân cả nước thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp đã đề ra, trong khi đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát dịch bệnh, không để lây lan, bùng phát trong cộng đồng; đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế, hỗ trợ kịp thời nhiều nước trong phòng chống dịch.

Người nghèo ở huyện Đồng Xuân, Phú Yên nhận gạo từ máy "ATM". Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN

Đánh giá cao những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam, Tổ chức Y tế Thế giới, cộng đồng quốc tế nhận định, Việt Nam nằm trong số ít các quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh, có cách làm đúng, kịp thời, hiệu quả, chi phí thấp. Quỹ Tiền tệ Quốc tế đánh giá, thành công của Việt Nam trong phòng, chống đại dịch COVID-19 minh chứng điển hình của một quốc gia đang phát triển có thể chống lại đại dịch, đem đến một bài học ý nghĩa đối với các nước đang phát triển khác.

Thành công bước đầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh thể hiện sự quyết tâm cao, ý chí thống nhất, hành động quyết liệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Trong đó, các phong trào thi đua cụ thể, thiết thực góp phần thể hiện sức mạnh đoàn kết, truyền thống yêu nước, tinh thần tương thân, tương ái của toàn dân tộc. Niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước được củng cố vững chắc; khẳng định tính ưu việt của hệ thống chính trị và bản chất tốt đẹp của chế độ; đồng thời tạo môi trường an toàn để cả nước tập trung phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế, xã hội, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Diệp Trương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/suc-manh-cua-cac-phong-trao-thi-dua-trong-cuoc-chien-chong-dich-covid19-20201209103427258.htm