Sức khỏe ngân hàng: Lợi nhuận lớn, trích lập dự phòng cao

Chưa kết thúc năm tài chính 2019, các ngân hàng đã rầm rộ công bố lợi nhuận cả năm, song vẫn có ngân hàng phải trích dự phòng cao.

Chưa kết thúc năm tài chính 2019, các ngân hàng đã rầm rộ công bố lợi nhuận cả năm.

Sớm cán đích lợi nhuận

Ông Phạm Duy Hiếu, quyền Tổng giám đốc ABBank cho biết, với mục tiêu lợi nhuận năm nay ở mức 1.220 tỷ đồng trước thuế, Ngân hàng đã hoàn tất kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông giao, tăng khoảng 30% so với năm 2018. Tỷ lệ nợ xấu của ABBank được kiểm soát ở mức 1,8% tính đến hết tháng 11/2019.

Theo Tổng giám đốc Sacombank, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, kết thúc năm 2019, các chỉ tiêu hoạt động chính của Ngân hàng đều vượt kế hoạch. Cụ thể, lợi nhuận dự kiến đạt 3.180 tỷ đồng, vượt 20% so với cam kết tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019. Tổng tài sản dự kiến đạt 457.000 tỷ đồng, huy động đạt 413.000 tỷ đồng, cho vay hơn 296.000 tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu đã giảm xuống dưới 2%.

Tại VietBank, so với mục tiêu lợi nhuận trước thuế tối thiểu 500 tỷ đồng đặt ra đầu năm 2019, đến nay, Ngân hàng đã vượt mục tiêu. Kết thúc 3 quý đầu năm, VietBank thu về 429 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, dự kiến đạt trên 650 tỷ đồng sau khi trừ chi phí dự phòng rủi ro.

Trong cuộc họp mới đây giữa VietinBank và cổ đông chiến lược MUFG Bank, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, kết thúc năm tài chính 2019, VietinBank có khả năng vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm đã được Đại hội đồng cổ đông phê duyệt. Năm 2019, VietinBank đặt mục tiêu lợi nhuận hợp nhất trước thuế 9.500 tỷ đồng, trong đó riêng ngân hàng mẹ đạt khoảng 9.000 tỷ đồng.

Tổng tài sản VietinBank đạt hơn 1,2 triệu tỷ đồng trong năm 2019, tăng 3,2% so với cuối năm 2018. Trong đó, cho vay khách hàng đạt 899.056 tỷ đồng, chỉ tăng 3,9%. Tiền gửi khách hàng đạt 865.466 tỷ đồng, tăng 4,8%. 9 tháng đầu năm 2019, lợi nhuận trước thuế của VietinBank đạt hơn 8.400 tỷ đồng, hoàn thành 89% kế hoạch năm.

Trong khi đó, VIB ước lãi hơn 4.000 tỷ đồng trong năm 2019, tăng gần gấp rưỡi so với thực hiện năm 2018 và là mức kỷ lục của nhà băng này. Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank cũng cho biết, Ngân hàng đã hoàn tất kế hoạch HĐQT giao năm 2019 là 800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Dự phòng cao

Lãnh đạo BIDV cho hay, với mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2019 ở mức 10.300 tỷ đồng, Ngân hàng đã hoàn tất kế hoạch này. Nhưng điều đáng quan tâm ở BIDV là dự phòng rủi ro cao.

Theo báo cáo tài chính BIDV đến hết quý III/2019, dư nợ tín dụng tăng 8,1% so với đầu năm 2019, lên 1,07 triệu tỷ đồng, trong đó mức trích lập dự phòng tăng mạnh (hơn 5.136 tỷ đồng), lên 17.540 tỷ đồng, tương đương mức trích lập 1,66% trên tổng dư nợ, tăng hơn 41% so với đầu năm. Riêng trong quý III/2019, trích lập dự phòng tăng 1.416 tỷ đồng, đưa lũy kế 9 tháng lên 2.136 tỷ đồng, tăng 14,8% so với cùng kỳ.

Mức trích lập dự phòng tăng mạnh do tỷ lệ nợ xấu trong tổng dự nợ của BIDV tăng so với đầu năm, từ mức 1,9% đầu năm lên 2,08% tại thời điểm cuối tháng 9. Đáng chú ý là, khi nợ nhóm 3 và 4 vẫn tương đương đầu năm 2019, thì nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) của BIDV tăng mạnh hơn 5.023 tỷ đồng, lên tổng mức 12.193 tỷ đồng vào cuối tháng 9/2019, tương đương tăng 70% so với đầu năm, nên dự phòng quý IV/2019 khó giảm.

Trong khi đó, Agribank đạt lợi nhuận trước thuế 10.350 tỷ đồng chỉ sau 10 tháng đầu năm, vượt kế hoạch cả năm đề ra là 10.000 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 10/2019, tổng tài sản của Agribank đạt 1,4 triệu tỷ đồng; nguồn vốn huy động đạt 1,29 triệu tỷ đồng; dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 1,056 triệu tỷ đồng. Năm 2019, Agribank dự kiến đạt lợi nhuận tối thiểu 11.000 tỷ đồng.

Tính toán cho thấy, nếu giữ tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận thuần cả năm 2019 ngang với tốc độ tăng trưởng nửa đầu năm (15%), thì để đạt mục tiêu lợi nhuận 11.500 tỷ đồng cả năm nay, Agribank sẽ trích lập dự phòng tới 21.833 tỷ đồng, cao hơn năm 2018. Tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng đến nửa cuối năm nay được kiểm soát ở mức khá thấp 1,63%.

Trong nửa đầu năm, Agribank chỉ trích lập gần 8.700 tỷ đồng. Lựa chọn khả dĩ của ngân hàng này trong năm 2019 sẽ là trích lập dự phòng ở mức vừa phải để giữ lợi nhuận ở mức cao, nhưng không quá cao, đồng thời giảm tỷ lệ nợ xấu và tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu, làm tiền đề cho tăng trưởng lợi nhuận những năm tiếp theo, nhất là sau khi bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO, dự kiến năm 2020) và lên sàn chứng khoán.

Với Sacombank, SCB, Saigonbank, dù đã xử lý được lượng nợ xấu khổng lồ những năm qua, song vẫn phải trích dự phòng rủi ro một khoản lớn trong năm 2019. Cụ thể, Sacombank đưa ra kế hoạch xử lý hơn 20.000 tỷ đồng nợ xấu và đã kiểm soát được tỷ lệ nợ xấu dưới 2% tính đến gần hết năm nay, song dự phòng không nhỏ. Trong khi đó, tổng quỹ dự phòng rủi ro của SCB đến nay đã vượt con số 8.000 tỷ đồng.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/suc-khoe-ngan-hang-loi-nhuan-lon-trich-lap-du-phong-cao-d113510.html