Sức hấp dẫn từ thị trường phái sinh

Đầu tuần qua, cổ phiếu (CP) nhóm ngành chứng khoán (CK) đã có giao dịch khá tích cực, nhưng phải đến phiên chốt tuần, ngày 4-8, mới đồng loạt tăng giá. Diễn biến sôi động này có thể là do sức hút từ thị trường (TT) phái sinh được các nhà đầu tư (NĐT) mạnh tay chiết khấu vào giá.

Sau phiên điều chỉnh kỹ thuật ngày 2-8, TT đã tăng mạnh trở lại trong phiên áp chót tuần qua, ngày 3-8. Thanh khoản gia tăng tốt và CP tăng giá rất nhiều. Điều này bảo đảm cho VN Index tiếp tục tăng cao. Sau khi vượt qua mức đỉnh cũ ở 780 điểm, chỉ số VN Index sẽ hướng tới mức cao hơn quanh 790 điểm. Các báo cáo của công ty chứng khoán (CTCK) đều cho rằng, TT sẽ gặp nhiều khó khăn hơn ở ngưỡng này. Quả thật, phiên này TT nhìn chung là tăng giá rất tốt nhưng VN Index vẫn chưa đủ lực để vượt qua ngưỡng 790 điểm. VN Index đóng cửa phiên tại 788,49 điểm, tăng 0,29% hay 2,26 điểm so ngày 2-8. Chỉ cần có thêm một phiên tăng như phiên “áp chót tuần” như thế này nữa là chỉ số sẽ cán mốc 790 điểm.

Phiên này, TT giao dịch khá sôi động và các CP lớn như những động cơ hoạt động luân phiên. VNM tiếp tục xứng đáng là CP dẫn dắt khi có thêm phiên thứ hai tăng mạnh 1,05%. Nhóm CP ngân hàng (NH) góp sức với BID tăng 2%, VCB tăng 0,52%, EIB tăng 4,8%, NVB tăng 3,9%.

Mảng sáng nhất trong nhóm blue chip tiếp tục là các CP cơ bản. Thí dụ như: FPT tăng 1,42%, HSG tăng 2,06%, KDC tăng 3,49%, REE tăng 3,24%, PVD tăng 1,38%... Một điểm nữa cho thấy TT đang dồn lực vào các blue chip, chính là giá trị giao dịch rất cao. Phiên này có 13 CP ở hai sàn giao dịch tới hơn 100 tỷ đồng, chiếm 39% giá trị giao dịch khớp lệnh của toàn TT. Phần lớn các mã trong nhóm này là blue chip. Hiện tượng giao dịch sôi động của các blue chip cho thấy định hướng khá rõ của dòng tiền hiện tại. Rất có thể các tổ chức đang quan tâm nhiều hơn tới nhóm này vì TT phái sinh sắp mở cửa, mà sản phẩm chính sẽ là hợp đồng tương lai với chỉ số HoSE30 Index.

Việc VN Index tăng ngày càng cao đã khuyến khích hoạt động đầu cơ lên một cấp độ mới. Trong chục phiên tăng liên tục của TT hiện tại, ngày nào cũng có không dưới 30 CP kịch trần. Đây là hiện tượng ít khi xảy ra vì các CP thường chịu tác động từ biến động của TT chung. Nếu TT sụt giảm mạnh thì khó có mã nào đi ngược dòng được lâu. Tuy nhiên lúc này, dòng tiền đầu cơ mới có vẻ đang dồi dào. Các CP tăng trần liên tục xuất hiện, tái diễn cảnh đầu cơ thành phong trào trước đây.

Phiên cuối tuần 4-8, TT không thật sự mạnh nếu nhìn từ chỉ số VN Index tăng có 0,02%. Tuy nhiên, giao dịch không vì thế mà kém sôi động. Các CP nhóm chứng khoán nổi lên như điểm sáng. Nhiều thông tin dồn dập liên quan việc triển khai TT phái sinh ngay trong tháng 8 bắt đầu được NĐT chú ý. Liên tục mấy ngày qua các CTCK gửi thư mời khách hàng mở tài khoản cũng như tham dự các hội thảo về cơ hội đầu tư trên TT phái sinh. Mặc dù khả năng TT này giao dịch sôi động ngay từ đầu hay không vẫn còn khá mờ mịt thì các CTCK với đội ngũ chuyên nghiệp lại là đối tượng sẵn sàng trước tiên.

TT phái sinh như thông lệ quốc tế, chỉ cần một thời gian ngắn là có tốc độ tăng trưởng thanh khoản cao. Giao dịch trên TT phái sinh về cơ bản không khác nhiều lắm với giao dịch CP. TT phái sinh hứa hẹn là kênh thu hút khách hàng lớn cho các CTCK.

Ngay từ đầu tuần qua, CP nhóm ngành CK đã có giao dịch khá tích cực, nhưng đến phiên này mới đồng loạt tăng giá. Diễn biến sôi động này có thể là do sức hút từ TT phái sinh được NĐT chiết khấu vào giá. Thực tế, các mã CPCK đều thuộc nhóm tăng mạnh nhất TT phiên này: SSI tăng 1,73%, HCM tăng 2,1%, VND tăng 3,75%, SHS tăng 7,79%, BSI tăng 3,5%, CTS tăng 5,08%, AGR tăng 4,4%... Ngoài các CP của những CTCK hàng đầu nêu trên, các CP của các CTCK nhỏ hơn cũng tăng rất tốt. Điểm khác biệt căn bản trong diễn biến tăng mạnh phiên này là tính thanh khoản. Chỉ các CTCK lớn mới thu hút được NĐT đổ tiền quy mô lớn. Ngoài khả năng hấp thụ lượng tiền lớn ổn định khiến rủi ro thanh khoản thấp, các CTCK lớn mới là đối tượng hưởng lợi từ việc triển khai TT phái sinh.

Trong phiên chốt tuần qua, các blue chip thuộc rổ HoSE30 cũng giao dịch tốt hơn mặt bằng chung của TT. Sản phẩm được cho là sẽ giao dịch chủ yếu đối với NĐT trên TT phái sinh là hợp đồng tương lai của chỉ số HoSE30 Index. Mức độ liên quan giữa TT phái sinh với các CP và chỉ số HoSE30 Index là rất lớn.

Chỉ số VN Index phiên này tăng quá nhẹ, không liên quan nhiều đến giao dịch chung của CP. Nguyên nhân trực tiếp là các CPNH đã sụt giảm quá nhiều: VCB giảm 0,65%, BID giảm 2,18%, CTG giảm 0,99%, MBB giảm 0,85%, EIB giảm 0,76%. STB là mã duy nhất của nhóm CPNH tăng 3,25%. Các CP vốn lớn đồng loạt giảm mạnh đã khiến VN Index giảm. Đóng cửa, VN Index tăng nhẹ 0,19 điểm (+0,02%) lên 788,68 điểm, với tổng khối lượng giao dịch đạt 202,95 triệu đơn vị, giá trị 3.894,31 tỷ đồng, giảm 2,86% về lượng và 8,4% về giá trị so phiên 3-8. Tuy nhiên, phần đông CP tăng giá tốt. Trên toàn TT, cứ 1 CP giảm giá lại có 1,28 CP tăng giá. Vì vậy, TT phiên này tuy điểm số kém xa phiên “áp chót tuần”, ngày 3-8, nhưng giao dịch thực chất lại tích cực hơn.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/baothoinay/baothoinay-kinhte/baothoinay-kinhte-taichinh/item/33708502-suc-hap-dan-tu-thi-truong-phai-sinh.html