Sức hút từ du lịch nông nghiệp

Với hơn 70% dân số sống chủ yếu ở khu vực nông thôn, những hoạt động nông nghiệp cùng hệ thống di tích lịch sử, văn hóa truyền thống đang là tiềm năng có sức lôi cuốn mạnh mẽ cho du lịch Việt Nam.

Sản phẩm nông nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng tiêu dùng du lịch

Thời gian qua, một số địa phương trên cả nước đã tích cực đầu tư, khai thác các yếu tố sản xuất nông nghiệp để phát triển du lịch. Nhiều sản phẩm du lịch độc đáo mang đặc trưng văn hóa nông nghiệp vùng miền từ Bắc tới Nam đã được các doanh nghiệp (DN) phối hợp xây dựng, đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách, đồng thời góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân.

Với chủ trương chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ, 3 xã của tỉnh An Giang là Mỹ Hòa Hưng (huyện Long Xuyên), Tân Trung (huyện Phú Tân), Văn Giáo (huyện Tịnh Biên), mỗi xã có từ 10-15 hộ nông dân làm du lịch homestay, du thuyền trên sông, tham quan rừng tràm Trà Sư, săn cá bông lau được du khách rất ưa chuộng. Thành công của du lịch nông nghiệp tại 3 điểm đến này đã lan tỏa ra nhiều huyện khác của An Giang với hàng nghìn người làm việc trực tiếp, gián tiếp cung ứng dịch vụ cho các điểm du lịch. Còn ở Quảng Nam, làng rau Trà Quế, làng gốm Thanh Hà, làng chài Cù Lao Chàm từ lâu đã trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch, việc phát triển du lịch nông nghiệp đã giúp các sản phẩm nông nghiệp như đồ uống, hàng thủ công mỹ nghệ, nông sản các vùng miền được tiêu thụ tại các nhà hàng, khách sạn. Lượng khách tham gia vào hoạt động nông nghiệp ngày một tăng đã đem lại nguồn thu ổn định cho bà con nông dân, DN và đóng góp cho kinh tế địa phương. Thống kê từ Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh cho thấy, nhu cầu của du khách trải nghiệm ở khu nông trại miệt vườn tăng đều từ 20 - 30%, trong đó, sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao tại địa phương đang rất được chú ý.

Dự báo của Tổng cục Du lịch cho biết, tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, nhu cầu nghỉ dưỡng, trải nghiệm tại không gian của các vùng nông nghiệp sẽ ngày càng tăng lên; nhu cầu tiêu thụ đối với thực phẩm sạch, an toàn của khách du lịch sẽ là nguồn thu đáng kế với hoạt động du lịch nông nghiệp. Xu hướng đầu tư phát triển nông nghiệp chất lượng cao của các DN, nhà đầu tư sẽ thúc đẩy hoạt động du lịch nông nghiệp phát triển, tạo thành điểm đến thu hút khách; các mặt hàng nông sản sẽ được thương mại hóa để phục vụ du lịch…

Ông Vũ Nam - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch (Tổng cục Du lịch) - cho rằng, phát triển du lịch nông nghiệp trong nước trên nền tảng công nghệ cao gắn với khai thác các yếu tố văn hóa truyền thống sẽ là hướng đi chủ đạo. Do đó, các địa phương phải huy động các nguồn lực và sự gắn kết của cộng đồng vào hoạt động phát triển du lịch; cần xây dựng sản phẩm đặc trưng, có chính sách hỗ trợ tiếp cận vốn, công nghệ, đầu tư hạ tầng; đưa sản phẩm nông nghiệp sản xuất tại địa phương bằng công nghệ cao thành hàng hóa phục vụ khách du lịch; kết nối địa phương và DN nhằm định hướng tiêu dùng, hoàn thành sản phẩm; bồi dưỡng kỹ năng, thái độ phục vụ cho bà con…

Ông NguyễnVănTuấn- Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch: Du lịch và nông nghiệp cần hợp tác chặt chẽ hơn, đồng thời, dựa trên những giá trị khác biệt và nổi bật của nông nghiệp để tạo ra các sản phẩm mang tính đặc thù, hấp dẫn; có phương thức tiếp thị, quảng bá hiệu quả.

Bảo Thoa

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/suc-hut-tu-du-lich-nong-nghiep-103377.html