Sức hút của mỹ thuật Đông Dương

Qua 'phép thử' trăm năm, mỹ thuật Đông Dương đã và đang được nhà sưu tầm trong và ngoài nước quan tâm, liên tiếp lập kỷ lục về giá. Giới nghiên cứu dự báo sức hút và giá trị của các tác phẩm thời kỳ này cũng như mỹ thuật Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng thời gian tới.

Khẳng định giá trị

Trò chuyện về “Mỹ thuật Đông Dương: Từ lịch sử đến thị trường” mới đây, theo nhà nghiên cứu độc lập, chuyên gia về lịch sử hội họa Việt Nam Ngô Kim Khôi, kể từ khi Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thành lập năm 1925, lịch sử mỹ thuật hiện đại Việt Nam đã bước sang một trang mới. Trải qua thăng trầm, nhiều họa sĩ đã thành danh ở cả trong và ngoài nước.

Các tác phẩm mỹ thuật Đông Dương ngày càng có sức hút. Ảnh: hanoigrapevine.com

Các tác phẩm mỹ thuật Đông Dương ngày càng có sức hút. Ảnh: hanoigrapevine.com

Nhắc đến mỹ thuật Đông Dương, người trong nước thường truyền nhau câu nói “Nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn”, tương ứng với bộ tứ danh họa: Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn, mỗi người đều lưu dấu những “thần sắc" rất riêng trong hội họa. Bên cạnh đó là "bộ tứ" Lê Thị Lựu, Lê Phổ, Mai Trung Thứ và Vũ Cao Đàm, cũng tốt nghiệp những khóa đầu của Mỹ thuật Đông Dương, định cư tại Pháp từ trước Thế chiến 2 đến khi qua đời. Các danh họa này giữ vai trò quan trọng, khẳng định tên tuổi của tranh Việt trên thị trường thế giới, giúp quốc tế sớm biết, sớm hình dung về mỹ thuật Đông Dương, mỹ thuật Việt Nam hiện đại...

Có thể thấy, hàng thập kỷ đã trôi qua kể từ khi tranh của các họa sĩ giai đoạn Đông Dương ra đời, nhưng chúng vẫn chiếm được tình cảm và sự quan tâm của người yêu mỹ thuật Việt Nam cũng như quốc tế. Những năm gần đây, các tác phẩm nghệ thuật thời kỳ này xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường giao dịch, trên sách báo khảo cứu và truyền thông.

Tại các triển lãm hay phiên đấu giá quốc tế, mỹ thuật Đông Dương được định giá ngày càng cao, thậm chí lên tới hàng triệu USD, và ngày càng tăng. Tháng 4.2021, tại phiên đấu giá của Sotheby's Hong Kong, tác phẩm sơn dầu “Chân dung cô Phương" của danh họa Mai Trung Thứ được định giá 3,1 triệu USD, đạt mức giá công khai cao nhất của mỹ thuật Việt Nam. Họa sĩ Lê Phổ cũng sở hữu 4 bức tranh Đông Dương đắt giá nhất: “Những dáng hình trong khu vườn” (2,3 triệu USD); “Khỏa thân” (1,4 triệu USD), “Thiếu nữ choàng khăn” (1,1 triệu USD); “Đời sống gia đình" (1,1 triệu USD). Tác phẩm “Vỡ mộng" của họa sĩ Tô Ngọc Vân từng được bán với giá 1,1 triệu USD; 2 tác phẩm “Phong cảnh chùa thầy" và “Chín con cá chép trong hồ nước" của họa sĩ Phạm Hậu cũng cán mốc 1 triệu USD...

Tuy nhiên, đi kèm với tranh tăng giá và danh tiếng trên thị trường quốc tế là nguy cơ tranh giả, vì các họa sĩ thời Đông Dương phần lớn đã qua đời và không có giấy tờ chứng thực, việc thẩm định tranh thật - giả còn nhiều khúc mắc...

Điểm sáng cho thị trường nghệ thuật

Mới đây, triển lãm tranh Đông Dương quy mô lớn với chủ đề “Hồn xưa bến lạ” (Timeless Souls: Beyond the Voyage) được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh. Lần đầu tiên, người yêu nghệ thuật trong nước được chiêm ngưỡng các tác phẩm vốn nằm trong những bộ sưu tập tư nhân nổi tiếng của các danh họa Lê Thị Lựu, Lê Phổ, Mai Trung Thứ và Vũ Cao Đàm. Triển lãm do nhà đấu giá Sotheby's tổ chức, nhằm ghi nhận vai trò của Việt Nam như một chiếc nôi văn hóa nghệ thuật quan trọng, kèm theo một cộng đồng nhà sưu tập đang tăng trưởng mạnh mẽ.

Triển lãm này được kỳ vọng là bước đệm để các sàn đấu giá lớn khác dấn thân vào thị trường Việt Nam, nơi đang nằm trong nhóm thị trường nghệ thuật tăng trưởng nhanh trong khu vực, cũng như thu hút sự quan tâm từ giới yêu nghệ thuật và nhà sưu tập trên toàn cầu. Nhà nghiên cứu và giám tuyển nghệ thuật độc lập Ace Lê nhận định: Thị trường mỹ thuật Việt Nam đang được đánh giá rất tiềm năng, các số liệu thể hiện tốt nhất ở Đông Nam Á. Giao dịch trực tuyến cũng mở ra cơ hội cho lứa nhà sưu tập trẻ tham gia thị trường. Cộng đồng người mua đang thay đổi nhanh. Những năm 1990, phân khúc mua tác phẩm nghệ thuật 90% là người nước ngoài. Đến năm 2010, tỷ lệ này là 50 - 50; hiện nay đã có sự thay đổi bền vững, với 70% là người mua nội địa.

“Cơ hội tốt cho thị trường nghệ thuật là có một thế hệ nhà sưu tập mới, trẻ, có ý thức, chiến lược sưu tập mới, nhu cầu thưởng lãm song song với nhu cầu nghiên cứu kỹ càng, công việc liên quan đến văn hóa như giám tuyển, triển lãm, xuất bản. Các nhà sưu tập mới tạo điểm sáng, sự lạc quan cho tương lai thị trường nghệ thuật Việt Nam” - ông Ace Lê nói.

Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi bày tỏ sự vui mừng khi nhận thấy nền mỹ thuật Việt Nam khởi sắc trong khoảng 10 năm trở lại đây. Người Việt đã có khả năng mua các bức tranh mà trước đây tưởng như không thể với tới. Hiện nay nhiều nhà sưu tập có điều kiện hơn, đời sống tinh thần cao, đưa nhiều tranh trở về cố hương. Điều này sẽ dần giúp mỹ thuật Việt Nam được nhìn nhận đúng với giá trị, ngang bằng thị trường tranh của các quốc gia Đông Nam Á. Trong đó, giá trị các tác phẩm của các danh họa thời kỳ Đông Dương sẽ tiếp tục tăng theo thời gian, có thể vượt con số 3,1 tỷ USD cho tác phẩm của họa sĩ Mai Trung Thứ...

Khi người Việt làm chủ cuộc chơi trong nước, công chúng có thói quen, hiểu biết về nghệ thuật và tôn trọng sở hữu trí tuệ, có hạ tầng cơ sở, luật pháp giúp xử lý “ung nhọt” tranh giả, thị trường nghệ thuật nước ta có thể phát triển hơn nữa. Các nhà nghiên cứu cho rằng, hiện nay, mỹ thuật Đông Dương được xem như cái bóng quá lớn phủ lên thị trường nghệ thuật Việt Nam. Tuy nhiên, với giá tranh tăng nhanh, số lượng tác phẩm có hạn, trong thời gian không xa, mỹ thuật Đông Dương sẽ nằm trong các bộ sưu tập và ít tác phẩm được bán. Khi đó, thị trường tranh hậu hiện đại và tranh đương đại sẽ được chú ý nhiều hơn.

Ngọc Phương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/suc-hut-cua-my-thuat-dong-duong-i298687/