Sức mạnh bộ ba tên lửa đạn đạo liên lục địa của Liên Xô

Theo thông tin giải mật từ các tài liệu thời Liên Xô, năm 1970, dưới thời Tổng thống Ronald Reagan, giới chức diều hâu của Mỹ từng tính tới khả năng chiến tranh hạt nhân toàn diện với Liên Xô. Tuy nhiên thời điểm đó, với sự xuất hiện của bộ ba tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) RS-16B, RS-18B, RS-20B của Liên Xô đã khiến những 'cái đầu nóng' tại Washington 'nguội lạnh'.

Với ICBM mới, toàn bộ lãnh thổ Mỹ đã nằm dưới tầm tấn công của vũ khí hạt nhân của Liên Xô. Điều quan trọng hơn là thời điểm đó Mỹ không có khả năng ngăn chặn chúng.

Vũ khí vươn tới bất kỳ thành phố nào bên kia bờ đại dương

RS-10 được biết tới là dòng ICBM nặng nhất trong lịch sử chế tạo vũ khí của Liên Xô. Bắt đầu được trang bị từ cuối những năm 1960, RS-10 có thể mang theo đầu đạn có sức công phá hơn 1,1 Megatone (1,1 triệu tấn thuốc nổ TNT) với tầm bắn đạt tới 10.500km. Tuy nhiên, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ thời điểm đó đã có khả năng đánh chặn các đầu đạn đơn lẻ, nên các nhà khoa học Xô Viết phải tìm ra phương án trang bị nhiều đầu đạn hạt nhân lên tên lửa RS-10. Đây chính là tiền đề để dòng ICBM RS-16 ra đời sau đó.

 ICBM RS-16B tại Bảo tàng Tên lửa chiến lược Liên bang Nga.

ICBM RS-16B tại Bảo tàng Tên lửa chiến lược Liên bang Nga.

Về kích thước, RS-16A tương đương RS-10 và có thể sử dụng chung giếng phóng. Tuy nhiên, RS-16A lại có thể mang theo 4 đầu đạn công suất 0,5-0,75 Megatone. Khi được sử dụng, mỗi ICBM RS-16A tạo ra khả năng công phá tương đương 200 quả bom tên lửa được Mỹ ném xuống Nhật Bản trong Thế chiến 2. Tầm bắn của tên lửa được xác định khoảng 11.000km và có thể tấn công tới bất kỳ thành phố nào trên lãnh thổ Mỹ.

Trên cơ sở RS-16A, Liên Xô đã tiếp tục cho ra đời phiên bản nâng cấp RS-16B cải thiện khoảng 2,5 lần tính năng chiến đấu, đặc biệt là độ chính xác. Cơ cấu dẫn đường quán tính, bản đồ hình sao giúp RS-16B có quỹ đạo bay ổn định và chính xác hơn. Đặc biệt, RS-16B còn có khả năng tự lập trình lại quỹ đạo khi đã rời bệ phóng và tự động tìm mục tiêu kể cả khi trung tâm chỉ huy đã bị phá hủy. Tính tới đầu những năm 1980, Liên Xô đã chế tạo khoảng 150 tổ hợp RS-16B.

Mũi lao xuyên thủng lá chắn tên lửa

Trung đoàn ICBM RS-18A đầu tiên được Liên Xô đưa vào trang bị từ giữa những năm 1970. Điểm đặc biệt của RS-18A là nó mang theo tới 6 đầu đạn công suất 0,75 Megatone và khả năng xuyên thủng lá chắn tên lửa của Mỹ. Với tầm bắn 10.000km, RS-18A được giới chức quân sự Mỹ đánh giá là đặc biệt nguy hiểm. Chỉ cần 1 tên lửa RS-18A vượt qua lá chắn tên lửa sẽ tạo ra sự hủy diệt vô cùng khủng khiếp.

RS-18B nằm trong giếng phóng.

Tới cuối những năm 1970, Liên Xô giới thiệu phiên bản RS-18B. Nó là phiên bản đơn giản hóa của mẫu RS-18A với động cơ, hệ thống điều khiển, thiết bị chiến đấu đơn giản hơn. Tính tới khi Liên Xô tan vỡ, đã có tới 350 đơn vị RS-18B được chế tạo. Tới tận thời điểm hiện tại, RS-18B vẫn được Quân đội Nga sử dụng. Nó đã tham gia quá trình thử nghiệm thiết bị lượn siêu vượt âm Avangard. Ít nhất có một trung đoàn RS-18B mang thiết bị Avangard đang được trang bị.

Đánh giá về RS-18B, Tư lệnh Lực lượng Tên lửa chiến lược Nga, Sergei Karakaev nhấn mạnh, dòng ICBM chế tạo từ thời Liên Xô vẫn chứng minh được độ tin cậy và được sử dụng cùng với các loại vũ khí siêu vượt âm tương lai.

Nắm đấm từ địa ngục

RS-20A ra mắt vào tháng 12-1975. Nó được coi là dòng ICBM mạnh mẽ nhất loài người từng phát triển. Trên thế giới, RS-20A được biết đến nhiều hơn với biệt danh “Quỷ Satan” theo định danh của NATO.

ICBM RS-20B rời bệ phóng.

RS-20A được thiết kế để phá hủy mọi loại mục tiêu. Nó có 3 phiên bản chính, phân biệt theo khối lượng đầu đạn mang theo, gồm: 8, 20 Megatone hoặc 8 đầu đạn riêng lẻ công suất 1,3 Megatone. Dù là vũ khí hủy diệt không thể ngăn chặn, Liên Xô sau đó tiếp tục phát triển biến thể RS-20B với khả năng mang 10 đầu đạn công suất 1 Megatone để tăng cường khả năng tấn công các mục tiêu quan trọng được đặt trong lòng đất hoặc boongke kiên cố. RS-20B cũng được đơn giản hóa trong chế tạo, khả năng dẫn đường chính xác hơn và đầu đạn tự cơ động quỹ đạo giúp tăng phạm vi hủy diệt. Hiện tại, Quân đội Nga đang sử dụng phiên bản RS-20V với những cải tiến giảm thời gian chuyển đổi trạng thái chiến đấu và tăng độ chính xác.

Trong tương lai, các ICBM RS-20V sẽ được thay thế bằng RS-28 Sarmat.

TUẤN SƠN (tổng hợp theo TASS, vpk)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/khoa-hoc-quan-su/suc-manh-bo-ba-ten-lua-dan-dao-lien-luc-dia-cua-lien-xo-647095