Sức mạnh các lực lượng đổ bộ biển ở châu Á – Thái Bình Dương

Cùng tìm hiểu lực lượng đổ bộ đường biển của một số nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Ấn Độ

Ấn Độ rất chú trọng đến lực lượng hải quân nói chung, lực lượng đổ bộ đường biển (ĐBĐB) nói riêng. Hiện Hải quân Ấn Độ có khoảng 40 tàu đổ bộ các loại, trong đó có 17 tàu đổ bộ hạng nặng gồm cả tàu đổ bộ LPD IND Jalashwa (nguyên là tàu USS Trenton của Mỹ), 7 tàu đổ bộ chở xe tăng LST, 6 chiếc LSM và 6 chiếc LCU.

Tàu LPD IND Jalashwa. Ảnh: Theweek

Tàu LPD IND Jalashwa. Ảnh: Theweek

Tuy nhiên, theo các chuyên gia quân sự Ấn Độ, hiện nay khả năng tác chiến của lực lượng ĐBĐB nước này không cao, do nhiều tàu có trong biên chế đã cũ.

Vì thế, trong những năm tới, Hải quân Ấn Độ sẽ thay thế 13 tàu đổ bộ thế hệ cũ bằng các tàu đổ bộ hiện đại do Mỹ chế tạo, đồng thời tự chế tạo một số tàu đổ bộ hiện đại, dựa trên công nghệ của Mỹ và các nước châu Âu. Ấn Độ cũng chú trọng tiến hành các cuộc diễn tập song phương, đa phương để nâng cao khả năng tác chiến của hải quân nói chung, lực lượng ĐBĐB nói riêng.

Thái Lan

Thái Lan có 45 tàu, xuồng ĐBĐB các loại, trong đó 5 tàu LST, 2 tàu LVTP-7, 2 tàu lớp LCU, 36 xuồng các loại. Gần đây, Thái Lan đã mua 2 tàu đổ bộ lớp LCU và 3 xuồng đổ bộ (Man Nok, Mang Klang và Man Nai) của Mỹ và Singapore đóng.

Trong số 6 tỷ USD ngân sách quốc phòng năm tài khóa 2020, Thái Lan dành khoảng 1 tỷ USD cho mua sắm trang thiết bị của hải quân và tàu, xuồng hiện đại cho lực lượng ĐBĐB.

Thái Lan rất chú trọng tiến hành các cuộc diễn tập song phương, đa phương để nâng cao khả năng tác chiến của hải quân nói chung, lực lượng ĐBĐB nói riêng. Trong đó, chú trọng nâng cao khả năng hiệp đồng tác chiến của hải quân và hải quân đánh bộ trong đổ bộ đường biển, đường sông.

Những năm tới Thái Lan sẽ tăng cường các cuộc diễn tập song phương và đa phương; ưu tiên các cuộc diễn tập về chống cướp biển và phòng thủ biển đảo với lực lượng hải quân đánh bộ Mỹ và một số nước đồng minh của Mỹ trong khu vực.

Indonesia

Indonesia có lực lượng ĐBĐB mạnh, với gần 90 tàu, xuồng đổ bộ các loại, trong đó có 2 tàu LPD lớp Surabaya; 6 tàu SLT lớp Teluk Baten và 7 tàu lớp Teluk Bone, 12 tàu LSM lớp Teluk Gilimanuk và 45 tàu LCM.

Gần đây, Hải quân Indonesia đã đưa vào biên chế 2 tàu LST có lượng giãn nước 1.000 tấn (thay thế tàu SLT Teluk Bone hết niên hạn sử dụng). Theo kế hoạch, trong những năm tới hải quân nước này sẽ mua sắm 18 tàu đổ bộ hiện đại của các nước tiên tiến trong đó ưu tiên mua của Mỹ và các nước châu Âu.

Thời gian gần đây Indonesia rất chú trọng tiến hành các cuộc diễn tập song phương với Mỹ để nâng cao khả năng tác chiến của hải quân nói chung, lực lượng ĐBĐB nói riêng. Trong đó, có cuộc diễn tập “CARAT”, với mục đích chủ yếu là nâng cao khả năng hợp đồng tác chiến giữa hải quân, lực lượng ĐBĐB hai nước.

Nhật Bản

Nhật Bản có lực lượng ĐBĐB biển ít, nhưng hiện đại, với tổng cộng gần 30 tàu, xuồng đổ bộ. Trong đó có 1 tàu đổ bộ LST lớp Noto, có trong biên chế từ những năm 1980 trở lại đây; 2 tàu đổ bộ đa dụng; 3 tàu LHD lớp Kunisaki; 19 LCM. Theo các chuyên gia quân sự, gần đây Nhật Bản đưa vào sử dụng 3 tàu LHD lớp Kunisaki, đánh dấu một bước tiến quan trọng của lực lượng ĐBĐB nói riêng, Hải quân Nhật Bản nói chung.

Với phương tiện hiện đại trên, Nhật Bản ngoài việc nâng cao khả năng phòng thủ biển, đảo, còn có thể tiến hành các hoạt động hỗ trợ nhân đạo và gìn giữ hòa bình cho các nước trên thế giới, khi Liên Hợp quốc có yêu cầu.

Hàn Quốc

Hàn Quốc sở hữu 60 tàu, xuồng đổ bộ các loại. Trong đó có 5 tàu đổ bộ lớp Kojoon Bong và 2 tàu lớp Buk Han; 1 tàu đổ bộ LPH lớp Dokdo, đáy bằng trở máy bay trực thăng; hơn 50 xuồng đổ bộ hiện đại các loại.

Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, Hàn Quốc tuy có số tàu đổ bộ ít nhưng rất hiện đại, phần lớn được đưa vào biên chế từ những năm 1990 trở lại đây.

Trong số đó có 2 tàu lớp Dokdo là Marado và Baengnyeong có lượng giãn nước mỗi chiếc khoảng 9.400 tấn, nên đã nâng cao đáng kể khả năng tác chiến của lực lượng ĐBĐB, đánh dấu một bước phát triển quan trọng về phương pháp tác chiến đổ bộ đánh chiếm biển, đảo cho lực lượng hải quân đánh bộ của Hàn Quốc.

Australia

Australia có hạm đội ĐBĐB lớn nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Lực lượng ĐBĐB của Hải quân Australia có 15 tàu, xuồng đổ bộ các loại. Trong đó có 2 tàu đổ bộ đáy bằng LPA lớp Kanimbla, 1 tàu đổ bộ hạng nặng HMAS Tobruk, 2 tàu đổ bộ đáy bằng LPD lớp Canberra.

Trong công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, thời gian gần đây, hải quân Australia trong đó có lực lượng ĐBĐB thường tiến hành diễn tập chung với lực lượng hải quân đánh bộ Mỹ đóng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, để nâng cao khả năng tác chiến trong chống khủng bố, bảo vệ biển, đảo của Australia.

Nguyên Phong

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/quan-su/suc-manh-cac-luc-luong-do-bo-bien-o-chau-a-thai-binh-duong-718045.html