Sức lan tỏa từ giải báo chí về đề tài 'thảm họa da cam' ở Việt Nam

Giải báo chí về đề tài 'Thảm họa da cam và công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam' (gọi tắt là Cuộc thi) lần thứ I, năm 2020-2021 do Hội Nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)/dioxin Việt Nam tổ chức, bắt đầu nhận tác phẩm dự thi từ ngày 1-1-2020 đến ngày 30-3-2021, đã đi đến chặng cuối.

Với 537 bài dự thi, có thể khẳng định, lần đầu tổ chức giải báo chí về đề tài “thảm họa da cam” đã tạo sức lan tỏa sâu rộng với sự hưởng ứng tích cực, có trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, cộng đồng trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài.

Đại tá Trần Đình Đích, Tổng biên tập Tạp chí Da cam Việt Nam-Cơ quan Thường trực cuộc thi-cho biết: “Đối tượng dự thi rất đa dạng, bao gồm: Cán bộ, chiến sĩ LLVT; nhân dân các vùng, miền trong cả nước; phóng viên các báo, đài Trung ương và địa phương; người Việt Nam ở nước ngoài... Độ tuổi dự thi từ 20 đến trên 80 tuổi. Trong đó, người cao tuổi nhất là ông Lê Quang Lâm (81 tuổi), nguyên Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội; bà Nguyễn Đắc Như Mai là Việt kiều tại Pháp có tác phẩm dự thi chất lượng tốt; từ đất mũi Cà Mau, cựu chiến binh Lê Xuân Thái có tác phẩm viết về sự thật “Em bé trong rừng đước Cà Mau” của Giáo sư Goro Nakamusa, Nhật Bản chụp năm 1976...”.

Phiên họp Hội đồng chấm thi vòng chung khảo của cuộc thi. Ảnh: ĐÌNH TRỌNG

Phiên họp Hội đồng chấm thi vòng chung khảo của cuộc thi. Ảnh: ĐÌNH TRỌNG

537 tác phẩm dự thi của mấy trăm tác giả là bấy nhiêu suy nghĩ, tâm tư xót xa, thương cảm nạn nhân, rồi khi thấy chế độ ưu đãi còn ít ỏi, không thể đủ mua thuốc chữa bệnh đã mong muốn sớm có chính sách ưu đãi tốt hơn, muốn cộng đồng xã hội chung tay giúp đỡ. Có độc giả chia sẻ với ban tổ chức: "Chúng tôi từ Hà Nội vào Quảng Trị gặp cán bộ Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin dẫn đi cơ sở, nhìn cảnh nạn nhân bị dị dạng, dị tật, sống đời sống thực vật, nhiều người đã mấy chục tuổi mà trông như trẻ con thật tội nghiệp. Gặp nạn nhân khác bị tâm thần, trên người không mảnh vải, gia đình, người thân phải xích lại, nhìn rất tội nghiệp, thương tâm...".

Được biết, ban tổ chức đã lựa chọn 80/537 tác phẩm xuất sắc vào chấm thi vòng chung khảo để chọn ra: 3 giải A, 5 giải B, 10 giải C, 15 giải khuyến khích và một số giải phụ. Đánh giá về cuộc thi tại phiên họp Hội đồng chấm thi vòng chung khảo, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam cho biết: “Có thể khẳng định bước đầu cuộc thi đã thành công tốt đẹp, có sức lan tỏa mạnh mẽ và ấn tượng, góp phần đẩy mạnh tuyên truyền về thảm họa da cam và công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học do quân đội Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam. Đồng thời tin tưởng, hội đồng chung khảo, với các thành viên là những nhà báo, nhà văn, nhà thơ có uy tín, nhiều kinh nghiệm sẽ lựa chọn được các tác phẩm xuất sắc, xứng đáng để trao giải”.

Cuộc thi được tổng kết, trao giải vào dịp chuỗi các hoạt động kỷ niệm 60 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam tháng 8-2021. Dự kiến các tác phẩm đoạt giải, tác phẩm có chất lượng tốt sẽ được in thành sách với tựa đề “Thảm họa da cam, sẻ chia và khát vọng” hoặc kỷ yếu cuộc thi để phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền trong thời gian tới.

DUY THÀNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/suc-lan-toa-tu-giai-bao-chi-ve-de-tai-tham-hoa-da-cam-o-viet-nam-659746