'Sức hút' của năng lượng tái tạo

Dự báo của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (CTS), năng lượng tái tạo sẽ có tốc độ tăng trưởng bình quân gần 20% trong 10 năm tới.

CTS vừa công bố báo cáo dự báo ngành điện sản xuất từ năng lượng tái tạo phi thủy điện tại Việt Nam. Báo cáo cũng dự báo tiềm năng phát triển ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam. “Nhà đầu tư đang có cơ hội gia nhập thị trường có định giá ước tính 714 tỉ USD”, CTS nhận định.

Trong đó điện mặt trời: 280 tỉ USD, điện gió: 434 tỉ USD. CTS đánh giá đây là sân chơi quy mô lớn với thời gian phát triển nhanh dài hơn 25 năm. Tỉ suất IRR (tỉ lệ hoàn vốn nội bộ) cao hơn đối với điện mặt trời và thấp hơn với điện gió. IRR cao nhất điện áp mái dân dụng tới 36%.

Theo đánh giá của CTS, đây là thị trường tiềm năng không nên bỏ lỡ của nhà đầu tư xây dựng, mua - bán và ngân hàng, các tổ chức tài chính tham gia tài trợ dự án nhất là đối với điện mặt trời.

CTS dự báo năng lượng tái tạo sẽ có tốc độ tăng trưởng bình quân gần 20% trong 10 năm tới, gấp hơn 2 lần tốc độ tăng trưởng bình quân ngành điện khoảng 9%. Nguyên nhân chủ yếu là từ chuyển hướng chiến lược, giảm tỉ trọng nhiệt điện than và tăng sản xuất điện từ năng lượng tái tạo (chủ yếu là mặt trời và gió). Dự báo tới năm 2030, tỉ trọng công suất phát từ năng lượng tái tạo sẽ vượt qua điện than.

Theo CTS, Việt Nam có thể đối mặt với sự thiếu hụt gia tăng nhu cầu điện năng và tiêu thụ trong thập kỷ tới, điều này sẽ đẩy mạnh phát triển nhanh công suất nguồn phát.

“Chúng tôi tin rằng Chính phủ sẽ ưu tiên phát triển lĩnh vực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và ổn định của đất nước, trong bối cảnh nguy cơ thiếu điện ngày càng gia tăng. Chúng tôi dự báo công suất điện trong Việt Nam sẽ tăng trưởng trung bình hàng năm 10,5% từ năm 2020 đến năm 2030”, CTS nhận định.

Trong bối cảnh này, CTS kỳ vọng việc mở rộng quy hoạch điện của Việt Nam sẽ thúc đẩy sự phát triển của năng lượng tái tạo. Ước tính của CTS từ 2020-2030, tăng trưởng nguồn năng lượng mặt trời là 12,8% và điện gió là 34,2%. Khí tự nhiên vẫn sẽ là nguồn sản xuất điện quan trọng của Việt Nam, chiếm 18,8% tổng nguồn điện vào năm 2030.

Đối với thủy điện, vào cuối năm 2019, các đập thủy điện lớn đã có mực nước thấp kỷ lục do sự thay đổi thời tiết trong quốc gia có khả năng đe dọa đến sản lượng thủy điện vào năm 2020.

CTS kỳ vọng mức tăng nhẹ đối với sản xuất thủy điện trong thập kỷ tới và tỉ trọng thủy điện trong nguồn phát điện sẽ giảm dần xuống còn khoảng 18,1% năm 2030 từ mức ước tính 36,2% vào năm 2020, với sự gia tăng nhanh chóng của các nguồn năng lượng tái tạo.

CTS dự báo năng lượng tái tạo phi thủy điện sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, đạt trên 7,3 GW vào cuối năm 2020, và 42,5 GW vào cuối năm 2030, phù hợp với môi trường pháp lý ngày càng hỗ trợ cho ngành cùng với tiềm năng năng lượng tái tạo ngoài thủy điện chưa được khai thác. CTS cũng kỳ vọng rằng công suất năng lượng tái tạo phi thủy điện sẽ tăng trưởng với tốc độ mạnh mẽ ở mức 20% trong 10 năm tới.

Nhật Lệ

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/kinh-doanh/suc-hut-cua-nang-luong-tai-tao-3338278/