Sức ép 'tăng tốc' tín dụng đẩy lãi suất huy động ngân hàng tăng

Theo một chuyên gia tài chính, lý giải phù hợp nhất về biến động lãi suất thời điểm này đó là mùa tín dụng đang ở giai đoạn cao điểm, nhu cầu vay vốn tăng lên nên các ngân hàng phải tranh thủ hút tiền gửi để có nguồn cho vay.

Nhiều ngân hàng đã đồng loạt tăng lãi suất huy động.

BIDV vừa chính thức điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi ở hầu hết các kỳ hạn. Theo đó, các khoản tiền gửi kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng sẽ được hưởng lãi suất 4,8%/năm, tăng 0,5% so với mức lãi suất cũ. Tiền gửi kỳ hạn 3 tháng cũng được nâng từ mức 4,8% lên 5,2%/năm. Các khoản tiền gửi kỳ hạn 9 tháng trở lên ngân hàng áp dụng mức lãi suất cào bằng 6,9%/năm.

VietinBank mới đây cũng có động thái tăng lãi suất tiền gửi. Theo đó, với các khoản tiền gửi kỳ hạn 6 đến 9 tháng, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất 5,8%/năm (thay vì 5,5- 5,7% trước đó); kỳ hạn 12 tháng cũng tăng từ 6,5% lên 6,8%/năm.

Bên cạnh đó, hàng loạt ngân hàng cổ phần khác cũng đã nâng lãi suất ở một số kỳ hạn trong biểu lãi suất mới. Sacombank công bố lãi suất mới đây với việc nâng khá nhiều lãi suất kỳ hạn ngắn so với biểu lãi vào đầu tháng 10. Cụ thể, kỳ hạn 2 tháng tăng 0,3% lên 5,3%/năm. Kỳ hạn 6, 7, 8 tháng tăng 0,2% lên 6,2%/năm. Kỳ hạn 9, 10, 11 tháng tăng mạnh thêm 0,4% lên 6,4%. Kỳ hạn 12 tháng tăng nhẹ từ 6,8% lên 6,9%/năm.

Giữa tháng 11, PVcomBank tăng thêm 0,5% cho lãi suất 12 tháng, lên 7,6%/năm. Còn lại vẫn được giữ nguyên so với biểu lãi suất vào đầu tháng 10.

BacABank công bố biểu lãi suất mới với việc tăng từ 0,1-0,2% cho các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên (so với biểu lãi ngày 1/6). Hiện lãi suất cao nhất của ngân hàng này là 7,9%/năm đối với lãi 18, 24 và 36 tháng.

TPBank công bố lãi suất mới vào hôm 9/11, kỳ hạn 12 tháng tăng nhẹ thêm 0,1% lên 7,7%/năm.

Theo các chuyên gia, xu hướng tăng lãi suất tại các ngân hàng vào dịp cuối năm chủ yếu do yếu tố mùa vụ. Bởi lẽ, cuối năm, nhu cầu vốn cho nền kinh tế tăng cao. Đây cũng là thời điểm nhu cầu rút tiền mặt của các doanh nghiệp để chi trả lương, thưởng cuối năm nên các ngân hàng phải đẩy mạnh huy động vốn nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng.

Hơn nữa, mới đây trong phiên trả lời chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã khẳng định trước Quốc hội rằng với các biện pháp điều hành, tín dụng sẽ “về đích” như kế hoạch (đạt mức tăng trưởng tín dụng 21%). Trong khi đến hết tháng 10, tín dụng toàn ngành mới tăng trưởng 13,6%, tức còn room gần 7% mới đạt chỉ tiêu đề ra. Như vậy, các ngân hàng đang phải chịu một sức ép lớn để “tăng tốc” trong 2 tháng cuối năm.

Vì vậy, việc các ngân hàng tăng hút tiền gửi khu vực dân cư bằng lãi suất là điều dễ hiểu, nhằm đảm bảo nguồn vốn cho vay phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh những tháng cuối năm.

Linh Nga

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/lai-suat-huy-dong-tang-suc-ep-tang-toc-tin-dung-cuoi-nam-120544.html