Sức hút hồ Ba Bể từ du lịch cộng đồng

Vượt qua gần 250km đường trường, chiếc xe khách chạy từ Hà Nội đưa chúng tôi đến thôn Pắc Ngòi, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn.

Đứng bên nếp nhà sàn gỗ, chị Triệu Thị Huế nở nụ cười tươi chào khách: “Các em đi đường xa chắc là mệt, nghỉ ngơi một chút rồi đi tham quan hồ Ba Bể nhé”. Chị Huế là phụ nữ dân tộc Tày đã luống tuổi. Trước đây, chị chủ yếu cấy lúa, trồng ngô, chăn nuôi gia súc. Từ khi địa phương có chủ trương phát triển du lịch cộng đồng, chị đã chuyển sang phục vụ dẫn khách tham quan du lịch...

Rời ngôi nhà sàn, chị Huế dẫn chúng tôi ra nơi bến thuyền. Một khung cảnh mênh mông hiện ra trước mắt. Mặt hồ xanh trong in hình bóng núi. Gió từ hồ thổi vào mát rượi. Đợi khách lên thuyền, chàng thanh niên Triệu Văn Tuần bắt đầu nổ máy. Thuyền quay đầu rẽ nước lướt trên mặt hồ. Tuần là con trai chị Huế. Học xong THPT, Tuần quyết định ở nhà học lái thuyền máy phục vụ du khách tham quan hồ. Tuần tâm sự: “Pắc Ngòi nằm ngay bên hồ Ba Bể, vì thế cả tuổi thơ của em được ngụp lặn, đánh cá dưới dòng nước mát trong. Cả vùng hồ này em thuộc từng khúc, từng đoạn. Em sẽ đưa các anh đến những nơi có cảnh đẹp tha hồ mà chụp ảnh”.

Du khách tham quan hồ Ba Bể.

Tuần khẽ xoay cần lái, thuyền êm êm rẽ sóng làm tung những bọt nước li ti. Mặt nước hồ mênh mông long lanh màu ngọc bích. Hồ Ba Bể nằm trong quần thể vườn Quốc gia Ba Bể. Sự kết hợp của môi trường, khí hậu, địa chất khiến hồ trở thành khu vực đa dạng sinh học. Quanh hồ Ba Bể nhiều cây cổ thụ với bộ rễ vặn xoắn bám chặt vào từng vỉa đá. Ven bờ, từng đàn bướm rừng như những cánh hoa xuân đang rập rờn trước gió. Qua một khúc cua, nghe tiếng thuyền máy, đàn cò trắng vỗ cánh chao nghiêng, soi bóng nước rồi lượn bay về phía cánh rừng già.

Chị Huế giới thiệu rành rọt từng địa điểm nơi thuyền chạy qua. Khi thấy một gò nhỏ cây xanh tỏa bóng giữa mênh mông sóng nước, chị bảo đó là gò bà Góa. Nơi đây khách có thể ngồi nghe hát Then, nghe sử thi Tày cổ “Khảm hải” (Vượt biển) cùng ngắm non nước mây trời Ba Bể. Không chỉ có vậy, điểm tô cho vẻ đẹp nơi đây còn phải kể đến đảo An Mã. Trên đảo có ngôi đền nhỏ quanh năm trầm hương tỏa khói. Từ khi đẩy mạnh hoạt động du lịch, đền An Mã không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của người dân bản địa, mà còn thu hút rất đông du khách đến dâng hương chiêm bái.

Tìm hiểu về đời sống của nhân dân, ông Hoàng Văn Truyền, Trưởng thôn Pắc Ngòi cho biết: “Người dân nơi đây quanh năm bám lấy hồ để mưu sinh. Những lúc nước cạn, bà con tranh thủ cấy lúa, trồng ngô; khi nước lên thì đánh cá, bắt tôm. Nhưng việc đánh bắt được địa phương quy định chặt chẽ để bảo đảm đa dạng sinh học trong lòng hồ. Khi địa phương phát triển du lịch, đồng bào đã chủ động cung cấp các sản phẩm nông nghiệp, đặc sản của địa phương phục vụ du khách, góp phần có thu nhập ổn định”. Thuyền nghỉ tại bến, chúng tôi đi bộ để ngắm thác Đầu Đẳng. Tại đây du khách được thưởng thức bữa ăn trưa nhanh với cá, tôm, trứng gà nướng do chính đồng bào dân tộc Tày phục vụ.

Sau cuộc điện thoại, chúng tôi gặp được anh Triệu Văn Tươi. Anh vốn là thợ rừng chuyên dẫn khách đi khám phá các ngọn núi, thác nước, tìm hiểu đời sống của đồng bào người Dao, người Mông. Anh Tươi dẫn đoàn lên thác Tát Mạ cách hồ Ba Bể khoảng gần 10km. Dòng thác từ trên núi cao đổ xuống tung bọt trắng xóa. Khách du lịch có thể vừa ngắm cảnh, tắm thác vừa đốt lửa nướng đồ ăn ngay bên sườn núi.

Chiều muộn, chúng tôi vào homestay Khánh Toàn nằm ở giữa thôn Pắc Ngòi. Anh Ngôn Văn Sơn là chủ ngôi nhà sàn gỗ với 12 phòng nghỉ rộng rãi có lắp wifi. Khi chưa làm du lịch, anh là người lao động tự do, công việc bấp bênh không ổn định. Nắm được chủ trương phát triển du lịch cộng đồng của địa phương, anh Sơn mạnh dạn đầu tư xây dựng homestay ngay tại bản mình. Bằng sự năng động, nhạy bén, anh học tập thêm kiến thức về du lịch và ngoại ngữ để quảng bá phong cảnh thiên nhiên Ba Bể, đồng thời giao dịch với du khách nước ngoài qua trang web. Anh cũng là người kết nối với các công ty du lịch thực hiện những tour tham quan Ba Bể. Khách lưu trú tại homestay nếu có nhu cầu về ẩm thực, gia đình sẽ phục vụ tận tình các món đặc sản của đồng bào địa phương, như: Xôi nếp nương, thịt gà nướng, mắm tép chua, rau bò khai… Bên cạnh ẩm thực, du khách còn được thưởng thức các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Tày ngay tại nhà nghỉ cộng đồng. Nếu du khách có nhu cầu thưởng thức các điệu hát Then, chị Dương Thị Thỏa (vợ anh Sơn), thành viên đội hát Then của thôn Pắc Ngòi sẽ liên hệ với các hội viên đến trực tiếp biểu diễn, giao lưu với khách du lịch. Hiện tại trong thôn có 4 đội hát Then thường xuyên biểu diễn lưu động phục vụ khách tham quan.

Chủ tịch UBND xã Nam Mẫu Nguyễn Thị Hằng, cho biết: “Nhận thấy những lợi ích thiết thực từ hoạt động du lịch cộng đồng, địa phương đã có nhiều chính sách khuyến khích các hộ gia đình tham gia để khai thác tiềm năng lợi thế sẵn có về du lịch trên địa bàn. Người dân thông qua tập huấn, hướng dẫn đã có sự chuyển biến về nhận thức, chủ động đầu tư xây dựng homestay và các dịch vụ khác. Hiện tại, toàn xã có 43 homestay đang phục vụ du lịch. Những kết quả từ du lịch cộng đồng góp phần nâng cao đời sống của đồng bào. Điều mong muốn của địa phương hiện nay là cấp trên quan tâm nâng cấp hệ thống đường giao thông, đầu tư quy hoạch các điểm du lịch nhằm thu hút nhiều du khách đến với Ba Bể”.

Bài và ảnh: VŨ DUY

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/suc-hut-ho-ba-be-tu-du-lich-cong-dong-543612