Sức ép triển khai đầu tư nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất

Cảng hàng không Tân Sơn Nhất đã vượt công suất thiết kế sản lượng hành khách từ cuối năm 2017. Tuy nhiên, phương án mở rộng nhà ga T3 theo dự kiến từ năm 2020 đến nay vẫn chưa chốt.

Sức ép mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất đang đến gần nhưng Chính phủ chưa quyết nhà đầu tư nào sẽ thực hiện dự án mở rộng nhà ga T3. Ảnh:TL

Bộ Quốc phòng đã thống nhất việc bàn giao khu đất 16,37 ha cho Bộ Giao thông Vận tải để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, theo quy hoạch chi tiết sân bay Tân Sơn Nhất giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Khu đất này được phê duyệt để đầu tư xây dựng nhà ga T3 (quốc nội) có tổng diện tích sàn nhà ga 100.000m2, gồm ga đi và ga đến tách biệt, công suất 20 triệu lượt khách/năm. Tại đây, còn có thêm các công trình phụ trợ như mở rộng sân đỗ máy bay, bãi đỗ xe, nhà để xe 13 tầng, đường dẫn, cầu cạn…

Nếu việc đầu tư được triển khai thực hiện thì sau khi mở rộng nhà ga T3, công suất cảng hàng không Tân Sơn Nhất sẽ lên đến 45-50 triệu lượt khách/năm so với công suất 36 triệu lượt khách/năm vào cuối năm 2017. Riêng nhà ga T1 (quốc nội) đã vượt 1,5 lần công suất thiết kế.

Tuy nhiên, đến nay ai sẽ là chủ đầu tư dự án mở rộng nhà ga T3 thì chưa được Chính phủ quyết định. Theo đề xuất của Tổng công ty Cảng hàng không (ACV), đơn vị hiện đang quản lý 22 cảng hàng không trên cả nước, với dự án có tổng mức đầu tư khái toán ban đầu xấp xỉ 11.660 tỉ đồng thì có có thể xây dựng T3 theo hai phương án.

Phương án 1 là ACV sẽ đầu tư toàn bộ dự án bằng nguồn vốn tự có và kinh nghiệm vận hành. Bởi nếu chọn ACV thì việc đầu tư sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch từ năm 2020 và có thể hoàn thành vào năm 2022, kịp đi vào khai thác. Cũng theo tính toán của ACV, với tổng mức đầu tư nói trên cộng với trượt giá và lãi suất cộng dồn sau thời gian đầu tư (cỡ chừng 11.800 tỉ đồng), cũng cần đến 23 năm mới thu hồi được vốn. Song hiện nay ACV lại đang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần nên theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Xây dựng, về lý là không thể giao dự án cho ACV.

Phương án 2 là ACV sẽ góp vốn theo các mức độ khác nhau (từ 36% đến 65%) vào doanh nghiệp dự án nhưng lại e ngại các quy định hiện hành chưa bao quát đủ các vấn đề liên quan đến tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, nhượng quyền đầu tư.

Bộ Giao thông Vận tải đến nay vẫn giữ nguyên quan điểm kiến nghị Chính phủ giao cho ACV đầu tư dự án này, chứ không đầu tư theo hình thức PPP vì thời gian chuẩn bị lựa chọn nhà đầu tư (đấu thầu) sẽ kéo dài, khiến dự án chậm tiến độ, sẽ ảnh hưởng đến khai thác hạ tầng hàng không vào năm 2022.

Lan Nhi

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/283009/suc-ep-trien-khai-dau-tu-nha-ga-t3-san-bay-tan-son-nhat.html