Sức khỏe và niềm tin

Các dịch vụ y tế tại Việt Nam cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ. Và với mỗi người dân, nhận thức về chăm sóc sức khỏe cũng cần phải được nâng cao. Đặc biệt, khả năng ứng phó với các nguy cơ dịch bệnh ở các đô thị lớn.

Đánh giá gần đây nhất của UNDP qua chỉ số PAPI độc lập thì chỉ số hài lòng của bệnh nhân sau khi khám chữa bệnh đạt được 76% và Tổ chức sáng kiến Việt Nam thì tỷ lệ hài lòng với bệnh nhân nội trú là 80%.

Thế nhưng, con số điều tra trên thực sự chưa khiến người dân an lòng khi đến các cơ sở khám chữa bệnh. Đặc biệt, sự quá tải và khả năng phản ứng với các tình huống y tế cấp bách tại các cơ sở y tế còn bộc lộ nhiều hạn chế.

Bệnh nhi và thân nhân nằm tràn lan khắp các hành lang của bệnh viện Nhi đồng 1(TP.HCM) sáng 1/10/2018

Mới nhất là việc ứng phó của các cơ sở y tế tại TP HCM vừa qua khi dịch chân tay miệng bùng phát.

Đợt dịch chân tay miệng đe dọa cuộc sống của người dân đô thị TPHCM chỉ là một trong những mối đe dọa đang hiện hữu đối với đô thị lớn nhất nước này. Không chỉ có dịch bệnh, hiện nay các cư dân đô thị đang phải đối mặt với sự gia tăng các nguy cơ ở mọi mặt của đời sống.

Thử lấy ví dụ là hệ thống giao thông công cộng, một phương tiện thiết yếu với sự vận hành của đô thị lớn: nguy cơ sức khỏe bị tấn công ngay trên các phương tiện tham gia giao thông (xe buýt, taxi, tàu điện …) rất lớn bởi những tác nhân gây bệnh lan tỏa vào mạng lưới giao thông. Rồi những đợt mưa - nắng với chu kỳ dài và biểu hiện dị thường cũng đang đe dọa môi trường sống của người dân, đặc biệt là người dân các đô thị.

Bắt đầu chuyển mùa, thời tiết tại các đô thị thất thường. Những mối đe dọa đối với sức khỏe của người dân đô thị lại hiện hữu. Không chỉ vậy, quá trình nóng lên của trái đất hay mất tầng ô zôn dường như cũng góp thêm tác động tiêu cực đến sức khỏe con người. Hiện tượng này tạo điều kiện thuận lợi cho các loài côn trùng mang mầm bệnh và sự phát tán của bệnh tật làm tăng nguy cơ dị ứng (như dị ứng đường hô hấp ở các vùng đô thị) cũng làm lan truyền một số bệnh vốn chỉ xuất hiện tại một số khu vực có điều kiện khí hậu nhất định. Sự lan truyền của một số loại bệnh có tính lây nhiễm cao đang trở thành mối lo ngại với các nhà chức trách đô thị lớn.

Một nguy cơ khác đối với sức khỏe con người xuất hiện thường xuyên ở các đô thị là hiện tương nhiệt độ tăng (giảm) đột biến. Thống kế của các tổ chức y tế trên thế giới cho thấy, nạn nhân chủ yếu là những người lớn tuổi với hơn 70% trường hợp có độ tuổi 75-95 tuổi.

Môi trường đô thị ô nhiễm là nguyên nhân phát sinh nhiều dịch bệnh

Như vậy, các đô thị lớn phải đương đầu với nguy cơ về sức khỏe của con người càng đa dạng so với việc thay đổi khí hậu toàn cầu. Trên thế giới, ngoài cơ chế và giám sát bệnh dịch, thuộc thẩm quyền của nhà nước, chính quyền nhiều thành phố đã triển khai nhiều biện pháp đối với nhóm dân cư dễ bị tác động bởi các nguy cơ.

Tại Việt Nam, cũng đã có những qui định để ứng phó với các mối nguy do sự thay đổi của thời tiết (nóng quá hay lạnh quá người dân sẽ được nghỉ). Tuy nhiên, điều này mới chỉ là các giải pháp tình thế, những ứng phó cụ thể với các phương tiện hiện đại hỗ trợ cho con người còn rất thiếu vắng. Đã đến lúc, cần đưa những nguy cơ trên vào các kế hoạch khẩn cấp.

Bệnh tật - không ai muốn nó đến. Song với mỗi con người, điều này là khó tránh khỏi. Và trong môi trường đô thị Việt Nam, nguy cơ về các bệnh do đô thị gây ra là tiềm tàng. Thế nên, khi trong một đô thị mà hệ thống y tế không đáp ứng được yêu cầu của người dân (quá tải), khi niềm tin của người dân còn quá mơ hồ (bất an mỗi khi cần phải khám chữa bệnh), khi đó chưa thể là đô thị bền vững.

Ngọc Lý

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/xa-hoi/suc-khoe-va-niem-tin-1260916.html