Sức mạnh công nghệ số trong điều hành

Theo ông Lê Đức Anh - Giám đốc Trung tâm tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương), những năm gần đây, nhiều DN đã áp dụng hình thức kê khai thuế, nộp thuế và hải quan điện tử, mô hình này có nhiều ưu điểm như tiết kiệm thời gian, chi phí và nhân lực...

Tuy nhiên, các quy trình ký văn bản, hợp đồng vẫn theo phương thức thủ công như ký duyệt đóng dấu, lưu trữ. Để khắc phục tình trạng này, Trung tâm Tin học và Công nghệ số đã phối hợp cùng Công ty SME Soft ra mắt Trục điện tử kết nối DN ERP Store.

Ảnh minh họa

Giải pháp Trục điện tử kết nối DN tạo ra một cơ chế liên thông linh hoạt, cho phép DN điện tử hóa một trong những khâu quan trọng nhất trong quá trình hoạt động thương mại là quá trình giao kết hợp đồng, tiến tới việc ứng dụng các chứng từ điện tử trong thương mại một cách rộng rãi trong toàn xã hội giúp cho DN phát huy được sức mạnh của công nghệ số trong hoạt động quản lý điều hành.

Giải pháp này hoạt động dựa trên các tiêu chí: văn bản điện tử có giá trị pháp lý, có tính xác thực và đảm bảo an toàn, môi trường làm việc đa nền tảng, linh hoạt, không phụ thuộc vào thời gian, địa điểm, hỗ trợ tối đa cho người lãnh đạo, quản lý DN, tổ chức, khả năng kết nối, giao kết linh hoạt, kể cả với các DN, tổ chức chưa đăng ký tham gia, vẫn có thể giao tiếp, liên kết được và dễ dàng khởi tạo hợp đồng điện tử.

Các DN chỉ cần mã số thuế và USB token chữ ký số là có thể bắt đầu sử dụng. Mỗi DN sẽ được cấp 4 tài khoản tương ứng với 4 vai trò: người soạn thảo (người sẽ khởi tạo ra các văn bản, hợp đồng), văn thư (người sẽ duyệt văn bản trước khi trình ký; đóng dấu vào văn bản đã ký), giám đốc (người sẽ ký văn bản), quản trị. DN sẽ được miễn phí sử dụng trong hai năm đầu tiên. Sau khi hết giai đoạn miễn phí, DN trả phí hàng tháng với chi phí rất nhỏ so với việc ký hợp đồng bằng giấy như hiện tại.

Ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết: “Hiện nay phần lớn các DN sử dụng các phần mềm văn phòng để sử dụng. Tuy nhiên việc kết nối các DN với nhau vẫn qua phương tiện viễn thông. Trục điện tử kết nối các DN sẽ thay thế việc DN dùng văn bản giấy tờ để mà trao đổi ký kết hợp đồng. Chúng tôi cho rằng đây chính là những tính năng nổi bật và DN có thể tiết kiệm chi phí, tận dụng thời cơ của cuộc cách mạng 4.0 đem lại hiệu quả to lớn cho các DN”.

Đại diện CụcThương mại điện tử và kinh tế số cho biết, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra, việc hiện đại hóa hoạt động quản lý, điều hành của các DN, của các cơ quan quản lý nhà nước là một nội dung quan trọng. Việc xây dựng một hệ sinh thái đầy đủ để phát triển lĩnh vực thương mại điện tử nói riêng và nền kinh tế số nói chung là chủ trương quan trọng mà lãnh đạo Bộ Công thương đã giao cho Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số triển khai.

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1563/QĐ-TTg ngày 8/8/2016 về phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020, với mục tiêu số 1 là phát triển các hạ tầng dành cho thương mại điện tử mà trong đó có việc phát triển hạ tầng an toàn, an ninh cho thương mại điện tử được phát triển với việc thiết lập hệ thống chứng thực điện tử; các cơ chế giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử.

“Đây là nền tảng và căn cứ quan trọng để triển khai một giải pháp trục điện tử kết nối DN, trên nền tảng chứng từ điện tử, cho phép các DN giao kết hợp đồng điện tử trên nền tảng xác thực bởi chữ ký số”, ông Đặng Hoàng Hải cho hay.

Hải Yến

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/suc-manh-cong-nghe-so-trong-dieu-hanh-78806.html