Sức ép từ Mỹ kéo Nga – Trung xích lại với nhau

Chỉ một tháng sau khi bắt đầu nhiệm kỳ mới, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc, điều đặc biệt cho thấy sức ép gia tăng của Mỹ đang lôi kéo hai quốc gia này nhanh chóng xích lại gần nhau.

Hai “kẻ thù” hàng đầu của Mỹ

Nga và Trung Quốc đều phản ứng trước chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ, trong đó mô tả Moscow và Bắc Kinh là các kẻ thù hàng đầu của Mỹ, với việc cam kết sẽ mở rộng hơn nữa hợp tác kinh tế, chính trị và quân sự. Họ cũng tìm cách củng cố Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), một tổ chức khu vực mà hai bên cùng thiết lập.

Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 10/2017. (Nguồn: AFP)

Việc nối lại quan hệ hữu nghị giữa Bắc Kinh và Moscow được thúc đẩy bởi mối quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa Tổng thống Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - người được xem là nhà lãnh đạo Trung Quốc quyền lực nhất kể từ thời Mao Trạch Đông. Theo Yuri Ushakov, cố vấn chính sách đối ngoại của ông Putin, hai bên đã gặp gỡ 25 lần và chỉ riêng năm 2017 đã có tới 5 lần gặp mặt. Lần này, chuyến thăm của ông Putin bắt đầu từ ngày 8/6.

Để nhấn mạnh hơn nữa mối quan hệ thân thiết với ông Tập, ông Putin phát biểu với truyền thông Trung Quốc hôm 6/6 rằng, Chủ tịch Trung Quốc là nhà lãnh đạo thế giới duy nhất mà ông từng mời tới dự lễ sinh nhật.

Hai nhà lãnh đạo đều dựa vào chính sách kiểm soát an ninh thắt chặt để ngăn chặn các thách thức với quyền lực của họ và cả hai đều được tăng cường củng cố quyền lực trong năm nay. Ông Tập đã thành công trong nỗ lực nhằm duy trì quyền lực mãi mãi, trong khi ông Putin - nhà lãnh đạo cầm quyền tại Nga lâu năm nhất kể từ thời Josef Stalin, đã giành chiến thắng nhiệm kỳ 6 năm tiếp theo.

Fyodor Lukyanov, chuyên gia về chính sách đối ngoại hàng đầu tại Moscow, nói: “Họ dường như có mối quan hệ cực kỳ tốt đẹp. Họ có lập trường tương tự nhau và chia sẻ tầm nhìn chung”.

Không có mẫu hình tương đương

Động lực khiến ông Putin xích lại gần Trung Quốc là bởi sự tụt dốc nghiêm trọng trong quan hệ với phương Tây sau vụ thôn tính Crimea của Moscow năm 2014 và việc Nga hậu thuẫn cuộc nổi dậy của các phần tử ly khai ở miền Đông Ukraine. Moscow đang ngày một hợp tác tốt hơn với Bắc Kinh trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, sau làn sóng trừng phạt của phương Tây nhằm vào ngành năng lượng và ngành công nghiệp quốc phòng, cũng như hạn chế Nga tiếp cận với các thị trường tài chính toàn cầu.

Việc nối lại quan hệ hữu nghị giữa Bắc Kinh và Moscow được thúc đẩy bởi mối quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa Tổng thống Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: ITAR-TASS)

Trong cuộc phỏng vấn mới đây, ông Putin nói: “Trong các thập kỷ qua, Nga và Trung Quốc đã phát triển mối quan hệ mà không có mẫu hình tương đương nào trên thế giới hiện nay. Mối quan hệ đó được xây dựng dựa trên việc cân nhắc các lợi ích chung”.

Hy vọng của Nga về mối quan hệ tốt đẹp hơn với Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã tiêu tan, trong lúc những bất đồng giữa Trung Quốc và Washington đã trở nên nghiêm trọng, bởi nguy cơ chiến tranh thương mại. Và bởi, những lời chỉ trích của Mỹ về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông có tầm quan trọng chiến lược.

Trong một tuyên bố cứng rắn bất thường, tân Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa hồi tháng 4/2018 nói rằng, ông lựa chọn Nga là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên để gửi một dấu hiệu tới Washington về mối quan hệ quân sự ngày một thân thiết giữa Moscow và Bắc Kinh.

Theo Li Xin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nga và Trung Á thuộc Viện Nghiên cứu Đối ngoại Thượng Hải, đánh giá: “Nói một cách đơn giản, tất cả những gì Mỹ đang làm nhằm trừng phạt Nga và kiềm chế Trung Quốc sẽ khiến Trung Quốc và Nga tăng cường hợp tác trong mọi lĩnh vực”.

Nga và Trung Quốc phần lớn có chung quan điểm tại Liên hợp quốc để phản đối cuộc can thiệp vào Syria và dập tắt các nỗ lực nhằm chỉ trích hồ sơ nhân quyền của họ. Cả hai bên đều tìm cách xác lập các lợi ích của họ trong các cuộc đàm phán về Triều Tiên. Moscow cũng đã ủng hộ Bắc Kinh phản đối chiến dịch tự do hàng hải của Hải quân Mỹ ở Biển Đông.

Nga và Mỹ đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung, bao gồm cuộc tập trận ở Biển Đông và cuộc tập trận hải quân chung ở biển Baltics mùa Hè năm ngoái. Tháng 12/2018, quân đội hai bên đã tổ chức cuộc tập trận phòng thủ tên lửa để luyện tập ứng phó với các mối đe dọa tên lửa của nước ngoài, điều phản ánh mối quan ngại chung về chương trình phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Nga cũng chia sẻ các công nghệ quân sự hàng đầu với Trung Quốc, cung cấp cho họ các hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 và máy bay chiến đấu Su-35 mới nhất. Tuy nhiên, mặc dù hợp tác chính trị và an ninh đã nảy nở nhưng quan hệ kinh tế hai bên vẫn tụt lại phía sau. Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Nga, trong khi Nga chỉ xếp thứ 10 trong danh sách của Trung Quốc. Nhưng các thỏa thuận mới sẽ được ký kết trong chuyến thăm lần này của ông Putin.

Bắc Kinh cũng thể hiện sự quan tâm trở lại với các dự án đường sắt và cơ sở hạ tầng khác tại Nga, trong khi theo đuổi Sáng kiến Vành đai và Con đường, nhằm khuyến khích sự phát triển tại các nước Trung Á thuộc Liên Xô cũ. Trong khi đó, Moscow tiếp tục coi Trung Á nằm trong vùng ảnh hưởng của họ và tỏ ra dè dặt về sự bành trướng kinh tế của Trung Quốc trong khu vực - một phần bởi sự nghi kỵ từ thời Chiến tranh Lạnh. Kể từ đó, hai bên dường như đã chấp nhận sự hiện diện cùng nhau tại khu vực.

Theo ông Lukyanov, người đứng đầu Hội đồng Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng Nga, “việc củng cố hợp tác với Trung Quốc là ưu tiên chiến lược của Nga. Tuy nhiên, cũng cần hiểu rõ rằng mỗi quốc gia đều có lợi ích của riêng họ”.

(theo AP, TTXVN)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/suc-ep-tu-my-keo-nga-trung-xich-lai-voi-nhau-72484.html