Sức ép gia tăng trước thềm cuộc gặp Tập-Trump tại G20

Giới quan sát dự báo sẽ có các cuộc đàm phán cam go khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới, trong bối cảnh những bất đồng Mỹ - Trung đã khiến Hội nghị Cấp cao APEC đã lần đầu tiên không thể ra tuyên bố chung.

Thế giới chờ đợi “màn so găng” Trump – Tập.

Mối bất hòa đã bộc lộ rõ khi ông Tập Cận Bình và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đưa ra những tuyên bố gây tổn thương lẫn nhau tại phiên khai mạc hội nghị APEC hôm 17/11. Cuộc “khẩu chiến”này đã phản ánh thực tế của sự cạnh tranh địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ, đồng thời dự báo Washington sẽ tìm cách tăng sức ép với Bắc Kinh trước thềm cuộc gặp giữa ông Tập và ông Trump tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina, dự kiến diễn ra trong hai tuần tới.

Liu Weidong, một chuyên gia về quan hệ Trung-Mỹ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc cho rằng, trong khi cuộc chiến thương mại đang gây thiệt hại cho cả Trung Quốc lẫn Mỹ, Bắc Kinh có thể phải đối mặt với nhiều áp lực hơn. Ông Tập Cận Bình đã cố gắng đặt Trung Quốc vào vị trí của một người ủng hộ thương mại tự do trong cuộc đối đầu với chủ nghĩa bảo hộ "Nước Mỹ trước tiên" của Tổng thống Mỹ Trump. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, ông Tập sẽ gặp khó khăn trong việc thuyết phục các nhà lãnh đạo của các cường quốc lớn như Đức, Pháp và Liên minh châu Âu (EU) - những bên chia sẻ nhiều mối quan ngại của Washington đối với Trung Quốc - dù là họ lo ngại bị mắc kẹt ở giữa tranh cãi của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Chuyên gia Liu cảnh báo: "Bắc Kinh cần phải sẵn sàng. Các cường quốc phương Tây có thể không đứng hẳn về phía Trung Quốc hay Mỹ, nhưng họ sẽ ngầm chấp thuận một số biện pháp của Mỹ có thể tiếp tục gây sức ép với Trung Quốc". Theo chuyên gia trên, Bắc Kinh sẽ phải làm gì đó liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ và mức thuế thấp hơn để kết thúc cuộc chiến tranh thương mại.

Về phần mình, James Floyd Downes, một giảng viên về chính trị tại Đại học Hong Kong nhận định quan hệ Mỹ-Trung đang ở trên vách núi, và có khả năng sẽ tiếp tục xấu đi. "Điều chúng ta sẽ thấy nhiều nhất trong những tháng tới và những năm tới là hai siêu cường đang tranh giành ưu thế trên sân khấu quốc tế. Mỹ và Trung Quốc đều không sử dụng diễn đàn APEC để quyết định chính sách cụ thể, mà là để chỉ trích lẫn nhau và thực chất là nhấn mạnh hơn nữa đến lợi ích quốc gia của họ".

Theo một nguồn tin của Chính phủ Trung Quốc, Bắc Kinh phản đối mạnh mẽ việc đưa vào dự thảo tuyên bố chung một dòng viết về "những thủ đoạn thương mại không công bằng". Mỹ đã sử dụng thuật ngữ này trong các khiếu nại và cáo buộc về các hạn chế thị trường, chuyển giao công nghệ bắt buộc, gián điệp công nghiệp, trợ cấp của chính phủ và đánh cắp sở hữu trí tuệ của Trung Quốc. Nhưng sẽ là quá cường điệu khi nói rằng chính dòng này là lý do duy nhất dẫn đến sự bế tắc.

Shi Yinhong, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh cho rằng, vẫn còn hy vọng cho một thỏa thuận “ngừng chiến” giữa Trung Quốc và Mỹ. Ông nói: "Cho đến nay, các nước phát triển gồm Nhật Bản, Australia và EU đã thận trọng trong cách xử lý cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ. Mỹ có thể muốn cố gắng thúc đẩy một thỏa thuận với Trung Quốc - và họ có thể chấp nhận một số phần, trừ phi các đề xuất về những chính sách kinh tế và công nghiệp của họ quá khắt khe".

Dư luận quốc tế đặc biệt chú ý tới cuộc gặp Trump – Tập ở Argentina, kỳ vọng tại cuộc gặp này, hai bên có thể đạt được nhận thức chung nào đó để tái khởi động đàm phán song phương giải quyết căng thẳng thương mại vốn được cả thế giới quan tâm. Dù không tiết lộ phía Trung Quốc có đáp ứng các yêu cầu của phía Mỹ hay không, nhưng Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho rằng đàm phán vẫn tốt hơn là không đàm phán.

Vĩnh Hà

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/suc-ep-gia-tang-truoc-them-cuoc-gap-tap-trump-tai-g20.aspx