'Sức khỏe' làng nghề

Chiều 27/12, Ban Kinh tế Trung ương; Tỉnh ủy Bắc Ninh; Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bắc Ninh tổ chức Diễn đàn 'Doanh nghiệp, doanh nhân hiến kế hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển kinh tế làng nghề'. Nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị các giải pháp ưu đãi về thuế, đất đai để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, có như vậy mới thu hút đầu tư, phát triển kinh tế làng nghề gắn theo hướng bền vững.

Trưởng Ban Kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu tại Diễn đàn.

Trưởng Ban Kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu tại Diễn đàn.

Cần ưu đãi về đất đai

Ông Nguyễn Nhân Chiến - Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh cho rằng: Làng nghề không chỉ là nơi tạo ra những sản phẩm đặc sắc và tiêu biểu của từng địa phương, vùng miền, mang lại hiệu quả và giá trị về kinh tế cho nhiều hộ gia đình mà còn có tác động mạnh mẽ làm thay đổi đời sống và bộ mặt khu vực nông thôn, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội nông thôn phát triển, thu hẹp khoảng cách giầu nghèo giữa thành thị và nông thôn. Phát triển làng nghề là còn là cơ hội để phát triển du lịch văn hóa.

“Tuy nhiên thực tiễn cho thấy làng nghề cả nước phát triển còn chậm, công nghệ sản xuất còn lạc hậu, thiếu mặt bằng sản xuất, khả năng tiếp cận vốn khó khăn, yếu kém về quản trị cơ sở và tiếp thị, thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa được mở rộng, hoạt động và quy mô sản xuất còn nhỏ, lẻ, tự phát. Đặc biệt vấn đề tồn tại và khó khăn lớn nhất hiện nay đó chính là vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề”- ông Chiến nhìn nhận và cho rằng: Đảng, Nhà nước cũng như chính quyền các cấp cần thiết phải có cơ chế chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, những vấn đề bất cập, tồn tại để các làng nghề được phát triển phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương với phương châm có hiệu quả về kinh tế, giữ được giá trị văn hóa, môi trường được đảm bảo.

Từ những khó khăn về ô nhiễm môi trường đang “bủa vây” các làng nghề, ông Mẫn Ngọc Anh - Chủ tịch tập đoàn Hanaka cho rằng, hầu hết các làng nghề hiện nay sản xuất tự phát, mạnh ai nấy làm, vô tư xả chất thải sản xuất chưa qua xử lý ra môi trường khiến đất đai nguồn nước và không khí bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân. Từ đó ông Anh kiến nghị cần có cơ chế cụ thể, ưu đãi về đất đai, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và thu gom, tập kết chất thải tại chỗ để có mặt bằng sạch. Làm sao để doanh nghiệp có thể đưa công nghệ thiết bị xử lý ô nhiễm tồn đọng, xử lý rác thải mà vẫn đảm bảo cuộc sống của người dân địa phương diễn ra bình thường.

Theo PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Khoa Luật, Đại học quốc gia Hà Nội, cần quan tâm đến môi trường sống tại làng nghề để phát triển kinh tế. Do đó cần bảo vệ môi trường nước, không khí và cần có chế tài xử phạt hành vi sai trái mạnh mẽ hơn nữa. Có như vậy mới làm tốt bảo vệ môi trường, hạn chế các thiệt hại do sự cố gây ra để sản xuất phát triển.

Đưa ra giải pháp, bà Nhung cho rằng, Nhà nước cần quy hoạch đất đai, thiết kế để các cơ sở sản xuất kinh doanh dùng chung cơ sở hạ tầng nơi đổ chất thải. Có như vậy mới tránh được tình trạng ô nhiễm do xả thải ra nhiều nơi khác nhau.

Quy hoạch làng nghề

Theo ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam, làng nghề hiện nay đang phải đối mặt với những khó khăn như: Sản xuất sản phẩm ra không biết bán cho ai? Còn vấn đề môi trường ngày càng xấu đi từ ô nhiễm nguồn nước, không khí và rác thải. Nếu không có định hướng, “sức khỏe” làng nghề sẽ ngày càng giảm sút.

Đưa ra kiến nghị ông Dần cho rằng, phải nhanh chóng có quy hoạch cho làng nghề. Theo đó, cần sớm có quy hoạch vùng nhiên liệu như: Nơi nào trồng tre, làm gốm, khai thác đá…Bên cạnh đó, cần đào tạo cho lớp trẻ để có thể bảo tồn và kế tục gắn với phát triển du lịch, bởi nơi nào có làng nghề truyền thống thì thanh niên nơi đó có việc làm. Ông Dần cũng cho rằng, hiện nay chúng ta có đội ngũ các nghệ nhân lành nghề đã trên 80, 90 tuổi. Do đó Nhà nước cần có khai thác chất xám của các nghệ nhân này bằng cách “in thành sách” để lại cho thế hệ mai sau.

Trong khi đó, ông Mẫn Ngọc Anh cho rằng, Nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI như: ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn, giảm tiền sử dụng đất. Tuy nhiên doanh nghiệp nước ngoài ít đầu tư phát triển kinh tế làng nghề. Do đó cần có chính sách ưu đãi về thuế, tài chính đất đối với các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực kinh tế làng nghề. Có như vậy mới thu hút được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước hơn tham gia vào lĩnh vực này. Đồng thời cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, áp dụng chuyển giao các kỹ thuật hiện đại tiên tiến, đưa công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo vào việc phát triển kinh tế làng nghề.

Trước những khó khăn của người dân làng nghề trong tiếp cận vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, các làng nghề chủ yếu sống tại khu vực nông nghiệp, nông thôn. Cho nên Chính phủ cần có cơ chế hỗ trợ cho vùng này theo Nghị định 55, sau này là Nghị định 116, trong đó có nhiều ưu đãi mức cho vay tối đa không cần tài sản đảm bảo đối với các dự án theo chuỗi liên kết sử dụng công nghệ cao có thể vay đến 70-80% giá trị dự án. Bên cạnh đó, lãi suất vay chỉ ở mức 0,5-1,5% đối với các dự án đầu tư cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Theo bà Hồng, đây là cách để giúp người dân yên tâm phát triển sản xuất làng nghề.

Sản xuất phải gắn với phát triển bền vững

Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng: Chủ trương nhất quán của Đảng dù phát triển thế nào cũng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa. Do đó, phát triển làng nghề ở nông thôn chính là gắn chặt với phát triển văn hóa. Trong bối cảnh Đảng coi phát triển du lịch là ngành phát triển kinh tế mũi nhọn thì làng nghề truyền thống chính là góp phần để phát triển du lịch. Dù đã có nhiều cơ chế chính sách nhưng vẫn gặp các khó khăn, do vậy quan trọng là chính sách có “gãi trúng chỗ ngứa” hay không? Do đó các cơ quan chức năng cần ngồi lại với nhau để phổ biến chính sách cho người dân hiểu. Chính quyền các cấp cần quan tâm để người dân sản xuất, nhưng phải gắn với phát triển bền vững. Chính sự quan tâm của lãnh đạo địa phương sẽ hỗ trợ cho các làng nghề để thống nhất trong giải pháp và hành động.

H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/kinh-te/suc-khoe-lang-nghe-tintuc455714