Sức ép giảm giá VND có lớn?

Sau những ngày tháng 7 lên 'đỉnh', nay giá USD đã tạm dịu trên thị trường cùng lúc nhà điều hành công bố sẵn sàng bán ra ngoại tệ. Ðiều gì tiếp theo sẽ chờ đợi? Có dự báo nhận định: rủi ro giảm giá mạnh VND trong năm 2018 không lớn thậm chí sức ép đã được giải tỏa. Tuy nhiên, vẫn đi kèm quan ngại, chiến tranh thương mại Mỹ- Trung sẽ 'trùm bóng đen' lên thị trường tiền tệ.

Tỷ giá VND/USD đã tăng 1,3% từ đầu năm tới nay, liệu có còn tăng nhiều nữa.

VND/USD: trồi sụt

`Sau khi liên tục tăng gần một tháng qua, giá bán USD tại các ngân hàng ngày 11/7 đã có dấu hiệu chững lại. Tỷ giá trung tâm được điều chỉnh tăng phiên thứ hai liên tiếp trong khi giá USD tại các ngân hàng thương mại sáng nay không có nhiều biến động.

Theo đó, Ngân hàng Vietcombank niêm yết giao dịch USD ở mức 23.005-23.075 đồng/USD (mua vào - bán ra), điều chỉnh tăng 5 đồng ở cả hai chiều mua vào, bán ra so với chốt phiên ngày 10/7. Tại Ngân hàng Ðông Á , Techcombank . Eximbank giá niêm yết mua vào và bán ra đều đi ngang so với hôm trước. Còn trên thị trường tự do, USD niêm yết ở mức mua vào là 23.150 đồng/USD và bán ra ở mức 23.190 đồng/USD, tăng 10 đồng ở chiều bán ra.

Tính chung từ đầu năm, VND đã mất giá tổng cộng 1,4% tính từ đầu năm, trái ngược với mức giảm khoảng 0,2% trong năm 2017. Ðiều này cũng đang làm dấy lên một số lo ngại cho doanh nghiệp (DN) và nhiều nhà đầu tư về xu hướng của tỉ giá. Liệu có khả năng giá USD tại ngân hàng sẽ còn tăng trong thời gian tới?

Phân tích cho thấy: Trong nước, trong tuần này sẽ có một lượng ngoại tệ nhất định đến hạn thanh toán. Ðiều này chắc chắn sẽ làm giảm nguồn cung ngoại tệ. Thêm vào đó, cán cân thương mại tháng 6 dự báo thâm hụt cũng sẽ tạo áp lực tâm lý lên tỉ giá .Tuy nhiên, theo phân tích từ Ngân hàng Vietinbank, trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước đã có biện pháp can thiệp vào thị trường, thông qua việc giảm mạnh tỉ giá bán USD cho các ngân hàng thương mại trong tuần qua. Tỉ giá được dự báo sẽ ổn định hơn so với ba tuần trước.

Theo phân tích của Ngân hàng Vietinbank, diễn biến khó lường của đồng USD và đồng Nhân dân tệ trên thị trường thế giới khi Mỹ - Trung chính thức áp thuế vào nhau cũng như Trung Quốc hạ 0,5% tỉ lệ dự trữ bắt buộc từ ngày 5/7 cũng tạo áp lực nhất định lên tỉ giá trong nước.Vì khi Trung Quốc hạ 0,5% tỉ lệ dự trữ bắt buộc, tương tương đương với 108 tỉ USD được bơm vào thị trường.

Cùng đó, công ty chứng khoán BVSC cũng vừa đưa ra nhận định về diễn biến tỷ giá từ nay đến hết năm. BVSC cho biết: Rủi ro giảm giá mạnh VND trong năm 2018 không lớn. Trong các phiên gần đây, tỷ giá USD/VND có xu hướng tăng khá mạnh so với hai tuần trước đó. Diễn biến này khiến VND tính đến thời điểm hiện tại đã giảm khoảng 1,3% so với thời điểm đầu năm.

Sức ép lên VND có lớn?

Theo quan sát của BVSC, sức ép giảm giá VND này chủ yếu xuất phát từ nhân tố khách quan là biến động giảm giá mạnh của các đồng tiền khác trong khu vực so với USD như: đồng Bath của Thái Lan (3%), Rupiah của Indonesia (-7%), Peso của Philippines (-7,3%), Rupee của Ấn Ðộ (-8%), Won của Hàn Quốc (-5,6%) và đặc biệt là Trung Quốc (-3,2%).. Tuy vậy, chúng tôi không đánh giá cao khả năng VND sẽ bị giảm giá mạnh trong 6 tháng cuối năm bởi 2 lý do:

Thứ nhất, ưu tiên hàng đầu của Chính phủ hiện nay là ổn định kinh tế vĩ mô và quản trị các cú sốc. Ưu tiên này thậm chí còn cao hơn cả mục tiêu hỗ trợ cho hàng xuất khẩu. “Nếu phá giá mạnh VND sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giá trị VND (đi ngược lại với định hướng của NHNN trong 3 năm qua). Thêm vào đó, rủi ro lạm phát đang tăng lên khá cao, nếu giảm giá mạnh VND sẽ càng khiến lạm phát tăng mạnh.’, BVSC chỉ ra.

Cùng đó, BVSC cho hay, trên thị trường thế giới, đồng Nhân dân tệ (NDT) nhiều khả năng khó giảm giá sâu thêm. Ngưỡng hỗ trợ 6,7 CNY đổi 1 USD đang được coi là một ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật và tâm lý vô cùng quan trọng. Nhiều khả năng nếu đồng NDT giảm xuống mức này, Chính phủ Trung Quốc sẽ có động thái can thiệp. Hiện tỷ giá USD/NDT dao động quanh mức 6,69, tức đã rất sát mốc giá hỗ trợ trên.

Tại hội thảo về tỷ giá tuần vừa qua, PGS.TS Nguyễn Ðức Trung, học viện ngân hàng TPHCM đã cho biết: tính đến quý I/2018, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư khoảng 4,86 tỷ USD, kéo theo cán cân vãng lai thặng dư khoảng 3,93 tỷ USD. “Trong hai quý đầu năm 2018, cán cân tài chính với mức thặng dư là 5,7 tỷ USD, đã trở thành nhân tố quyết định đẩy cán cân tổng thể thặng dư, tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước mua ngoại tệ vào, làm tăng quy mô dự trữ ngoại hối.”, ông Trung nói.

Cũng theo ông Trung, chỉ tính riêng 2 quý đầu năm 2018, Ngân hàng Nhà nước mua vào xấp xỉ 9 tỷ USD, chiếm 14% tổng giá trị dự trữ ngoại hối tích lũy đến tháng 6 năm 2018. Cuối quý II/2018, dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục trên 63 tỷ USD, tương đương với 15 tuần nhập khẩu ước tính cho cả năm 2018. Ðây là một trong những điểm tựa khá vững cho điều hành tỷ giá.

Khánh Huyền

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/suc-ep-giam-gia-vnd-co-lon-1299482.tpo