Sức lan tỏa sâu rộng của 'Ngày Biên phòng toàn dân'

Qua 10 năm thực hiện 'Ngày Biên phòng toàn dân' tại tỉnh Cao Bằng, công tác xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia được giữ vững, nhận thức của các cấp, các ngành, quần chúng nhân dân về quốc gia, quốc giới và tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được củng cố vững chắc; hình thức, nội dung tổ chức có nhiều đổi mới, đa dạng, phong phú, có sức lan tỏa sâu rộng. Nhân dịp UBND tỉnh Cao Bằng, địa phương đầu tiên trong cả nước tổ chức sơ kết 10 năm thực hiện 'Ngày Biên phòng toàn dân' giai đoạn 2009-2019, các đại biểu tham dự Hội nghị đã trao đổi với phóng viên Báo Biên phòng xung quanh vấn đề này.

Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng, Chính ủy BĐBP (thứ 5, từ phải sang) trò chuyện với các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Thúy Hằng

Đồng chí Nông Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Cao Bằng:

10 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng, sự phối kết hợp, tạo điều kiện thuận lợi của chính quyền các cấp, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các ngành, các cấp và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng đợt vận động "Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới" do Bộ Tư lệnh BĐBP và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động năm 2008.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh xây dựng 167 nhà “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”, 30 nhà “Mái ấm chiến sĩ nơi biên giới”, 20 nhà sinh hoạt cộng đồng, 44 công trình dân sinh, trị giá trên 11 tỷ đồng; hoàn thành và bàn giao, đưa vào sử dụng nhiều công trình có ý nghĩa thiết thực, trong đó có công trình trị giá từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng.

MTTQ các cấp vận động cán bộ, chiến sĩ các đồn Biên phòng và nhân dân tham gia 2.562 ngày công lao động làm đường giao thông. Các công trình đưa vào sử dụng đều phát huy có hiệu quả, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng, phục vụ thiết thực cho đời sống, sinh hoạt của đồng bào các dân tộc. Ngoài ra, vận động hỗ trợ xây dựng nhà bán trú dân nuôi cho học sinh nghèo xã Tổng Cọt, huyện Hà Quảng; xã Quang Trọng, huyện Thạch An trị giá 237 triệu đồng.

Đồng chí Nguyễn Ích Chánh, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc:

Hiện nay, trên địa bàn huyện Bảo Lạc có 15/17 xã, thị trấn với 88/229 xóm có đồng bào theo đạo Tin lành, bao gồm 62 điểm nhóm với 6.659 tín đồ, trong đó, 35 điểm nhóm đủ điều kiện, được chính quyền địa phương cấp phép hoạt động, còn 27 điểm nhóm chưa đủ điều kiện đăng ký hoạt động. Nhìn chung, các tín đồ Tin lành đều chấp hành tốt các quy định của pháp luật và sự quản lý, điều hành của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhận thức còn hạn chế nên một số tín đồ dễ bị lợi dụng, kích động.

Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, trong 10 năm qua, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nội vụ phối hợp với Ban Dân vận Huyện ủy, 3 Đồn Biên phòng (Cốc Pàng, Cô Ba, Xuân Trường) và 5 xã biên giới tổ chức tuyên truyền các văn bản pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo tại các thôn, xóm có đồng bào dân tộc Mông, Dao sinh sống được 185 lần với 5.735 người nghe. Qua công tác tuyên truyền đã giúp cho quần chúng nhân dân, nhất là quần chúng theo tôn giáo ở khu vực biên giới tin tưởng và chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đồng chí Đoàn Quốc Chính, Chủ tịch UBND huyện Hạ Lang:

Trong 10 năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã phối hợp với các đồn Biên phòng tổ chức tuyên truyền được 156 buổi/19.642 lượt người nghe về mục đích, ý nghĩa, quyền lợi, nghĩa vụ của mọi công dân trong tham gia thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân”.

Qua đó, các vụ việc vi phạm chủ quyền lãnh thổ, an ninh trật tự ở khu vực biên giới đều được nhân dân kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn hoặc báo cho chính quyền địa phương, các đồn Biên phòng, các lực lượng chức năng biết để có biện pháp xử lý.

Bên cạnh đó, các đồn Biên phòng, các lực lượng chức năng đã tham mưu, phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền các xã biên giới nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức quần chúng tự quản, tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Đến nay, 100% số hộ ở các xóm khu vực biên giới đều đăng ký tham gia tự quản đường biên, mốc quốc giới và tự quản an ninh trật tự.

Các địa phương thành lập và duy trì hoạt động thường xuyên 8 Ban chống lấn chiếm cấp xã, 8 Trung đội dân quân, 83 Tổ tự quản về an ninh, 39 Tổ tự quản về đường biên, mốc quốc giới, 83 Tổ phụ nữ trung kiên..., góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới và giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn huyện.

Đồng chí Lương Đức Tố, Phó Chủ tịch UBND huyện Phục Hòa:

Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, việc đẩy mạnh công tác đối ngoại chính quyền và ngoại giao nhân dân luôn được Huyện ủy, UBND huyện Phục Hòa xác định là nhiệm vụ quan trọng, góp phần thực hiện có hiệu quả các nội dung “Ngày Biên phòng toàn dân”, phát huy sức mạnh tổng hợp để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng khu vực biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

Huyện ủy, UBND huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả việc tổ chức kết nghĩa “Cụm dân cư hai bên biên giới”; tổ chức ký kết nghĩa hữu hảo giữa huyện Phục Hòa, Việt Nam với huyện Long Châu, Trung Quốc và ký kết nghĩa giữa xóm Lũng Om, Việt Nam với xóm Nà Cọn, Trung Quốc.

Cũng thông qua công tác đối ngoại nhân dân, hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội hai bên biên giới được tăng cường; đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giáo dục nhân dân hai bên biên giới chấp hành tốt Hiệp định về Quy chế biên giới và các thỏa thuận mà hai nước đã ký kết.

Trần Đức

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/suc-lan-toa-sau-rong-cua-ngay-bien-phong-toan-dan/