Sức hút từ 'hộ chiếu vàng' Cyprus

Chương trình 'hộ chiếu vàng' của Cyprus đã giúp khoảng 4.000 nhà đầu tư nước ngoài siêu giàu có 2 quốc tịch kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2013. Tuy nhiên, chương trình cấp hộ chiếu của chính phủ Cyprus gây nhiều nghi vấn vì Cyprus bị phát hiện đã cấp quyền công dân châu Âu cho tội phạm, những người đang bị điều tra tội phạm và những người được coi là có nguy cơ tham nhũng cao.

 Hộ chiếu quyền lực của Cyprus tạo ra nhiều kẽ hở cho tội phạm

Hộ chiếu quyền lực của Cyprus tạo ra nhiều kẽ hở cho tội phạm

"Cục nam châm" của lục địa già

Hiện 17 nước châu Âu bán thẻ cư trú thời hạn tối đa 5 năm, thậm chí có 3 nước châu Âu bán hộ chiếu thời hạn 10 năm. Tờ Le Monde (Pháp) cho biết, để có hộ chiếu Bulgaria, người mua chỉ cần nộp nửa triệu Euro, không nhất thiết là phải cư trú tại Bulgaria. Hộ chiếu Malta là 1.150 triệu Euro. Đắt nhất là hộ chiếu của Cyprus. Để nhận "hộ chiếu vàng" của Cyprus theo chương trình này, các cá nhân cần có khoản đầu tư tối thiểu 2,5 triệu USD vào bất động sản hoặc vào một công ty có trụ sở tại Cyprus.

Điều gì khiến một quốc gia nhỏ bé giữa Địa Trung Hải thu hút nhiều người mua hộ chiếu đến vậy? Cộng hòa Cyprus trở thành thành viên của Liên minh châu Âu (EU) ngày 1/5/2004, sau đó gia nhập khu vực đồng tiền chung euro vào năm 2008. Với ánh nắng quanh năm, những bãi biển đầy cát và làn nước trong xanh được đánh giá là sạch nhất ở EU, Cyprus từ lâu là một địa điểm du lịch nổi tiếng. Với vị trí thuận lợi, nằm gần 3 châu lục Á, Âu và Phi, Cyprus là điểm trung chuyển hàng hóa cũng như để di chuyển đến các nước trong và ngoài châu Âu thông qua hệ thống hàng hải và hàng không phát triển.

Cộng hòa Cyprus cũng là một trong những quốc gia thịnh vượng nhất trong vùng với nền kinh tế dịch vụ phát triển, tỷ lệ tội phạm thấp, chất lượng cuộc sống cao, cơ sở hạ tầng phát triển, cơ sở y tế, kinh doanh hiện đại, hệ thống giáo dục đa dạng nhiều trường tư và đại học tiếng Anh. Được đánh giá là quốc gia an toàn nhất châu Âu và đứng thứ 5 thế giới, Cyprus là nơi lý tưởng để đầu tư kinh doanh và sinh sống. Sau cuộc khủng hoảng 2013, Cyprus đã làm sạch hệ thống ngân hàng, thắt chặt kiểm soát lĩnh vực ngân hàng, từ lâu được xem là "thiên đường tiền mặt" từ Đông Âu. Cyprus đã đẩy mạnh chương trình hộ chiếu cho đầu tư, đồng thời cũng tìm cách chuyển đổi các cổ phiếu, trái phiếu thành tiền mặt đối với các khoản tiền gửi nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí.

Người phụ nữ giàu nhất châu Á Yang Huiyan (Dương Huệ Nghiên) nhận “hộ chiếu vàng” của Cyprus từ năm 2018

Sức hấp dẫn của hộ chiếu Cyprus ở chỗ, người mang hộ chiếu Cyprus có thể được miễn thị thực đến 174 quốc gia trên thế giới và có quyền tự do sinh sống, học tập cũng như làm việc tại 27 nước thành viên EU. Hộ chiếu Cyprus xếp thứ 16 trong danh sách hộ chiếu quyền lực Henley Passport Index. Ngoài ra, tấm hộ chiếu này còn giúp chủ nhân của nó có thể đi Canada, Úc lên đến 90 ngày mà không cần xin thị thực. Do đó, hộ chiếu Cyprus trở nên đặc biệt với các cá nhân giàu có từ các quốc gia bên ngoài EU. Chương trình này đã góp phần tạo ra cho Cyprus khoảng 7,8 tỉ USD. Tổng thống Cyprus Nicos Anastasiades cho biết, khoản tiền đó đã góp phần giúp đất nước hồi phục mạnh mẽ từ thời điểm gần như phá sản.

Hồ sơ mua quốc tịch Cyprus đến từ 70 quốc gia trên thế giới. Các nước có lượng người nộp đơn nhập tịch Cyprus cao nhất là Nga (1.000), Trung Quốc (500) và Ukraine (100). Ngoài ra, người Anh, Mỹ, Mali, Morocco, Israel, Palestine, Nam Phi, Hàn Quốc và Arab Saudi cũng có tên trong danh sách. Người phụ nữ giàu nhất châu Á Yang Huiyan (Dương Huệ Nghiên) là 1 trong số hơn 500 người Trung Quốc nhận "hộ chiếu vàng" của Cyprus từ năm 2017 đến năm 2019. Bà Dương Huệ Nghiên được Forbes vinh danh là người phụ nữ giàu thứ 6 thế giới vào năm 2020 với khối tài sản trị giá 20,3 tỉ USD. Các tài liệu được gọi là "hồ sơ Cyprus" được cho là chứa thông tin về 2.500 người nhập cư đến Cyprus trong khung thời gian này dường như làm sáng tỏ kế hoạch di cư bí mật của giới thượng lưu Trung Quốc.

Mối đe dọa an ninh

EU đang hối thúc các nước thành viên siết chặt điều kiện cấp "hộ chiếu vàng" và "thị thực vàng" cho công dân nước ngoài. Nghị viện châu Âu liên tục nhắc nhở các nước thành viên không biến chính sách thu hút đầu tư thành chuyện mua bán đơn thuần, cứ nộp tiền là được cấp thẻ cư trú trong lãnh thổ Liên minh châu Âu. Việc mua quốc tịch mới không có gì là bất hợp pháp. Tuy nhiên, việc biến quyền công dân thành một loại hàng hóa rủi ro ở chỗ một số người sẽ lạm dụng quyền công dân mới để trốn tránh trách nhiệm từ quốc gia xuất xứ của họ. Trong nhiều trường hợp, một số người bị phát hiện mua hộ chiếu Cyprus ngay trước khi bị buộc tội. Một số người đang sống lưu vong và bị buộc tội vắng mặt. EU coi Cyprus là cửa hậu cho phép những người có ảnh hưởng chính trị từ các quốc gia thù địch đi vào phần còn lại của châu Âu. Theo Laure Brillaud, một chuyên gia chính sách cấp cao của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, một tổ chức phi chính phủ chuyên chiến đấu với nạn tham nhũng quốc tế, các chương trình này có những rủi ro về nạn rửa tiền, tham nhũng và trốn thuế. Chúng được thiết kế để thu hút những người đang tìm đường nhanh tới châu Âu.

Sức hút của đảo Cyprus xinh đẹp

Tài liệu rò rỉ của chính phủ Cyprus cho thấy, đảo quốc Địa Trung Hải này bán quốc tịch cho hàng chục nhân vật bị cáo buộc vi phạm pháp luật ở nước khác, mở đường để họ vào châu Âu. Danh sách người được cấp hộ chiếu có một số nhân vật đang bị điều tra tham nhũng ở nước của họ, như nhà tài phiệt Mykola Zlochevsky của Ukraine (mua hộ chiếu năm 2017) và cựu lãnh đạo Gazprom Nikolay Gornovskiy đang bị Nga truy nã (mua hộ chiếu năm 2019). Vụ bê bối tại Cộng hòa Cyprus hồi cuối năm 2019 cho thấy, lo ngại của Nghị viện châu Âu là có cơ sở. Cộng hòa Cyprus đã cấp hộ chiếu cho một tội phạm tài chính người Malaysia đang bị nhiều nước truy nã vì đã biển thủ 4,5 tỷ USD của một quỹ đầu tư Malaysia. Lần này, Cộng hòa Cyprus buộc phải thu hồi cuốn hộ chiếu đã cấp và xem xét lại nhiều trường hợp tương tự.

Từ cuối năm 2019, chính phủ Cyprus đã mở cuộc điều tra với tất cả các nhà đầu tư nhận quốc tịch Cyprus trước thời điểm các quy định về điều kiện nhận "hộ chiếu vàng" và thủ tục thanh kiểm tra được thắt chặt lần đầu năm 2018. Động thái này diễn ra sau khi EU đưa ra báo cáo hồi tháng 1/2019 cảnh báo Cyprus và các quốc gia khác tăng cường thủ tục thanh kiểm tra do lo ngại công dân các quốc gia thứ 3 có thể lợi dụng chương trình để rửa tiền và lách luật thuế.

Cyprus đã phải siết lại điều kiện cấp "hộ chiếu vàng" cho công dân nước ngoài. Ngoài số tiền 2,5 triệu Euro vẫn phải mang vào Cộng hòa Cyprus, người mua phải có thẻ cư trú trong lãnh thổ Cyprus thời hạn 6 tháng trở lên, lý lịch tư pháp trong sạch, không phải là đối tượng đang bị điều tra ở bất cứ nước nào, trong quá khứ chưa từng bị nước nào trong khối Schengen từ chối visa và phải đang có một visa Schengen còn hiệu lực. Tuy nhiên, Cộng hòa Cyprus vẫn không buộc người bỏ tiền mua hộ chiếu phải cư trú thực tế, giống như là Bulgaria và Malta. Hiện Cyprus đã cam kết sẽ tước quyền công dân của một số người nếu họ phạm tội nghiêm trọng. Tháng 7/2020, chính phủ đảo quốc này đã thông qua một bộ luật cho phép tước quyền công dân Cyprus. Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, với tư cách là quốc gia thành viên của EU, Cyprus hoạt động với sự minh bạch tuyệt đối.

Nguồn: EP, SCMP, Al Jazeera

Nhu Thụy

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/suc-hut-tu-ho-chieu-vang-cyprus-20200908131329446.htm