Sức ép Brexit gia tăng, các 'lằn ranh đỏ' của EU bật sáng

Khi các cuộc đàm phán đến giai đoạn cuối, một số quốc gia thuộc khối 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU27) khẳng định việc 'không có thỏa thuận nào' cho giai đoạn sau Brexit tốt hơn là một thỏa thuận tồi.

EU vẫn có thể bị chia rẽ vì Brexit. (Nguồn: Adobe)

EU vẫn có thể bị chia rẽ vì Brexit. (Nguồn: Adobe)

Anh "cứng rắn", EU27 "khó chiều"

Khi các cuộc đàm phán đến giai đoạn cuối, một số quốc gia thuộc khối 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU27) khẳng định việc “không có thỏa thuận nào” cho giai đoạn sau khi Anh rời khỏi EU tốt hơn là một thỏa thuận tồi. EU vẫn có thể bị chia rẽ vì Brexit, nhưng điều đó sẽ không có lợi cho London.

Các quan chức cấp cao của EU và các nhà ngoại giao cho biết một số quốc gia, bao gồm Pháp, Hà Lan và Tây Ban Nha lo ngại, Trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnier có thể quá háo hức đạt được một thỏa thuận với Vương quốc Anh. Những người đứng đầu nhà nước và chính phủ các nước EU có thể sẽ phải can thiệp để ngăn chặn một thỏa thuận tồi tệ hơn cho khối.

Nhìn chung các quan chức EU27 và các quan chức trong các tổ chức của EU ở Brussels rất muốn đạt được một thỏa thuận. Nhưng mối lo ngại ngày càng tăng, nhiều người cho rằng EU27 không nên chấp nhận một thỏa thuận với bất kỳ giá nào trong khi Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson thậm chí còn sẵn sàng đơn phương phá bỏ một số điều khoản quan trọng của Thỏa thuận Brexit.

“Chúng tôi muốn có một thỏa thuận nhưng không phải là một thỏa thuận tồi. Nhưng những khó khăn vẫn còn và Vương quốc Anh chưa hành động đủ trong các vấn đề mấu chốt cơ bản cho phép chúng ta có được một thỏa thuận cân bằng về kinh tế, bao gồm nghề cá, quản trị và sân chơi bình đẳng”, một nhà ngoại giao cấp cao của EU, người đang theo sát các cuộc đàm phán cho biết.

Do chủ yếu bận tâm đối phó với vấn đề cấp bách hiện nay là đại dịch Covid-19, các nhà lãnh đạo quốc gia trong khối EU27 tương đối ít chú ý đến Brexit và các cuộc đàm phán giai đoạn cuối với Vương quốc Anh. Do đó, một số quan chức và nhà ngoại giao cho biết sức ép đối với Trưởng đoàn Barnier lúc này lớn hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong 4 năm qua.

Các quan chức và các nhà ngoại giao mô tả ông Barnier đang lâm vào tình thế giống như đi trên dây giữa việc cố gắng đạt được một thỏa thuận lịch sử với London và việc EU27 không sẵn lòng dịch chuyển "lằn ranh đỏ" của họ về cái gọi là "sân chơi bình đẳng", đảm bảo rằng Anh không thể phá hoại khối EU sau khi họ đã rời đi.

Một quan chức cấp cao của EU, người thường xuyên được cập nhật về các cuộc đàm phán, đã mô tả các cuộc đàm phán là “ly kỳ”, với kết quả được dự đoán là rất giống cuộc phiêu lưu kéo dài, kịch tính đến phút cuối. “Rất khó để dự đoán điều gì sẽ xảy ra”, quan chức trên nói.

Tính kiên nhẫn bị thử thách

Một số quan chức EU bày tỏ lo ngại rằng sự ra đi của Dominic Cummings, Cố vấn trưởng của Thủ tướng Anh Boris Johnson, dường như không dẫn đến sự nhượng bộ nào từ Trưởng đoàn đàm phán của Vương quốc Anh David Frost.

Những quan chức khác ở Brussels cho rằng những kỳ vọng về một cách tiếp cận hòa giải hơn là không tưởng. Một nhà ngoại giao khác của EU cho rằng trong bối cảnh bất an ngày càng gia tăng, có khả năng các nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận về Brexit trong một hội nghị trực tuyến vào tuần tới, mặc dù cuộc họp dự định tập trung vào đại dịch Covid-19.

“Các quốc gia thành viên ngày càng mất kiên nhẫn hơn. Tất nhiên mọi người đều muốn có một thỏa thuận, nhưng nếu triển vọng cho một thỏa thuận quá hạn chế thì Ủy ban nên khẩn trương bàn về một kế hoạch đề xuất dự phòng”, ông nói thêm.

Việc không rõ khi nào ông Barnier sẽ thông báo ngắn gọn cho các đại sứ EU chỉ làm tăng thêm sự lo ngại không biết điều gì sẽ xảy ra trong giai đoạn cuối quan trọng của quá trình đàm phán. Có thể sẽ có 2 kịch bản, một kịch bản xấu và một kịch bản xấu hơn.

Theo kịch bản xấu, Brussels và London “không thể đạt được một thỏa thuận vì quá phức tạp để đáp ứng các thời hạn và Anh đã không thể đưa ra lựa chọn trước thời hạn chót, mọi thứ được thực hiện mà không có sự thống nhất”. Trong trường hợp đó, các cuộc đàm phán có thể tiếp tục với các điều kiện thân thiện hơn sau khi hai bên đã viện đến các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Trong kịch bản xấu hơn, các cuộc đàm phán hiện nay sẽ bị đình trệ và sẽ mất nhiều thời gian để nối lại các cuộc thảo luận. “Nếu không có thỏa thuận nào và tình hình trở nên căng thẳng, mọi việc sẽ phức tạp hơn và sẽ mất nhiều thời gian hơn”. Anh dường như quá tập trung vào việc “ly hôn” với EU hơn là xây dựng một tương lai mới.

Các nhà quan sát mong đợi một thỏa thuận vào đầu tuần tới hoặc trong tuần đầu tiên của tháng 12. Có những lo lắng rằng sau thời điểm đó, thời gian biểu phê chuẩn sẽ quá ngắn để thỏa thuận có thể được thực hiện vào ngày 1/1/2021.

Một quan chức thân cận với ông Barnier thừa nhận không có gì chắc chắn, nhưng bày tỏ tin tưởng rằng nhà đàm phán dày dạn kinh nghiệm hoàn toàn hợp tác với Hội đồng và Nghị viện châu Âu. Quan chức này nói: “Đừng quên là Trưởng đoàn Michel Barnier đã thường xuyên liên lạc với các quốc gia thành viên và Nghị viện châu Âu trong 4 năm qua. Ông ấy thường xuyên thông báo và lắng nghe họ”.

Tuy nhiên, một nhà ngoại giao cấp cao khác của EU cho rằng đã đến lúc Ủy ban phải nghiêm túc chuẩn bị cho viễn cảnh không có thỏa thuận nào. Nhà ngoại giao này nói: “Chúng ta cần triển khai các biện pháp dự phòng vì ngày 1/1/2021 đang đến gần và chúng ta phải thảo luận chung về mạng lưới an toàn của mình. Đây là một vấn đề quan trọng cần giải quyết ngay”.

Nhà ngoại giao này chỉ rõ rằng các mạng lưới an toàn phải được thiết lập cho các vấn đề hàng ngày như chuyến bay chở khách và hàng hóa, sự phối hợp đó là cần thiết vì về mặt kỹ thuật, mỗi quốc gia trong EU đều có thể đàm phán một thỏa thuận riêng với London khi Anh hoàn toàn ra khỏi EU.

(theo Politico)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/suc-ep-brexit-gia-tang-cac-la-n-ranh-do-cua-eu-bat-sang-129801.html