'Sức khỏe' giới khoa học nông nghiệp: Bài 8 - Gần thế kỷ trước, Pháp xác định mục tiêu cho nông nghiệp Việt Nam thế nào?

TS Ngô Kiều Oanh, con gái của cựu Bộ trưởng Bộ Canh nông Ngô Tấn Nhơn đã gửi cho Báo NNVN những tâm tư về khoa học hiện tại dưới góc nhìn lịch sử khi người Pháp thiết lập Viện Nghiên cứu Nông học và Lâm nghiệp Đông Dương...

Trong đó, viện khu vực miền Bắc đặt ở số 2 Ngọc Hà, Hà Nội tức khuôn viên Bộ NN-PTNT và công viên Bách Thảo ngày nay…

>>Bộ trưởng Ngô Tấn Nhơn - Tả xung hữu đột trong kháng chiến

Tầm cỡ ở Đông Dương

Qua loạt các bài về “Sức khỏe giới khoa học bây giờ ra sao?” của Báo NNVN, có thể rút ra một kết luận định tính như sau: Lực lượng khoa học nông nghiệp đang bị suy giảm nhanh chóng và có thể đi tới việc bị mất nòng cốt chính là các nhà khoa học có năng lực hoặc đi khỏi hoặc bị triệt tiêu khả năng sáng tạo và làm việc. Nói nôm na sẽ mất nhóm người “Một người lo bằng kho người làm”. Vậy nguyên nhân chính là gì? Có thể đó là công tác quản lý bất cập, yếu kém bắt đầu từ tư duy quản lý vĩ mô.

 TS Ngô Kiều Oanh

TS Ngô Kiều Oanh

Vừa rồi nhờ sự nhiệt tình của ông Serge Volper - phụ trách về tài liệu lịch sử của Cirad (Pháp) mà tôi có được những thông tin vô cùng quý về Viện nghiên cứu Nông học và Lâm nghiệp Đông Dương trích từ Tạp chí Kinh tế Đông Dương năm 1938 để thấy tầm nhìn xa của họ. Nền khoa học nông nghiệp Việt Nam đã được người Pháp đặt nền móng rất căn cơ và bài bản với cách làm nghiên cứu cơ bản song hành với ứng dụng thực tế trên các đặc thù về tiềm năng sinh thái nông nghiệp Việt Nam.

Tạp chí này viết: “Chính quyền Pháp đã xây dựng và phát triển mọi lĩnh vực, để khẳng định sự tồn tại của họ. Trong vòng một năm, họ đã cùng lúc xây dựng một phòng nghiên cứu về Di truyền ở Bắc Bộ lẫn Nam Bộ. Khu vực nuôi cá nước ngọt là cơ sở hoàn thiện cuối cùng của Viện Nông học và Lâm nghiệp Đông Dương khu vực Bắc Bộ. Mục tiêu là phát triển vùng nuôi cá. Đặc biệt đẩy mạnh sản xuất lúa gạo và các nguồn tài nguyên chưa khai thác. Mục tiêu tạo ra nguồn lương thực dồi dào”.

Về cơ cấu, các phòng ban chuyên môn của Viện nghiên cứu Nông học và Lâm nghiệp thì theo sắc lệnh ngày 20/10/1937, Thống đốc Brévíe đã xác định Viện Nông học và Lâm nghiệp Đông Dương có trách nhiệm nghiên cứu và áp dụng khoa học kỹ thuật về đất đai, thổ nhưỡng, sản phẩm nuôi trồng và bảo vệ thực vật, dưới sự chỉ đạo và giám sát của Tổng Thanh tra Nông nghiệp, Chăn nuôi và Lâm nghiệp (có sự hỗ trợ của hai Phó Giám đốc Kỹ thuật, một cho phía Bắc và một cho phía Nam).

Một góc của Viện Nghiên cứu Nông học và Lâm nghiệp Đông Dương

Tại mỗi quốc gia trong liên minh Đông Dương ngày xưa đều thành lập một ủy ban tư vấn, dưới sự chủ trì của người đứng đầu chính quyền địa phương sẽ thường xuyên cung cấp, hướng dẫn và trao đổi thông tin để công việc thực hiện có lợi nhất cho những thành viên trong liên minh.

Cũng tạp chí này viết, mục tiêu phát triển kinh tế lúc đó là: “Các ngành công nghiệp và nông nghiệp đặc biệt ưu tiên, phát triển công nghệ và sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng và giá thành tốt nhất. Giảm chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, để tăng giá bán và dễ bán. Thực thi các đề mục đã ký kết trong năm 1930, là ưu tiên phát triển cây công nghiệp cao su, chè, cà phê... Miền Nam Đông Dương là vùng trồng thích hợp với các loài cây như ngô, mía, bông và cây thuốc lá.

Để cây trồng có giá thành thấp nhưng lợi nhuận cao phải nghiên cứu về đất, khí hậu, nuôi trồng phù hợp cho từng khu vực. Không áp dụng chung một phương pháp nuôi cho cả vùng (bởi mỗi nơi có thổ nhưỡng, khí hậu khác nhau). Tránh dẫn đến tình trạng canh tác không hiệu quả. Yếu tố quan trọng nhất là giảm giá thành trồng trọt nhưng lại tăng sản lượng. Chỉ có thể trồng các giống cây trồng có năng suất cao và thích nghi trong mọi điều kiện".

Nghiên cứu khoa học gắn với mục tiêu sản xuất

Bà Oanh nhận xét, quan trọng nhất là tư duy điều hành lĩnh vực khoa học nông nghiệp của người Pháp từ chủ trương vĩ mô, xác định mục tiêu chính (còn được gọi là nhiệm vụ cho khoa học công nghệ ngày nay), kiểm tra và trao đổi thường xuyên với lãnh đạo để điều chỉnh mục tiêu và phương pháp tiến hành.

Các trang thiết bị phòng thí nghiệm

Họ xác định rất rõ ràng là các kết quả khoa học dù là nền tảng (nghiên cứu lý thuyết cơ bản) cũng hướng tới mục tiêu ra được sản phẩm hàng hóa với giá thành thấp nhất và chất lượng tốt nhất nên ngoài cơ sở viện nghiên cứu chủ lực đặt tại Hà Nội và Sài Gòn đã đặt ra một loạt các phòng thí nghiệm và các trạm thí nghiệm tại các vùng, cho đến nay không hề sai.

Đó là kết quả của nghiên cứu khoa học cơ bản kết hợp với thực tiễn. Rất đáng tiếc tất cả tư liệu này đã bị bỏ qua do công tác thông tin sưu tầm không mang tính kế thừa theo đúng nguyên lý của khoa học tính kế thừa là một tiền đề bắt buộc.

Nhìn lại bức tranh hiện trạng bây giờ là một sự phát triển theo chiều rộng, thiếu tập trung cho các mục tiêu chiến lược, thiếu kiểm soát, thiếu tính liên kết và hệ thống. Cụ thể như sau: Các viện đã đẻ ra rất nhiều đề tài theo kiểu ghi tên đánh trống để lấy tiền chủ yếu từ ngân sách nhà nước; số lượng biên chế không được kiểm soát về chất lượng công việc; chạy theo tính hàn lâm như thành tích, số lượng tiến sĩ, thạc sĩ… Thiếu tính liên kết để tạo ra sức mạnh trên cơ sở bổ sung thêm về tài chính và tri thức. Không đào tạo ra được nhạc trưởng xuất sắc do sự cào bằng về lương bổng và đãi ngộ.

Tới năm 1936, do nhu cầu phát triển liên tục, các phòng thí nghiệm ở Hà Nội lúc đó trở nên quá khiêm tốn. Người Pháp đã cho xây dựng thêm các phòng thí nghiệm, nhà xưởng và văn phòng gần khu vực Vườn Bách thảo Hà Nội rất hiện đại, tương đương các phòng thí nghiệm ở nước ngoài thời điểm đó.

Theo TS Oanh, không cần nhắc lại sự cần thiết hay không và vị trí của lực lượng khoa học nông nghiệp mà bài toán chính ở đây là vấn đề quản lý cần tập trung xử lý dứt điểm, có lộ trình và kế hoạch thực hiện, sắp xếp lại đội ngũ theo phương châm tinh giản, để lại lực lượng các nhà khoa học có năng lực, chú trọng nhóm có năng lực tổ chức thực hiện.

Khắc phục để không xảy ra các bất cập như đầu tư tràn lan, không kiểm soát được hiệu quả công việc và không có bộ tiêu chí quản lý về con người thực hiện công việc được giao. Vẫn biết rằng việc tinh giản người và cơ sở vật chất hiện nay do sự thu hẹp của ngân sách là vấn đề phức tạp và gian nan nhưng rất cần làm bắt đầu từ một đề tài kiểm kê hiện trạng để định lượng nhằm đề ra phương án giải quyết chính xác.

Xây dựng cơ sở dữ liệu về từng chuyên gia

Khoa học, y tế, giáo dục giống nhau ở chỗ cần những chuyên gia giỏi. Bởi thế, nên xây dựng một cơ sở dữ liệu về từng chuyên gia nông nghiệp, ngoài bằng cấp còn cung cấp thông tin về các công trình khoa học trên thực tế có đánh giá của địa phương và cộng đồng, cùng với các mô hình có thể đi tham quan được. Xây dựng cơ chế tài chính cho phép người tổ chức công việc được chủ động, mục tiêu là hoàn thành công việc, cho phép có phần trăm rủi ro. Đất nước Mỹ sở dĩ vĩ đại bởi họ có đền thờ thất bại, chấp nhận sự thất bại để tìm ra con đường thành công chứ không phải là khư khư trong vòng an toàn.

Thống đốc toàn quyền Brévíe thăm Viện Nghiên cứu Nông học và Lâm nghiệp Đông Dương

Phần nghiên cứu hàn lâm mang tính khoa học cơ bản chỉ nên giữ một phần nhỏ vì đã có Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, cần tạo cơ chế liên kết về lực lượng khoa học cơ bản này. Quan trọng là phải biết cách giữ người giỏi và giữ máy móc tốt. Kiểm kê các phòng thí nghiệm trọng điểm của Bộ trên các phương diện con người vận hành, máy móc thiết bị và đặc biệt sự lãng phí do không có chi phí bảo trì và vận hành tiếp tục. Tạo ra các dịch vụ công trong các phòng thí nghiệm hoặc cho các tập đoàn tư nhân thuê. Cho phép gửi chuyên gia đi biệt phái tại các cơ sở có yêu cầu mà vẫn giữ lương tại viện để cán bộ vừa có kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động vừa có thêm thu nhập. Bắt buộc trong các chính sách phát triển kinh tế xã hội tập trung phát triển cho các sản phẩm nông nghiệp phải có sự đóng góp của viện chuyên ngành.

>>'Sức khỏe' giới khoa học nông nghiệp: Bài 7 - Đâu rồi những Lương Định Của ngày xưa? >>'Sức khỏe' giới khoa học nông nghiệp: Bài 6 - Đầu tư xứng đáng cho hiện tại mới có kết quả trong tương lai >>'Sức khỏe' của giới khoa học nông nghiệp: Bài 5 - Trần tình của một người trong chăn >>'Sức khỏe' giới khoa học nông nghiệp: Bài 4 - Viện chỉ như một sân ga >>'Sức khỏe' giới khoa học nông nghiệp: Bài 3 - Chảy máu chất xám ở một Viện lẫy lừng >>'Sức khỏe' giới khoa học nông nghiệp: Bài 2 - Đời sống nhà khoa học chỉ hơn được mỗi nông dân >>'Sức khỏe' giới khoa học nông nghiệp: Bài 1 - Thủ tục, giấy tờ cao hơn ông chủ nhiệm đề tài

DƯƠNG ĐÌNH TƯỜNG - TRẦN CAO (GHI)

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/suc-khoe-gioi-khoa-hoc-nong-nghiep-bai-8-gan-the-ky-truoc-phap-xac-dinh-muc-tieu-cho-nong-nghiep-viet-nam-the-nao-post238661.html